Hội đồng PHPBGDPL
Thứ 3, Ngày 31/12/2019, 09:00
GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA, HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC XÃ HỘI THAM GIA CÔNG TÁC PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
31/12/2019

Tỉnh Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, 91 đơn vị hành chính cấp xã, dân số toàn tỉnh khoảng 2.4 triệu người (trong đó khoảng 53% là người lao động ngoài tỉnh). Tính đến đầu năm 2019, toàn tỉnh có 29 Khu công nghiệp, 12 Cụm công nghiệp với 39.541 doanh nghiệp đầu tư trong nước, 3.639 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn 2003 đến nay, kết quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đạt được khá toàn diện, sản xuất công nghiệp phát triển nhanh, xu hướng đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Bình Dương đã, đang đối mặt với không ít khó khăn thách thức về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, môi trường,… Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều giải pháp mang lại hiệu quả tích cực. Một trong những giải pháp chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh, của các ngành, các cấp, sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp đó là tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế xã hội, một số kết quả như:

1. Tình hình quán triệt, phổ biến Chỉ thị số 32-CT/TW; Thông báo số 74-TB/TW; Kết luận số 04-KL/TW và Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.

Trên cơ sở nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến pháp luật, sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 32, Thông báo số 74-TB/TW; Kết luận số 04-KL/TW và Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh Bình Dương đã tích cực và sớm triển khai thực hiện rất nghiêm túc nhằm tạo sự chuyển biến mạnh cả về nhận thức và chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL: Tỉnh ủy ban hành văn bản quán triệt, phổ biến Chỉ thị số 32; Thông báo số 74-TB/TW; Kết luận số 04-KL/TW; tổ chức Hội nghị quán triệt nội dung đến cấp ủy Đảng, các sở, ban, ngành và các đảng ủy trực thuộc; chỉ đạo Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành quan tâm thực hiện tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật coi đây là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức triển khai, quán triệt cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nắm vững mục đích, ý nghĩa và nội dung của Chỉ thị 32; yêu cầu mỗi đảng viên, cán bộ công chức phải xác định việc nghiên cứu học tập pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, là một trong những tiêu chuẩn đánh giá cán bộ đảng viên. Thông qua đó góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật, đồng thời tuyên truyền phổ biến cho người thân, gia đình và nhân dân.

Tổ chức triển khai thực hiện phổ biến Chỉ thị số 32 và các văn bản về công tác phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với đối tượng, đặc thù như: tổ chức hội nghị, sinh hoạt Ngày pháp luật, tổ chức cuộc thi, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng - đăng tải trên các báo, tạp chí, bản tin của đơn vị; trên sóng phát thanh, loa truyền thanh cơ sở, lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt,...tạo điều kiện cho cán bộ công chức và nhân dân nắm, hiểu, thực hiện theo đúng tinh thần và nội dung của các văn bản. Bên cạnh đó, các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh cũng thường xuyên thông tin, phản ánh về tình hình triển khai, kết quả thực hiện Chỉ thị 32 và các văn bản liên quan đến công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, để quán triệt và thực hiện đồng bộ, thống nhất Chỉ thị số 32; Thông báo số 74-TB/TW; Kết luận số 04-KL/TW trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua, Tỉnh Ủy đã ban hành khá nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng; Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, các cấp, các ngành, đoàn thể địa phương, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các cấp tích cực chỉ đạo và triển khai thực hiện, cụ thể hóa nhiệm vụ trong các kế hoạch hàng năm, kế hoạch, đề án chuyên đề của cơ quan, ngành, đơn vị mình để thực hiện có hiệu quả.

2. Về kết quả thực hiện

- Các cấp ủy Đảng, UBND các cấp, các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể đã có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức về vai trò tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thường xuyên quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật. Xác định phổ biến giáo dục pháp luật là trách nhiện của cả hệ thống chính trị, không phải chỉ trách nhiệm của ngành Tư pháp. Hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được chú trọng.

