Khảo sát nhu cầu và hiểu biết của người khuyết tật về Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Thực hiện Kế hoạch số 1395/KH-UBND ngày 14/04/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật giai đoạn 2017-2020. Nhằm nắm bắt được nhu cầu hỗ trợ pháp lý và hiểu biết về hoạt động trợ giúp pháp lý của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh để từ đó xây dựng, triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, phù hợp với đặc thù của đối tượng người khuyết tật, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong năm 2017 Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ em mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Dương và Phòng Tư pháp huyện Dầu Tiếng tổ chức khảo sát tại một số xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Kinh nghiệm qua các đợt khảo sát trong các năm trước đây cho thấy trình độ dân trí của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đa số còn thấp, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, do đặc thù của mỗi loại khuyết tật nên khả năng tiếp cận, hiểu biết các thông tin từ xã hội của những người khuyết tật cũng khác nhau. Do đó, khi tổ chức các đợt khảo sát trong năm 2017, để đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm kinh phí tổ chức, Trung tâm đã kết hợp cùng đi với các đợt tặng quà cho người khuyết tật của Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ em mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh (viết tắt là "Hội Bảo trợ tỉnh") đến tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn để thực hiện khảo sát đồng thời tổ chức truyền thông về chính sách TGPL cho người khuyết tật, tư vấn pháp luật tại chỗ cho họ; phương pháp khảo sát là phỏng vấn trực tiếp từng người được khảo sát trên cơ sở Phiếu khảo sát do Trung tâm biên soạn với các nội dung hỏi đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, không mất nhiều thời gian hỏi và trả lời.
Kết quả, Trung tâm đã tổ chức được 09 đợt khảo sát tại Tỉnh Hội người mù, Trung tâm dạy nghề người khuyết tật tỉnh, xã Hiếu Liêm – Bắc Tân Uyên, 03 xã Minh Thạnh, Thanh Tuyền và thị trấn Dầu Tiếng của huyện Dầu Tiếng, xã An Long – Phú Giáo, xã Trừ Văn Thố - Bàu Bàng, phường An Thạnh – Thuận An. Tổng số người tham gia khảo sát là 530 người, trong đó: người khiếm thị 21 người, khiếm thính 14 người, người khuyết tật vận động 143 người, khuyết tật khác 107 người và thân nhân của người khuyết tật là 85 người.
Về nhu cầu TGPL: số lượng người khuyết tật có nhu cầu TGPL không nhiều (chỉ chiếm tỷ lệ 21,3%). Lĩnh vực pháp luật mà người khuyết tật quan tâm, tìm hiểu và thường có vướng mắc nhiều nhất là chế độ chính sách ưu đãi cho người khuyết tật (75,2%) và lao động, việc làm (64,6%).
Về hiểu biết của người khuyết tật về hoạt động TGPL: đa số người khuyết tật và thân nhân của người khuyết tật chưa biết đến quyền được TGPL miễn phí (chiếm tỷ lệ 39,2%) và Trung tâm TGPL nhà nước (chiếm tỷ lệ 20%), trong đó nguyên nhân chủ yếu là do chưa được nghe tuyên truyền, phổ biến về TGPL chiếm tỷ lệ cao nhất là 59,6%, do điều kiện kinh tế khó khăn, người khuyết tật cũng không quan tâm hoặc không có điều kiện tìm hiểu các chính sách pháp luật, hoạt động TGPL chiếm tỷ lệ 26,9%.
Quá trình tổ chức khảo sát cũng còn gặp nhiều khó khăn do trình độ nhận thức của nhiều người khuyết tật chưa cao, rất nhiều trường hợp mù chữ nên không tự điền phiếu được; quá trình phỏng vấn, điền phiếu khảo sát tốn khá nhiều thời gian, công sức trong khi lực lượng người thực hiện khảo sát cho mỗi đợt còn mỏng, lại kết hợp với nhiều hoạt động khác, thời gian bị hạn chế.
Từ kết quả khảo sát, nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật biết đến dịch vụ TGPL miễn phí, nâng cao nhận thức pháp luật nói chung và pháp luật về TGPL nói riêng của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, đồng thời để đảm bảo Kế hoạch số 1395/KH-UBND ngày 14/04/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật giai đoạn 2017-2020 được triển khai hiệu quả, trong thời gian tới, Trung tâm TGPL sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, các tổ chức Hội người khuyết tật đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng trong đó tập trung vào các vụ việc trợ giúp pháp lý điển hình cho người khuyết tật, Luật TGPL năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng các tài liệu tuyên truyền luật TGPL phù hợp với từng dạng tật để nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của đối tượng này; cấp phát các đĩa tuyên truyền pháp luật cho UBND cấp xã, các tổ chức Hội người khuyết tật để phát trên đài truyền thanh với nội dung truyền thông phong phú; lắp đặt bảng thông tin, hộp tin, tờ thông tin về TGPL cho người khuyết tật tại các Trung tâm Bảo trợ người khuyết tật ở địa phương…. Mặt khác, Trung tâm sẽ tăng cường phối hợp với các Phòng Tư pháp cấp huyện, Hội Bảo trợ tỉnh tổ chức các đợt tư vấn pháp luật lưu động tại xã, phường, thị trấn nơi có đông người khuyết tật cư trú để hỗ trợ pháp lý tại chỗ cho các đối tượng này đồng thời kết hợp tuyên truyền các hoạt động TGPL cũng như phát hiện các trường hợp có nhu cầu cần đại diện ngoài tố tụng hoặc tham gia tố tụng để làm thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý kịp thời; đẩy mạnh các hoạt động TGPL cho người khuyết tật theo từng vụ việc cụ thể thông qua các hình thức đại diện ngoài tố tụng, tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật tiền tố tụng./.
Hồng Nhung, Hiền Hiếu - Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bình Dương.