Ngày 24/10/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch số 4796/KH-UBND tiếp tục thực hiện Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2012-2016" đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Theo đó, Phấn đấu 90% nhân dân tại các địa bàn trọng điểm của tỉnh được phổ biến, hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật gắn trực tiếp đến cuộc sống của người dân, trong đó tập trung vào những nội dung pháp luật liên quan đến tình hình vi phạm pháp luật, phù hợp đặc thù ở từng địa bàn; 100% cán bộ, công chức thuộc hệ thống chính quyền, đoàn thể cơ sở và những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở tại địa bàn trọng điểm của tỉnh được trang bị kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực pháp luật liên quan; tiếp tục kiềm chế và làm giảm từ 10% đến 15% số người vi phạm pháp luật và số vụ việc vi phạm pháp luật tại địa bàn trọng điểm của tỉnh; 100% các tài liệu biên soạn phục vụ triển khai Đề án được đăng tải công khai trên mạng internet để cán bộ, nhân dân tại địa bàn trọng điểm khai thác, tham khảo và sử dụng; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án; xây dựng mô hình chỉ đạo điểm về tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, chú trọng phát hiện gương người tốt, việc tốt, trọng tâm phản ánh thực tiễn thi hành các lĩnh vực pháp luật thuộc phạm vi Đề án.
Đối tượng phổ biến là Nhân dân tại địa phương địa bàn trọng điểm; cán bộ, công chức thuộc hệ thống chính quyền, đoàn thể cơ sở và người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng trên các địa bàn trọng điểm; các đối tượng đã có tiền án, tiền sự hoặc có nguy cơ phạm tội cao, trọng tâm là các đối tượng nằm trong diện quản lý của lực lượng Công an; đối tượng có trình độ nhận thức, văn hóa hạn chế trên địa bàn trọng điểm.
Địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật là đơn vị hành chính cấp xã, phương, thị trấn. Đối với cấp tỉnh, tiếp tục chọn địa bàn trọng điểm: phường Dĩ An của thị xã Dĩ An; phường Thới Hòa của thị xã Bến Cát (theo Kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2012-2016) và các địa bàn trọng điểm là phường An Phú – Thị xã Thuận An; phường Phú Cường – Thành phố Thủ Dầu Một. Đối với cấp huyện thì mỗi huyện, thị xã, thành phố chọn ít nhất 02 đơn vị cấp xã là địa bàn trọng điểm có nhiều vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực như: quản lý, sử dụng đất đai; môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, hình sự, ma túy và các tệ nạn xã hội khác; trật tự xã hội, an toàn giao thông,...
Nội dung Kế hoạch tập trung xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo điểm thực hiện Đề án; khảo sát, đánh giá thực trạng nhu cầu, các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả tại các địa bàn trọng điểm; lựa chọn, mở rộng phạm vi địa bàn trọng điểm thực hiện Đề án; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho cán bộ và nhân dân tại địa bàn trọng điểm thuộc phạm vi Đề án; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ quản lý, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, người có uy tín trong cộng đồng dân cư; tiếp tục phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa bàn trọng điểm ; tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch.
Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai các hoạt động thực hiện Đề án theo nội dung Kế hoạch đề ra đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tư pháp theo quy định./.
Tải về KH 4796 UBND TINH BD.PDF