- Các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật từng bước đi vào nề nếp, được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm; công tác phối hợp ngày càng đạt hiệu quả cao; đặt biệt là vai trò của cơ quan Tư pháp – thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật trong việc chủ động tham mưu, kết nối với các thành viên, các ngành, các cấp. Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khá phong phú và được đổi mới, đã kết hợp công tác giáo dục chính trị tư tưởng và các hoạt động chuyên môn, tuyên truyền, vận động khác. Nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả được các ngành, địa phương triển khai thực hiện, đặc biệt là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, nắm bắt kịp thời các dư luận và định hướng dư luận

- Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được xây dựng, củng cố kiện toàn, tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Bên cạnh đội ngũ báo cáo viên pháp luật thì công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn thu hút đông đảo tuyên truyền viên, hòa giải viên, giáo viên dạy giáo dục công dân, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật, các phóng viên, biên tập viên các chương trình, chuyên mục pháp luật của các báo, đài…

- Xây dựng và hoàn thiện thể chế: Tỉnh Bình Dương rất quan tâm và sớm xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh như: đã ban hành một số Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị (Nghị quyết 23/2014/NQ-HĐND8 ngày 24/7/2014 về một số mức chi có tính chất đặc thù thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Quyết định số 30/2014/QĐ-UBND ngày 25/7/2014 về việc quy định một số mức chi có tính chất đặc thù thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Quyết định số 14/2015/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 về việc quy định một số mức chi thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở và mức chi cho Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Chỉ thị 06/2014/CT-UBND ngày 03/10/2014 về việc tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Dương...)

- Về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

+ Tổ chức hội nghị, tuyên truyền miệng: Các ngành các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 142.841 cuộc với 9.350.177 lượt người tham dự; tổ chức 12.696 cuộc thi, hội thi với 4.405.108 lượt người tham dự; thực hiện phối hợp soạn thảo và in ấn, cấp phát 8.490.641 tài liệu tuyên truyền như, tờ gấp, băng ron, pano. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng được chú trọng, tăng cường cả về thời lượng, nội dung, cách thức đã phát huy hiệu quả rất tích cực. Các ngành, các cấp thường xuyên thực hiện tuyên truyền pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng như website của tỉnh, sở, ngành, địa phương; Báo Bình Dương, Đài phát thanh truyền hình Bình Dương, đài truyền thanh và loa truyền thanh cơ sở với nhiều chuyên mục chuyên đề định kỳ về pháp luật.

+ Triển khai thực hiện Ngày pháp luật 9/11: Ngày 9/11/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức mít tinh công bố Ngày pháp luật Việt Nam và tổ chức các hoạt động để thu hút sự quan tâm, tuyên truyền về Ngày pháp luật. Kể từ năm 2013 đến nay, hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh đều ban hành các kế hoạch, công văn chỉ đạo và triển khai thực hiện Ngày pháp luật Việt Nam 9/11. Các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú và đa dạng để tuyên truyền pháp luật như tuyên truyền trực tiếp, tổ chức các cuộc thi; in ấn và cấp phát tài liệu, tờ gấp pháp luật, đĩa CD tuyên truyền về Ngày pháp luật, các xe lưu động tuyên truyền pháp luật; treo băng ron; gắn áp phích, cờ phướn với chủ đề và các khẩu hiệu tuyên truyền pháp luật; tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí.…Điểm nổi bật trong chuỗi sự kiện diễn ra hàng năm đó là tổ chức chuỗi các hoạt động ở các cấp, đồng thời có những sự kiện điểm nhấn, quy mô, có sự đổi mới hàng năm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là công nhân lao động tham gia với nhiều hoạt động thiết thực (năm 2013 tỉnh tổ chức mít tinh công bố Ngày pháp luật Việt Nam thu hút hơn 1.000 người tham gia; năm 2014 tổ chức lễ mít tinh với 3.000 người tham gia là lãnh đạo các doanh nghiệp, người dân, công nhân lao động trên địa bàn; tổ chức ra quân bảo vệ môi trường, cấp phát sách pháp luật cho các trường học; năm 2016, 2018 tổ chức Lễ mít tinh và Ngày hội công nhân với pháp luật với nhiều hoạt động đa dạng và phong phú, thu hút hơn 9.000 người dự; tặng giỏ sách pháp luật cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tư vấn pháp luật; bán hàng giảm giá, khám sức khỏe miễn phí, giới thiệu việc làm...tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, nhân dân trên địa bàn tỉnh có thêm nhiều kênh thông tin để được tiếp cận, tìm hiểu, tư vấn pháp luật).

