Thông tư 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017: Những điểm mới nổi bật
Sự ra đời của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế công tác trợ giúp pháp lý (TGPL). Đứng trước yêu cầu triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và yêu cầu của công tác TGPL hiện nay, Bộ Tư Pháp đã kịp thời ban hành Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 (sau đây gọi tắt là Thông tư số 08/2017/TT-BTP). Thông tư này thay thế Thông tư số 07/2012/TT-BTP ngày 30/7/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn về cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Quyết định số 03/2007/QĐ-BTP ngày 01/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành một số biểu mẫu dùng trong hoạt động trợ giúp pháp lý.
Thông tư số 08/2017/TT-BTP gồm 6 chương, 36 điều quy định chi tiết các vấn đề: Về hợp đồng thực hiện TGPL; Về việc đăng ký tham gia thực hiện TGPL; Về việc tập sự, kiểm tra kết quả tập sự TGPL và hướng dẫn giấy tờ dùng trong hoạt động nghiệp vụ TGPL. Bài viết xin giới thiệu một số nội dung mới nổi bật của Thông tư 08/2017/TT-BTP như sau:
1. Giấy tờ chứng minh người thuộc diện trợ giúp pháp lý.
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã mở rộng diện người được TGPL từ 7 nhóm lên đến 14 nhóm đối tượng. Tương ứng với các đối tượng thuộc diện người được TGPL là các loại giấy tờ chứng minh được quy định tại Điều 33 Thông tư số 08/2017/TT-BTP. Nhìn chung, những quy định liên quan đến giấy tờ chứng minh của các nhóm đối tượng người thuộc hộ nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được xây dựng trên nguyên tắc: phù hợp với các chính sách đặc thù của Việt Nam và kế thừa những quy định vẫn còn phù hợp của Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23/09/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về nghiệp vụ TGPL và quản lý nhà nước về TGPL. Đối với các nhóm đối tượng mới được bổ sung, Thông tư số 08/2017/TT-BTP quy định các loại giấy tờ chứng minh thuộc diện TGPL theo hướng là các giấy chứng nhận hoặc các văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp những người thuộc diện được TGPL bị thất lạc các giấy tờ nêu trên thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy tờ đó. Quy định này giúp các tổ chức thực hiện TGPL, các cơ quan tiến hành tố tụng dễ dàng xác định được đúng đối tượng thuộc diện TGPL, đảm bảo hoạt động TGPl được thực hiện đúng quy định, đúng đối tượng và bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người được TGPL.
2. Nâng cao vai trò của Sở Tư pháp trong việc thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý ở địa phương.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn và yêu cầu TGPL ở địa phương, Sở Tư Pháp thông qua quy trình chặt chẽ tiến hành lựa chọn ký hợp đồng thực hiện TGPL với các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật. Đây là quy định mới nhằm lựa chọn ra các tổ chức có khả năng cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý tốt nhất và tránh tình trạng tham gia TGPL một cách hình thức, không hiệu quả của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật. Xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn quản lý nhà nước về TGPL tại địa phương, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân được giao thực hiện. Qua đó, vai trò của Sở Tư pháp trong quản lý nhà nước về TGPL ở địa phương được nâng lên và góp phần quan trọng trong việc đảm bảo người được TGPL tại địa phương thực thi quyền được TGPL của họ.
3. Trình tự, thủ tục đăng ký tham gia thực hiện TGPL
Các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đăng ký tham gia thực hiện TGPL được Thông tư số 08/2017/TT-BTP được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp và không có vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, đồng thời có chỉnh sửa bổ sung một số vấn đề cho phù hợp với quy định của Luật TGPL năm 2017 để tiếp tục thu hút các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư tham gia TGPL bằng chính nguồn lực của mình, cụ thể:
- Việc đăng ký tham gia TGPL: quy định Sở Tư pháp có trách nhiệm công bố danh sách các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương, đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
- Việc thay đổi nội dung Giấy đăng ký tham gia TGPL: quy định Sở Tư pháp ghi nội dung thay đổi vào Giấy đăng ký tham gia TGPL đã được cấp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức đăng ký tham gia thực hiện TGPL.
- Việc cấp lại Giấy đăng ký tham gia TGPL: Trong trường hợp Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý bị mất, bị hư hỏng không sử dụng được, tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính, fax, hình thức điện tử đơn đề nghị cấp lại Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý đến Sở Tư pháp để được cấp lại Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
- Việc chấm dứt tham gia TGPL: quy định rõ trách nhiệm công bố việc chấm dứt đăng ký tham gia TGPL trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
4. Về tập sự
Thông tư số 08/2017/TT-BTP quy định viên chức đang làm việc tại Trung tâm có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư theo quy định của pháp luật về luật sư thì được đề nghị tập sự trợ giúp pháp lý tại Trung tâm. Ngoài ra, Thông tư số 08/2017/TT-BTP còn quy định rõ trách nhiệm của Trung tâm, người tập sự, người hướng dẫn tập sự, thời gian tập sự, thay đổi nơi tập sự, tạm ngừng tập sự.
Hoàng Yến – Trung tâm TGPL nhà nước