TÁC ĐỘNG CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG MỚI ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG.
Ngày 24/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính mới. Nội dung của các Bộ luật, luật này có rất nhiều quy định mới nổi bật, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, trong đó đáng chú ý là những quy định về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí đối với những đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý, khẳng định vị trí pháp lý và nâng cao vai trò của Trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động tố tụng.
Nhằm đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của các nhóm đối tượng người nghèo, khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em, người già cô đơn không nơi nương tựa và một số nhóm đối tượng yếu thế khác thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo pháp luật trợ giúp pháp lý được thực thi có hiệu quả trong hoạt động tố tụng, Điều 71 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã quy định cụ thể "trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được trợ giúp pháp lý; nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước" và việc thông báo, giải thích quyền được trợ giúp pháp lý phải ghi vào biên bản. Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (Điều 9 và Điều 48), Luật tố tụng hành chính (Điều 19 và Điều 33) cũng ghi nhận nguyên tắc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý, nghiêm cấm cản trợ quyền được trợ giúp pháp lý của đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý, cụ thể, hai văn bản trên đều qui định Thẩm phán có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết về quyền được Trợ giúp pháp lý trong trường hợp thuộc đối tượng được trợ giúp.
Bên cạnh đó, tại Khoản 2, Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 qui định cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là: bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người chưa thành niên.
Những qui định mới nêu trên là tiền đề cơ bản tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước, khắc phục được thực trạng bỏ sót nhu cầu được trợ giúp pháp lý miễn phí của các đối tượng người nghèo, chính sách, người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa, nhất là với những người sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí pháp lý còn hạn chế, chưa tiếp cận với thông tin, hoạt động trợ giúp pháp lý. Đồng thời, các quy định này sẽ là cơ sở pháp lý để xây dựng cơ chế phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng một cách chặt chẽ và có hiệu quả hơn giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các cơ quan tố tụng.
Mặt khác, Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã ghi nhận địa vị của Trợ giúp viên pháp lý với tư cách là người bào chữa của người bị bắt, bị tạm giam, bị can, bị cáo. So với quy định trước đây tại Điều 56 BLTT 2003, người bào chữa chỉ có thể là Luật sư; người đại diện của người bị buộc tội; Bào chữa viên nhân dân. Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính mới tiếp tục ghi nhận địa vị của Trợ giúp viên pháp lý có quyền tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Thêm đó, theo quy định mới của các Bộ luật, luật này, để được thực hiện quyền bào chữa của người bào chữa, quyền của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý chỉ cần thực hiện thủ tục đăng kí người bào chữa hoặc đăng kí người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và cơ quan tiến hành tố tụng không phải cấp Giấy chứng nhận bào chữa, Giấy chứng nhận bảo vệ quyền lợi như quy định trước đây. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho Trợ giúp viên pháp lý thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực tố tụng, đảm bảo cho bị can, bị cáo, đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý được trợ giúp pháp lý kịp thời, hiệu quả.
Từ ngày Bộ luật tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực đến nay, trong 01 năm qua, hoạt động tham gia tố tụng của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bình Dương đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ vào quá trình thực thi các qui định về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí trong tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh. Điều này được minh chứng qua số lượng các vụ việc TGPL hình thức tham gia tố tụng của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bình Dương trong 06 tháng đầu năm 2017 tăng gấp 02 lần so với cùng kỳ năm trước (06 tháng đầu năm 2016 là 21 vụ, 06 tháng đầu năm 2017 là 45 vụ), trong đó số lượng vụ việc TGPL trong lĩnh vực pháp luật dân sự chiếm tỷ lệ hơn 50% và khoảng 70% vụ việc là do Tòa án hướng dẫn, giới thiệu đương sự đến Trung tâm TGPL.
Trong thời gian tới, trên cơ sở thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, hoạt động tham gia tố tụng của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bình Dương sẽ có thêm nhiều điều kiện, cơ hội để phát triển, số lượng vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng sẽ tăng mạnh, yêu cầu nhiệm vụ đối với các Trợ giúp viên pháp lý sẽ ngày càng cao hơn để đáp ứng được nhu cầu TGPL của người dân.
Tóm lại, việc quy định cụ thể và đầy đủ trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng và việc ghi nhận vai trò của Trợ giúp viên pháp lý của pháp luật tố tụng mới sẽ góp phần bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của người được trợ giúp pháp lý, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự và quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật theo Hiến pháp năm 2013, đồng thời là điều kiện thuận lợi cho các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đẩy mạnh hoạt động tham gia tố tụng, số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng sẽ tăng cao, đưa hoạt động trợ giúp pháp lý ngày càng đi vào chiều sâu, phù hợp với định hướng đổi mới công tác trợ giúp pháp lý lấy nhiệm vụ thực hiện trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực tố tụng là trọng tâm theo Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2020./.
Hồng Nhung – Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bình Dương