Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nhập cư trên địa bàn tỉnh dễ dàng tiếp cận các dịch vụ pháp lý miễn phí của Nhà nước; góp phần nâng cao ý thức pháp luật của thanh niên công nhân để họ tự mình biết cách ứng xử phù hợp với pháp luật, thực hiện pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bình Dương (Trung tâm) đã xây dựng kế hoạch tổ chức thí điểm mô hình "Điểm tư vấn pháp luật lưu động miễn phí tại khu nhà trọ" tại các phường tập trung đông lao động nhập cư và địa điểm được lựa chọn thí điểm đầu tiên là phường Tân Phước Khánh – Tân Uyên – Bình Dương.
Để đảm bảo đợt thí điểm đầu tiên này thành công, Trung tâm đã cử viên chức đến gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo UBND phường Tân Phước Khánh để phối hợp khảo sát sơ bộ một số khu nhà trọ trên địa bàn phường Tân Phước Khánh cũng như gặp gỡ trực tiếp một số chủ nhà trọ. Trên cơ sở kết quả trao đổi, làm việc với UBND phường Tân Phước Khánh và qua khảo sát thực tế, Trung tâm đã chọn lập "Điểm tư vấn pháp luật lưu động" tại Khu nhà trọ của ông Nguyễn Văn Hoàng (Bí thư chi bộ khu phố Khánh Long) ở Khu phố Khánh Long - phường Tân Phước Khánh – Tân Uyên. Lý do Trung tâm chọn địa điểm này là vì khu nhà trọ này giáp mặt tiền đường liên huyện, thuận tiện cho người dân đi lại, số lượng phòng trọ nhiều (80 căn phòng trọ) và có địa điểm đặt bàn tư vấn thuận tiện. Chủ nhà trọ ông Nguyễn Văn Hoàng cũng đã rất tích cực phối hợp với Trung tâm trong việc tìm địa điểm thích hợp đặt bàn tư vấn cũng như thương lượng với các chủ kiot cho mượn địa điểm và cuối cùng Trung tâm cũng đã thỏa thuận được với chị chủ quán cà phê Bolero cho mượn địa điểm trong thời gian một tuần. Chị chủ quán cũng rất ủng hộ mô hình này, sẵn sàng cho Trung tâm mượn luôn bàn ghế, đèn điện để lập điểm tư vấn.
Với những thuận lợi ban đầu nêu trên, Trung tâm đã nhanh chóng triển khai việc khảo sát nhu cầu TGPL của người lao động tại Khu nhà trọ này và các công tác chuẩn bị cần thiết cho việc lập điểm tư vấn lưu động tại đây. Kết quả, tối ngày 18/02/2017, Trung tâm đã khảo sát (phương pháp phỏng vấn trực tiếp) 80 người (trong đó có một số người thuộc diện được TGPL như người nghèo, người dân tộc thiểu số Khmer có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh v.v.) sống tại khu nhà trọ. Đồng thời với việc khảo sát nhu cầu TGPL của người dân, Trung tâm đã gửi đơn yêu cầu TGPL, các tờ gấp pháp luật, và 150 tờ thông báo đến người dân về đợt tư vấn pháp luật lưu động tại 80 phòng trọ của ông Nguyễn Văn Hoàng, treo băng ron thông báo về điểm TGPL lưu động ngay tại khu nhà trọ. Mặt khác, nhằm thông báo rộng rãi đến người dân địa phương, Trung tâm đã phối hợp với UBND phường Tân Phước Khánh phát thông báo về đợt tư vấn lưu động này trên Đài Truyền thanh của phường, thông qua Đoàn phường Tân Phước Khánh phát tờ thông báo đến các khu nhà trọ khác trên địa bàn phường.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, nắm tình hình thực tế giờ giấc làm việc của người lao động tại khu nhà trọ, từ ngày 20/02 đến ngày 26/02, Trung tâm đã tổ chức phân công các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên trực tại điểm tư vấn lưu động từ 14 giờ đến 21 giờ hàng ngày; riêng ngày chủ nhật 26/2 thì thời gian trực là từ 08h đến 17h. Mặc dù thời gian tổ chức cũng khá gấp rút, nhưng với sự chuẩn bị chu đáo và sự phối hợp nhiệt tình của chính quyền địa phương, chủ nhà trọ ông Nguyễn Văn Hoàng, đợt tư vấn pháp luật lưu động miễn phí đầu tiên tại khu nhà trọ đã đạt được kết quả khả quan: số lượng vụ việc tư vấn pháp luật tại chỗ là 28 vụ việc đa số thuộc lĩnh vực dân sự, lao động, bảo hiểm, hôn nhân gia đình; nhiều công nhân nhà trọ đã biết đến hoạt động TGPL của Trung tâm, góp phần hiệu quả vào công tác truyền thông về TGPL đến người dân, đặc biệt là đến đối tượng công nhân lao động là người nghèo, người dân tộc thiểu số thường trú ở các vùng đặc biệt khó khăn.
Qua đợt thí điểm đầu tiên này, Trung tâm nhận thấy có một số khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện "điểm tư vấn pháp luật lưu động miễn phí" tại khu nhà trọ. Thứ nhất, khi khảo sát, phỏng vấn người dân trong khu nhà trọ, các chuyên viên của Trung tâm đã vấp phải rào cản tâm lý e ngại người lạ, sợ bị lừa lọc của người dân trong khu nhà trọ, các chuyên viên đã phải dành nhiều thời gian, công sức để tạo niềm tin, thuyết phục người được khảo sát đồng ý trả lời các thông tin trong phiếu khảo sát. Thứ hai, thời gian tổ chức điểm tư vấn lưu động khá gấp, sát với thời gian khảo sát nhu cầu TGPL nên việc tổng hợp kết quả khảo sát chưa được kịp thời. Thứ ba, thời gian trực tư vấn kéo dài liên tục trong một tuần gây nhiều khó khăn trong việc sắp xếp nhân lực trong tình hình nhân sự đang rất khó khăn, ít nhiều đã tạp thêm áp lực công việc cho các Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm.
Có thể nói mô hình "điểm tư vấn pháp luật lưu động miễn phí tại khu nhà trọ" là một mô hình hay, là cách thức đưa pháp luật đến thanh niên công nhân tại các khu nhà trọ một cách hiệu quả. Đây là việc làm thiết thực đem lại hiệu quả cao khi người dân lao động có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí; góp phần nâng cao sự hiểu biết pháp luật cho thanh niên công nhân, đặc biệt là người lao động xa quê.
Để các đợt thí điểm tiếp theo thành công hơn, trong thời gian tới Trung tâm sẽ rút kinh nghiệm, cần phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương trong quá trình tổ chức, thực hiện; cần tổ chức khảo sát nhu cầu TGPL của người dân nhiều địa điểm khu nhà trọ ở một địa phương để từ đó lựa chọn địa điểm nào có nhu cầu TGPL nhiều thì sẽ lập điểm tư vấn lưu động tại đó; thời gian trực tư vấn có thể không nhất thiết phải kéo dài một tuần mà chỉ cần tập trung vào các ngày cuối tuần và buổi tối.
Hiền Hiếu – Hồng Nhung_Trung tâm TGPL Bình Dương
Photo: Thanh Vũ