+ Tuyên tuyền pháp luật thông qua hoạt động Hòa giải ở cơ sở được xác định là một kênh tuyên truyền pháp luật trực tiếp có hiệu quả vừa góp phần xây dựng và giữ gìn tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân vừa giữ gìn an ninh trật tự xã hội; thông qua hoạt động hòa giải cơ sở đã góp phần hạn chế tranh chấp, khiếu nại tố cáo vượt cấp và các tranh chấp phải giải quyết ở Tòa án các cấp; góp phần xây dựng gia đình văn hóa, khu ấp văn hóa.. Tính đến thời điểm 8/2019, toàn tỉnh có 592 tổ hòa giải với 4.406 hòa giải viên; trong 15 năm các Tổ hòa giải đã đưa ra hòa giải 41.499 vụ việc; hòa giải thành được 32.086 vụ việc đạt 77,3 %. Đặc biệt, số lượng vụ việc hòa giải hàng năm theo xu hướng giảm dần, tỉ lệ hòa giải thành ngày càng tăng (năm 2009 hòa giải thành đạt tỉ lệ 75%, năm 2018 hòa giải thành đạt tỉ lệ 88%)

+ Tuyên truyền thông qua sinh hoạt Ngày pháp luật hàng tháng: Từ năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị 04/2010/CT-UBND ngày 22/12/2010 về thực hiện Ngày pháp luật hàng tháng nhằm tạo thói quen học tập, tìm hiểu pháp luật trong cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân, giúp nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật. Theo đó,  các sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp huyện, cấp xã thực hiện nghiêm túc mô hình "Ngày pháp luật" ngày 05 hàng tháng. Mô hình này đã và đang phát huy tác dụng, được các ngành đánh giá cao, là ngày sinh hoạt định kỳ về pháp luật với thời lượng khoảng từ 30 đến 60 phút. Qua 09 năm thực hiện, các đơn vị, địa phương đã tổ chức được 54.135 buổi với hơn 1.396.971 lượt người tham dự. Nội dung phổ biến ngắn gọn, dễ hiểu các cơ quan đã sử dụng các trang thiết bị phục vụ như trình chiếu qua máy chiếu, các thông tin pháp luật, cấp phát tờ gấp, thi đố vui pháp luật, hái hoa dân chủ có giải thưởng,… làm cho buổi sinh hoạt Ngày pháp luật sinh động, hiệu quả hơn.

+ Tuyên truyền pháp luật thông qua các Câu lạc bộ: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.454 câu lạc bộ như: Câu lạc bộ pháp luật; Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, phụ nữ với pháp luật, thanh niên với pháp luật; Câu lạc bộ phòng chống tội phạm, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, tổ trợ giúp pháp lý; tổ chức tư vấn pháp luật,...thông qua sinh hoạt các Câu lạc bộ này đã lồng ghép nhiều nội dung pháp luật như hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, phòng chống HIV/AIDS, giao thông đường bộ, môi trường,...tuyên truyền đến các thành viên trong Câu lạc bộ.

+ Tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: Đây là hình thức đã, đang và sẽ được các ngành các cấp áp dụng, triển khai mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền pháp luật. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống như Báo Bình Dương, Đài Phát thanh truyền hình Bình Dương, hệ thống loa, đài truyền thanh cơ sở, bản tin được các các ngành, các cấp đầu tư, đổi mới, đăng tải nhiều nội dung và khai thác hiệu quả kênh thông tin này trong công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng và phong phú như phóng sự, tiểu phẩm, hỏi đáp, bài viết phóng sự, tin, bài...; Nhiều chuyên trang, chuyên mục đã và đang phát huy hiệu quả như: Đài phát thanh và truyền hình Bình Dương phối hợp với các sở, ngành xây dựng và thực hiện các chương trình về pháp luật như Chương trình "An toàn giao thông", "pháp luật và cuộc sống", " Dân số và phát triển", " Phòng cháy chữa cháy", "lao động công đoàn", "Tài nguyên môi trường", "Câu chuyện giao thông", " Tuyên truyền bình đẳng giới", "tư vấn pháp luật trực tiếp trên sóng FM, "Đồng hành cùng công nhân,…. tạo ra nhiều kênh thông tin, hình thức để nhân dân lựa chọn và tìm hiểu pháp luật. Trong 15 năm hệ thống đài PTTH Bình Dương và Đài truyền thanh cơ sở đã phát sóng được hơn 317.157 giờ  phục vụ tuyên truyền pháp luật. Các hình thức thông tin cổ động, băng ron, pano, áp phích, hình ảnh... của ngành văn hóa thông tin, thư viện và các chương trình văn hóa văn nghệ luôn gắn với việc tuyên truyền phổ biến pháp luật phục vụ nhân dân nhất là công nhân ở khu công nghiệp, nhân dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

