Tài liệu tuyên truyền
Thứ 6, Ngày 16/07/2021, 11:00
Luật Cư trú gồm 7 chương với 38 điều với một số điểm mới đáng chú ý như sau: - Thay thế phương thức quản lý cư trú
Điều 30 Luật cư trú quy định thông tin về cư trú phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật; tại một thời điểm, mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và không quá một nơi tạm trú. Bên cạnh đó, theo Khoản 3 Điều 38 quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022. Như vậy, Từ ngày 01/7/2021, việc quản lý cư trú của công dân sẽ được chuyển từ thủ công, truyền thống thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sang quản lý bằng số hóa, cụ thể là quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chạy trên mạng internet. Việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện.
Do sử dụng phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin nên thời gian giải quyết đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cho công dân cũng đơn giản, rút ngắn cả về thủ tục và thời gian. Theo quy định hiện hành, thời gian giải quyết đăng ký thường trú là 15 ngày còn theo Luật Cư trú tối đa là 7 ngày (Khoản 3 Điều 22).
2. Sửa đổi, bổ sung và loại bỏ nhiều quy định về thường trú, tạm trú.
Thứ nhất, Luật cư trú đã bỏ toàn bộ các thủ tục về cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu, cấp đổi sổ tạm trú, cấp lại sổ tạm trú, điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú, gia hạn tạm trú (Khoản 3 Điều 38). Quy định như vậy nhằm hướng tới mục tiêu đơn giản hoá thủ tục hành chính, đồng thời việc quản lý dân cư bằng mã số định danh trên cơ sở dữ liệu Quốc gia cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ các nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.
Thứ hai, Luật bổ sung trường hợp bị xoá đăng ký thường trú. Ngoài các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú như hiện nay, xuất phát từ thực tiễn và để nâng cao hiệu quả quản lý về cư trú, nắm đúng thực tế số hộ, số người thường trú trên địa bàn, phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hoạch định, thực hiện chính sách an ninh xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người có liên quan, Luật Cư trú đã bổ sung một số trường hợp xóa đăng ký thường trú tại Điều 24: Người vắng mặt tại nơi thường trú trên 12 tháng liên tục trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác, đã khai báo tạm vắng hoặc xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư; Người đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam; bị tước, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở là do được thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã hết thời hạn thuê, không được mượn, không được ở nhờ nữa; Người đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, kê biên, tịch thu và người đã bán nhà, tàu, thuyền, phương tiện khác là chỗ ở dùng để đăng ký thường trú bị xóa đăng ký thường trú sau 12 tháng kể từ ngày bán nhà, tàu, thuyền, phương tiện đó trừ trường hợp được chủ sở hữu tài sản mới đồng ý cho tiếp tục đăng ký thường trú.
Đồng thời, Luật bổ sung thêm trường hợp loại trừ không cần xóa đăng ký thường trú đối với người đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, trường giáo dưỡng tại Điểm d Khoản 1 Điều 24 để đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho việc tái hòa nhập và công tác quản lý của Nhà nước đối với người đã chấp hành xong bản án, quyết định xử lý hành chính. Trường hợp công dân đi lao động, học tập ở nước ngoài không phải để định cư cũng không bị xóa đăng ký thường trú theo quy định tại điểm này.
Thứ ba, Luật bổ sung quy định để quản lý đối với trường hợp công dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú để bảo đảm quản lý tốt hơn đối với nhóm người này (đây là những người chưa đăng ký thường trú, tạm trú ở đâu như người di cư, sống lang thang, không có giấy tờ tùy thân, không có chỗ ở hợp pháp hoặc có chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng không được chủ hộ đồng ý cho đăng ký thường trú, tạm trú…). Việc bổ sung quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người dân, giúp cơ quan nhà nước nắm được tình hình của những người này và hỗ trợ họ.
Thứ tư, Luật bổ sung quy định điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ. Cụ thể, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nếu bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người (Điểm b Khoản 3 Điều 20). Đồng thời, người này còn phải được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ. Kéo theo đó, trong hồ sơ đăng ký thường trú, phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú.
3. Không còn điều kiện riêng khi nhập khẩu TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh
Một trong những quy định đáng chú ý của Luật Cư trú là xóa điều kiện riêng khi muốn nhập khẩu các thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng nghĩa, công dân khi muốn đăng ký thường trú vào TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không bị phân biệt về điều kiện. Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân; bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp 2013 và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp. Cụ thể, Điều 20 Luật cư trú quy định: Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó; Khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý trong các trường hợp vợ/chồng về ở với chồng/vợ; con đẻ, con nuôi về ở với cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi và ngược lại… thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình…
4. Các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú
Luật cấm cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú; Lạm dụng việc sử dụng thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú làm điều kiện để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; Đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú; Không tiếp nhận, trì hoãn việc tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, thông tin đăng ký cư trú hoặc có hành vi nhũng nhiễu khác; không thực hiện, thực hiện không đúng thời hạn đăng ký cư trú cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký cư trú; xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trái với quy định của pháp luật; Thu, quản lý, sử dụng lệ phí đăng ký cư trú trái với quy định của pháp luật; Tự đặt ra thời hạn, thủ tục, giấy tờ, tài liệu, biểu mẫu trái với quy định của pháp luật hoặc làm sai lệch thông tin, sổ sách, hồ sơ về cư trú; Cố ý cấp hoặc từ chối cấp giấy tờ, tài liệu về cư trú trái với quy định của pháp luật.
Luật cũng quy định cấm lợi dụng việc thực hiện quyền tự do cư trú để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Làm giả giấy tờ, tài liệu, dữ liệu về cư trú; sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú; cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú; khai man điều kiện, giả mạo hồ sơ, giấy tờ, tài liệu để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại giấy tờ, tài liệu về cư trú; Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, môi giới, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú; Giải quyết cho đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú khi biết rõ người đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú không sinh sống tại chỗ ở đó; Đồng ý cho người khác đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú không sinh sống tại chỗ ở đó; Truy nhập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú./.
Lượt người xem: Views:
1176
Bài viết:
MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT CƯ TRÚ CÓ HIỆU LỰC TỪ 01/7/2021
Đề cương tuyên truyền
|