Hỏi: Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình bao gồm? Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn hoạt động trợ giúp nạn nhân của các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 26 Luật Phòng chống, bạo lực gia đình năm 2017 thì Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình là nơi chăm sóc, tư vấn, tạm lánh, hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho nạn nhân bạo lực gia đình, bao gồm: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Cơ sở bảo trợ xã hội; Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; Cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.
Tại Điều 13 Nghị đinh số 08/2009/NĐ-CP ngày 04/02/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật phòng, chống bạo lực gia đình, theo đó Hoạt động trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình là hoạt động nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận nhằm giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình, bao gồm: Chăm sóc sức khoẻ; chăm sóc y tế; Tư vấn pháp Luật; tư vấn tâm lý; Cung cấp nơi tạm lánh trong trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình không có chỗ ở khác, nhằm tránh những hành vi bạo lực tiếp theo của người gây bạo lực gia đình; Hỗ trợ một số nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân bạo lực gia đình trong trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình không tự lo được hoặc không có sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè. Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu bao gồm cung cấp đồ ăn, nước uống, cung cấp hoặc cho mượn quần áo, chăn màn và các đồ dùng thiết yếu khác.
Theo đó, giao Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện cho các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình hoạt động; Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc bảo vệ cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình trong trường hợp cần thiết.
Hỏi: Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm những hành vi nào? Qua đó, gia đình có trách nhiệm gì trong phòng, chống bạo lực gia đình?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 thì, các hành vi bạo lực gia đình bao gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; Cưỡng ép quan hệ tình dục; Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình; Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính; Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Ngoài ra, hành vi bạo lực gia đình cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.
Tại Điều 32 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, để phòng chống bạo lực gia đình thì gia đình có trách nhiệm: Giáo dục, nhắc nhở thành viên gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác; Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; can ngăn người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt hành vi bạo lực; chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình; Phối hợp với cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư trong phòng, chống bạo lực gia đình; Thực hiện các biện pháp khác về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Luật này./.