+ In và cấp phát tài liệu tuyên truyền pháp luật: Các sở, ngành, địa phương biên soạn tài liệu dưới nhiều hình thức sinh động để cấp phát cho cán bộ, công chức và nhân dân, đặc biệt là công nhân lao động qua giỏ pháp luật đặc ở các khu nhà trọ, sinh hoạt văn hóa văn nghệ,…  Trong 15 năm,  toàn tỉnh đã cấp phát được 19.132.587 bộ tài liệu, văn bản; băng ron, khẩu hiệu, băng, đĩa có nội dung pháp luật.

Bên cạnh đó nhiều mô hình, cách làm mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền pháp luật như trang thông tin điện tử, thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến (nổi bật là Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức thi trực tuyến hàng năm trên địa chỉ website: thitructuyen.binhduong.gov.vn với 10 cuộc thi trong đó có cuộc thi thu hút hơn 70.000 lượt người tham gia), tuyên truyền qua zalo, facebook (Liên đoàn lao động, Tỉnh đoàn, Sở Thông tin và truyền thông),….đã góp phần rất lớn cho việc tìm hiểu và nâng cao kiến thức pháp luật trong nhân dân. Qua quá trình thực hiện, nhiều mô hình, cách làm nổi bật, hiệu quả đã được triển khai, thực hiện, đặc biệt là từ sau khi tổng kết 06 năm thực hiện Chỉ thị 32 (từ 2010 đến nay) như:

+ Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật:

* Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật qua mạng internet: Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, Tỉnh đoàn, Sở Khoa học và công nghệ đã tổ chức thành công nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật trên internet, thu hút hàng chục ngàn lượt người tham dự, nổi bật là: Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức 10 cuộc thi tìm hiểu pháp luật trên Internet từ năm 2015 đến nay (năm 2019 đang tổ chức 03 cuộc thi), tiêu biểu như: Cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật về bầu cử trên Internet" với 10.577 bài dự thi, trên 23.000 lượt người truy cập để tìm hiểu pháp luật cũng như tham gia cuộc thi; Cuộc thi "Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với pháp luật phòng, chống tham nhũng" với 26.394 bài dự thi, trên 66.000 lượt người truy cập để tìm hiểu pháp luật cũng như tham gia cuộc thi; Cuộc thi "Học sinh tìm hiểu pháp luật trên Internet" với 75.167 bài dự thi, 95.018 lượt người truy cập để tìm hiểu pháp luật cũng như tham gia cuộc thi; cuộc thi "Tìm hiểu Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015" với 44.753 lượt truy cập tìm hiểu kiến thức pháp luật và cách thức tham gia cuộc thi , trong đó có 15.696 lượt người tham gia dự thi...

* Tuyên truyền pháp luật qua mail công vụ, zalo, facebook:  Đây là hình thức tuyên truyền pháp luật nhanh và đạt hiệu quả cao cho các đối tượng như: đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước thì tuyên truyền qua mail công vụ. Nhiều văn bản pháp luật, thông tin cần được tuyên truyền thì các cơ quan, ban, ngành chuyển qua mail công vụ; bên cạnh đó, những thông tin cần phải tuyên truyền rộng như về Ngày pháp luật Việt Nam 9/11, tuyên truyền về dự thảo luật đặc khu; các văn bản luật mới ban hành,… thì phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông để chuyển nội dung cần tuyên truyền qua mail công vụ cho tất cả cán bộ, công chức trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan đơn vị tuyên truyền qua zalo facebook như Binh Duong Smartcity, tuổi trẻ Bình Dương, ….

