BÌNH DƯƠNG: TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT LUÔN GẮN LIỀN VỚI TINH THẦN TƯƠNG THÂN TƯƠNG ÁI
Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012 – 2020, góp phần cụ thể hóa Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, bảo đảm cam kết người khuyết tật được tiếp cận hệ thống tư pháp một cách hữu hiệu và bình đẳng với những người khác, ngày 22/10/2020 Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Dương (Trung tâm TGPL) đã phối hợp với Phòng Tư pháp và Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội huyện Dầu Tiếng tổ chức Hội nghị Trợ giúp pháp lý lưu động cho người khuyết tật tại địa bàn xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
(Một số hình ảnh về Hội nghị TGPL)
(Hình ảnh bà Nguyễn Thị Thanh Nhẫn – trưởng phòng Tư pháp huyện Dầu Tiếng phát biểu tại Hội nghị)
Hội nghị diễn ra với sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương là ông Nguyễn Thanh Liêm – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, bà Nguyễn Thị Thanh Nhẫn – trưởng phòng Tư pháp huyện Dầu Tiếng, ông Trần Thanh – Cán bộ tư pháp xã Minh Hòa cùng hơn 110 người khuyết tật và thân nhân của họ.
(Một số hình ảnh TGVPL Đỗ Thanh Vũ thực hiện tuyên truyền pháp luật và tư vấn pháp luật tại Hội nghị)
Tai hội nghị, Báo cáo viên của Trung tâm TGPL đã triển khai các quy định của Luật Người khuyết tật, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, chính sách trợ giúp pháp lý dành cho người khuyết tật và các quy định pháp luật về chế độ chính sách cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, các vướng mắc pháp lý của người người khuyết thật và thân nhân của họ khi trình bày tại hội nghị đều được Trợ giúp viên pháp lý tư vấn miễn phí và hướng dẫn cụ thể trình tự thủ tục thực hiện. Qua đó, không chỉ nâng cao nhận thực pháp luật cho người khuyết tật, mà còn góp phần hạn chế các rủi ro pháp lý mà họ có thể gặp phải trong tương lai.
Cũng trong khuôn khổ diễn ra Hội nghị, Trợ giúp viên pháp lý Đỗ Thanh Vũ đã phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Dầu Tiếng vận động các nhà hảo tâm quyên góp 110 phần quà và tiền hỗ trợ cho người khuyết tật tham dự hội nghị, giá trị mỗi phần là hơn 250.000 đồng. Tuy giá trị các phần quà không quá lớn, nhưng đó là sự quan tâm, chia sẻ sâu sắc và là lời động viên đến người khuyết tật.
(Một số hình ảnh trao quà cho người khuyết tật tại hội nghị)
Có thể thấy, chính sách trợ giúp cho người khuyết tật là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho người yếu thế trong xã hội, nhằm giúp họ xóa bỏ tự ti, mặc cảm và có các quyền, nghĩa vụ bình đẳng. Việc thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật không chỉ giúp họ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà còn giúp họ phát huy khả năng của mình để vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội.
Trong thời gian tới, Trung tâm TGPL sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đến hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, tăng cường truyền thông để người dân và cơ quan, tổ chức hiểu được quyền của người khuyết tật trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý. Để từ đó, công tác trợ giúp pháp lý tại Bình dương không chỉ là xây dựng điểm tựa pháp lý đáng tin cậy cho người dân, mà còn là nơi gắn kết, chia sẻ và phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền vững mạnh về kinh tế, ổn định về chính trị - xã hội.
Hoàng Yến - TGPL