Tỉnh Bình Dương triển khai Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và tập huấn nghiệp vụ về xử lý vi phạm hành chính
Ngày15-3,
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị triển khai Luật Tiếp
cận thông tin, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước và tập huấn
nghiệp vụ về xử lý vi phạm hành chính cho hơn 250 cán bộ lãnh đạo các
sở, ban, ngành, đoàn thể; thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục
pháp luật tỉnh, Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; lãnh đạo Ủy ban nhân
dân cấp huyện, cấp xã; lãnh đạo Phòng Tư pháp, Phòng Văn hóa thông tin,
Công chức Tư pháp - Hộ tịch, cán bộ trực tiếp và tham mưu thực hiện xử
lý vi phạm hành chính. Tham dự và chủ trì hội nghị có ông Đặng Minh
Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng PBGDPL tỉnh.

Ông Đặng Minh Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát
biểu tại hội nghị, ông Đặng Minh Hưng nhấn mạnh, Luật Tiếp cận thông
tin và Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước sẽ có hiệu lực từ ngày
01/7/2018. Đây là hai văn bản luật rất quan trọng cho nên đề nghị các
ngành, các cấp; Hội đồng phổ biến, báo cáo viên pháp luật trong phạm vi,
chức năng, nhiệm vụ cần quan tâm triển khai tuyên truyền phổ biến luật
bằng hình thức phù hợp; các ngành và các cấp tổ chức thực hiện nghiêm,
tạo chuyển biến trong việc chấp hành và thực thi pháp luật của cán bộ,
công chức, viên chức và nhân dân để nội dung các văn bản pháp luật này
đi vào cuộc sống, phát huy được giá trị trong thực tiễn.

Theo đó, Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của
con người, của công dân, được ghi nhận trong tuyên ngôn thế giới về nhân
quyền của Liên Hiệp Quốc và trong Hiến pháp Việt Nam. Vì vậy, Luật Tiếp
cận thông tin là một trong các văn bản luật được ưu tiên ban hành nhằm
triển khai Hiến pháp năm 2013, giúp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận
thông tin của công dân, nhất là các thông tin liên quan trực tiếp
đến việc thực hiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công
dân. Luật tiếp cận thông tin quy định trách nhiệm cung cấp thông tin của
cơ quan Nhà nước nhằm góp phần xây dựng một xã hội cởi mở hơn về thông
tin và một Chính phủ công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình cao
hơn trong hoạt động quản lý, điều hành.
-
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 ban hành thay thế
Luật năm 2009; trong đó có nhiều điểm mới so với Luật trước đây như: bổ
sung quy định về nguyên tắc bồi thường của nhà nước; mở rộng phạm vi
trách nhiệm bồi thường của nhà nước, quy định cụ thể hơn văn bản làm căn
cứ yêu cầu bồi thường; bổ sung nhiều loại thiệt hại được bồi thường,
tăng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần, lượng hóa một số loại thiệt
hại được bồi thường; sửa đổi, bổ sung toàn diện quy định về cơ quan giải
quyết bồi thường, quy định về thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường,
kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả,....nhằm thiết lập cơ chế pháp lý
minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ
chức bị thiệt hại và quyền, lợi ích của Nhà nước. Luật quy định rõ việc
xác định cơ quan giải quyết bồi thường, trách nhiệm của cơ quan quản lý
nhà nước về công tác bồi thường, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành
công vụ khi gây ra thiệt hại nhằm bảo đảm tính răn đe, từng bước nâng
cao trách nhiệm của người thi hành công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế.
-
Nghị định 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung
một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều
và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính được
ban hành nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, tạo cơ
sở pháp lý chung, áp dụng thống nhất trong công tác xử lý vi phạm hành
chính trên toàn quốc./.
THU TRANG