+ Nhiều mô hình, Câu lạc bộ của các cơ quan, ban ngành, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên được thành lập, thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật như Câu lạc bộ chủ nhà trọ, Câu lạc bộ phòng chống tội phạm, Tổ tự quản An toàn giao thông; Nhóm nồng cốt tuyên truyền pháp luật, Mô hình điểm sáng chấp hành pháp luật, Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật,….

+ Tuyên truyền pháp luật lưu động lồng ghép trong các hoạt động văn hóa văn nghệ, tổ chức Lễ mít tinh Ngày pháp luật Việt Nam 9/11 với các hoạt động thiết thực cụ thể gắn với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là công nhân lao động.

3. Giải pháp để đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại Bình Dương.

Để công tác phổ biến giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao, trong những năm qua tỉnh Bình Dương đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện; trong đó đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật là một trong các giải pháp được tỉnh ưu tiên lựa chọn và thực hiện như

-Về công tác phối hợp huy động các nguồn lực tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật: Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Thông báo số 74-TB/TW và Kết luận số 04-KL/TW của Ban Bí thư nói chung và công tác phổ biến giáo dục pháp luật nói riêng bằng nhiều hình thức như: xây dựng kế hoạch phối hợp theo giai đoạn, kế hoạch phối hợp hàng năm hoặc trong công việc cụ thể[1] để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phát huy thế mạnh, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp. Điểm nổi bật đó là sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn với các tổ chức đoàn thể như Công an, Quân sự, Tư pháp, Tòa án, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin truyền thông, Đài phát thanh truyền hình, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Cựu chiến binh,...tạo nên nhiều chuỗi hoạt động, mô hình tuyên truyền pháp luật đạt hiệu quả cao.

Công tác phối hợp chặt chẽ, trên cơ sở có phân công phù hợp chức năng nhiệm vụ từng ngành, quy định rõ vai trò, trách nhiệm, cơ chế phối hợp trong các Kế hoạch, quy chế, chương trình, đề án chuyên đề về công tác phổ biến giáo dục pháp luật đặc biệt phát huy tốt cơ chế phối hợp thông qua hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh.

- Xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL; thường xuyên củng cố kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật; trong đó mở rộng thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện cho phù hợp với tình hình thực tế và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động (Hội đồng cấp tỉnh bổ sung Ban Quản lý khu công nghiệp, Ban Quản lý khu công nghiệp Việt Nam – Sigarpore; Hội đồng cấp huyện bổ sung lãnh đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn). Đội ngũ làm công tác PBGDPL đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuyển tải chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. Nhận thức được tầm quan trọng này, trong thời gian qua Ủy ban nhân dân các cấp luôn quan tâm chỉ đạo, củng cố kiện toàn đội ngũ làm công tác PBGDPL và đã có một bước tiến đáng kể về số lượng và chất lượng như: Báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật: Trong thời gian qua Ủy ban nhân dân các cấp luôn quan tâm chỉ đạo, củng cố kiện toàn đội ngũ làm công tác PBGDPL, ngày càng nâng cao về số lượng, chất lượng, phát huy tốt vai trò đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên và tham gia nhiều hơn vào công tác phổ biến giáo dục pháp luật toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 69 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh [2], 233 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.537 tuyên truyền viên cấp xã (giảm 12 Báo cáo viên cấp tỉnh, tăng 126 Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tăng 1264 tuyên truyền viên cấp xã so với với thời điểm tổng kết 6 năm thực hiện chỉ thị 32).

