Thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) đã có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh hỗ trợ pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho trẻ em, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp cho nhóm đối tượng này.
Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tiếp và hướng dẫn người nhà của một trường hợp trẻ em cần bảo vệ quyền lợi
Tăng cường trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại
Nói về những vụ xâm hại trẻ em, cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh vẫn nhớ vụ án của cháu N.N.P.T. ở xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên bị cậu ruột là T.V.P., sống chung một nhà lợi dụng sơ hở của gia đình đã 2 lần giao cấu với cháu T. ngoài ý muốn từ năm 2017 đến 2019. Đến ngày 24- 11-2019 thì bị gia đình cháu T. phát hiện. Khi tiếp nhận đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý của mẹ cháu T., trung tâm đã cử trợ giúp viên pháp lý tham gia ngay từ giai đoạn điều tra, tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu T.
Ngay khi tiếp nhận vụ án, các trợ giúp viên pháp lý đã bám sát thông tin, phối hợp cùng các điều tra viên đến hiện trường hay những buổi thực nghiệm tại nơi xảy ra vụ án; làm việc cùng các đồng chí công an ở địa phương nắm thông tin liên quan đối tượng tại địa phương. Sau những ngày tháng đi thực tế, phối hợp cùng cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cùng thông tin, tài liệu thu thập được trong quá trình tiến hành xác minh củng cố chứng cứ, với nghiên cứu hồ sơ… cán bộ trung tâm đã hình thành bản luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích cho người bị hại. Với chứng cứ, tài liệu đầy thuyết phục của trợ giúp viên pháp lý đã khiến T.V.P. phải cúi đầu nhận tội và bị tuyên án 9 năm tù giam cho hành vi phạm tội của mình.
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Ông Đỗ Thanh Vũ, trợ giúp viên pháp lý Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, cho biết: “Trong năm 2020 có nhiều vụ việc liên quan đến việc bảo vệ trẻ em mà chủ yếu là những việc trẻ em bị xâm hại tình dục cần đến sự trợ giúp của chúng tôi. Tất cả những vụ việc trên đều do gia đình, người thân của các cháu tự tìm đến trung tâm nhờ trợ giúp về mặt pháp lý. Khi tiếp nhận những vụ việc này, chúng tôi tiến hành gặp gỡ, thăm hỏi và làm các thủ tục ngay từ các bước tố tụng ban đầu đến xét xử để bảo vệ quyền và lợi ích cho các em”.
Chú trọng công tác tuyên truyền
Sau khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được ban hành thay thế cho Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 thì đối tượng trợ giúp pháp lý được mở rộng từ 6 lên 14 diện đối tượng. Trong đó, trẻ em và nạn nhân của bạo hành gia đình là các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định tại điều 7 của đạo luật mới. Năm 2020, trung tâm cử tham gia bảo vệ cho trẻ em bị xâm hại trong năm 2020 là 48 vụ việc.
Với quan điểm trợ giúp pháp lý cho trẻ em không chỉ giúp trẻ em trong giải quyết các vụ việc cụ thể mà còn giúp trẻ em nâng cao hiểu biết pháp luật, qua đó góp phần trang bị cho trẻ em những kiến thức cần thiết để phòng ngừa trước những sự đe dọa của các tệ nạn xã hội, các hành vi xâm hại đến tính mạng, danh dự, sức khỏe của mình, hàng năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cũng như Sở Tư pháp đều chú trọng đến truyền thông phổ biến, giáo dục pháp luật cho trẻ em. Không chỉ có vậy, trung tâm còn phối hợp với phòng tư pháp, Đoàn Thanh niên các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức các chương trình trợ giúp pháp lý lưu động cho trẻ em, người chưa thành niên, nhất là trẻ em ở các xã vùng xa trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, cho biết: “Công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại là một công việc tương đối khó khăn, đòi hỏi các trợ giúp viên pháp lý phải linh hoạt và có kinh nghiệm. Chúng tôi sẽ luôn nỗ lực và cố gắng hết mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em bằng nhiều hoạt động ý nghĩa và hiệu quả nhất”.
(Theo Hồng Phương - Báo Bình Dương)