Trong thời gian qua, các cấp tổ chức nhiều lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ pháp chế sở ngành, giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân nhằm nâng cao chất lượng phổ biến giáo dục pháp luật như Sở Tư pháp, Đảng ủy khối, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đoàn Thanh niên, Phòng Tư pháp các huyện thị xã, thành phố,... Thông qua đó giúp đội ngũ làm công tác tuyên truyền bổ sung kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ, tham gia đóng góp nhiều hơn với công tác tuyên truyền pháp luật ở địa phương, đơn vị, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Quan tâm, tạo điều kiện bảo đảm triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác xã hội hóa hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

+ Nhằm tạo điều kiện thuận lợi và áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh về kinh phí phổ biến giáo dục pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 51/2010/QĐ-UBND quy định một số mức chi thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có quy định mức chi hội nghị tập huấn, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, thù lao cho báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên, cộng tác viên,…thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Để công tác phổ biến giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, hàng năm các cấp, các ngành đều quan tâm đầu tư và bố trí kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ công tác PBGDPL.

+ Bên cạnh đó, Bình Dương đã có những chủ trương và chính sách quan tâm đến công tác hòa giải (Tổ hòa giải, Hội đồng hòa giải cấp xã). Từ năm 2002 tỉnh đã có chủ trương chi hỗ trợ hoà giải thành là 50.000đ/vụ; đã nâng mức chi hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay ( 200.000 đồng/ vụ việc hòa giải thành, 100.000 đồng/ vụ việc hòa giải không thành) động viên, hỗ trợ cho công tác này.

- Công tác xã hội hóa phổ biến giáo dục pháp luật được tỉnh thực hiện và bước đầu đạt nhiều kết quả khả quan, nhiều doanh nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác này như hỗ trợ cơ sở vật chất (địa điểm, hội trường, các khung rạp, …) cho việc tổ chức Ngày pháp luật 9/11 (như năm 2016 doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức Ngày pháp luật Việt Nam 9/11 hơn 70 triệu đồng,..); tạo điều kiện thực hiện tuyên truyền pháp luật trong doanh nghiệp (doanh nghiệp bố trí về thời gian, địa điểm, cơ sở vật chất, mua một số phần quà từ 30.000 đến 50.000 đồng/ 01 phần để tặng cho công nhân trong phần, giao lưu thi hái hoa dân chủ tìm hiểu pháp luật,…); vận động doanh nghiệp tham gia tài trợ, hỗ trợ kinh phí thông qua in băngron, tờ gấp, tặng nón bảo hiểm, móc khóa; tham gia bán hàng giảm giá…. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp huy động Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, hội công chứng, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật miễn phí cho nhân dân, đặt biệt là công nhân lao động trên địa bàn tỉnh.

Trong giai đoạn hiện nay cùng với quá trình phát triển và hội nhập, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải triển khai thực hiện đồng bộ và kịp thời, nhằm tiếp tục nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương với tốc độ phát triển kinh tế cao, nhà đầu tư đến càng nhiều đòi hỏi môi trường kinh doanh, kiến thức pháp luật của cán bộ công chức phải đáp ứng nhiệm vụ; người dân nói chung và công nhân lao động nói riêng phải nâng cao ý thức, kiến thức và văn hóa pháp lý để góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Từ thực tế đó, đòi hỏi công tác phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh phải có bước đột phá, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới cho nên giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại Bình Dương tiếp tục được triển khai thực hiện mạnh mẽ trong thời gian tới./.

 



[1] Kế hoạch phối hợp số 358/KHPH-STP-STTTT-ĐPHTH ngày 04/3/2019 của Sở Tư pháp, Sở Thông tin và truyền thông, Đài Phát thanh truyền hình Bình Dương về tuyên truyền pháp luật trên Đài truyền thanh cấp huyện và hệ thống truyền thanh cơ sở; Chương trình phối hợp số 35/CTPH-SVHTTDL-CĐVC ngày 18/10/2011 của Sở Văn hóa thể thao và Du lịch, Công đoàn viên chức tỉnh về đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình và phòng chống bạo lực gia đình cho cán bộ công chức viên chức giai đoạn 2011-2015; Chương trình phối hợp số 32/CT-SVHTTDL-HLHPN ngày 30/5/2013 của Sở Văn hóa Thể thao du lịch, Hội Liên hiệp phụ nữ về đẩy mạnh công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững giai đoạn 2013-2015,…      

[2] Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 05/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc công nhận báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh.​

Lượt người xem:  Views:   2659
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin mới nhất

Tác giả

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Ảnh
Video
Audio