Tải văn bản:
1. Thông báo kết luận hội nghị: Tải về TBKL_HOI NGHI SO KET 6 THANG 2017.docx
2. Tổng hợp trả lời kiến nghị của Bộ Tư pháp: Tải về Tong hop TLKN tại HNSK.docx
3. Tổng hợp trả lời kiến nghị khu vực phía nam: Tải về Tong hop TLKN sau HNSK - HNGBCTPNam.docx
THÔNG
BÁO
Kết luận của Giám đốc Sở Tư pháp tại Hội
nghị sơ kết công tác tư pháp
6 tháng đầu năm, triển khai công tác 6
tháng cuối năm 2017
Thực hiện chương trình trọng tâm
công tác Tư pháp năm 2017, ngày 10/7/2017, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết
công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2017.
Thành phần tham dự Hội nghị gồm:
-
Bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp - chủ trì Hội nghị;
-
Các Phó Giám đốc Sở Tư pháp; đại diện lãnh đạo 12/12 các phòng chuyên môn, đơn
vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp; đại diện Phòng Giám định kỹ thuật hình sự Công
an tỉnh; đại diện Trung tâm Pháp y tỉnh; đại diện Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư; đại
diện Ban Chấp hành Hội Công chứng viên; đại diện các Văn phòng Thừa phát lại Dĩ
An, Thuận An, Tân Uyên, Thủ Dầu Một; Lãnh đạo Phòng Tư pháp 9/9 huyện, thị xã,
thành phố (05 Trưởng phòng, 04 Phó Trưởng phòng).
Sau khi nghe báo cáo tóm tắt kết
quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và
phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017; Hội nghị dành nhiều thời
gian trao đổi, thảo luận những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình
thực hiện công tác 6 tháng đầu năm, các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ
6 tháng cuối năm 2017. Kết luận Hội nghị đồng chí Nguyễn Anh Hoa – Giám đốc Sở
có ý kiến chỉ đạo như sau:
Trong 6 tháng đầu năm, với sự nỗ
lực và tinh thần trách nhiệm cao của toàn thể công chức, viên chức, người lao động
ngành Tư pháp địa phương, các đơn vị trong ngành đã hoàn thành tốt những nhiệm
vụ trọng tâm công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2017; về cơ bản đáp ứng yêu cầu
tiến độ giải quyết công việc, đạt kết quả đáng khích lệ như: đã chủ động tổ chức cuộc họp, tọa đàm, kiểm tra, qua đó trao đổi, tháo gỡ
một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xây dựng văn bản, công chứng, chứng
thực, theo dõi thi hành pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), công tác
hộ tịch. Tổ chức thí điểm mô hình “Đăng ký hộ tịch lưu động” cho công nhân lao
động vào ngày nghỉ cuối tuần mang lại hiệu quả thiết thực; thí điểm mô hình “Điểm
tư vấn pháp luật miễn phí cho người lao động” tại nhà trọ; triển khai phần mềm
hộ tịch trên toàn tỉnh từ ngày 01/6/2017,...
Tuy
nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại như: còn có sự
lúng túng cách hiểu về văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) theo quy định mới;
việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo còn chậm, một số nội dung báo cáo thống
kê còn chưa thống nhất số liệu; việc bố trí 02 công chức Tư pháp – Hộ tịch
chuyên trách cấp xã, việc xác định hộ tịch gặp nhiều khó khăn,...
Để
triển khai thực hiện hoàn thành Chương trình trọng tâm công tác Tư pháp trong năm 2017, bên cạnh triển khai thực
hiện đồng bộ các nhiệm vụ như báo cáo đã nêu, yêu cầu các Trưởng phòng
chuyên môn, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, Trưởng phòng Tư pháp các
huyện, thị xã, thành phố cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm
sau:
1.
Tiếp tục bám sát chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, văn bản chỉ đạo của
cấp trên và UBND cùng cấp để triển khai thực hiện hoàn thành suất sắc công tác
tư pháp 6 tháng cuối năm và cả năm 2017, trong đó quan tâm đề ra giải pháp, cách
làm mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ
kế hoạch theo Quyết định số 191/QĐ-UBND ngày 29/01/2017 của UBND tỉnh phê duyệt
chương trình trọng tâm của ngành Tư pháp.
2. Tập trung tháo gỡ các khó khăn,
vướng mắc trong việc xây dựng văn bản, trong đó chú trọng việc thực hiện quy trình
xây dựng chính sách, đánh giá tác động chính sách đối với các dự thảo Nghị quyết
của HĐND tỉnh theo Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và các văn bản hướng dẫn
thi hành. Các đơn vị chú ý giải quyết tốt TTHC, nâng cao hiệu quả công tác tiếp
nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về TTHC; kiểm soát chặt chẽ việc
giải quyết TTHC, từng khâu, từng cấp phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp
vi phạm trong giải quyết TTHC.
3. Tổ chức tốt
Ngày Pháp luật năm 2017; tổ chức thành công cuộc thi “Chủ tịch xã giỏi” năm
2017; tăng cường quản lý công tác hòa giải ở cơ sở, bồi dưỡng kỹ
năng, kiến thức pháp luật cho hòa giải viên trên địa bàn tỉnh, triển khai công
tác chuẩn
tiếp cận pháp luật của người dân trên địa bàn Bình Dương.
4. Tiếp tục đôn đốc, theo dõi sát việc xây dựng
cơ sở dữ liệu về hộ tịch ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương,
thực hiện nghiêm việc cập nhật thông tin lên phần mềm quản lý hộ tịch; tăng
cường hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện công tác đăng ký và
quản lý hộ tịch, xác minh, xác nhận tình trạng hộ tịch; nhân rộng mô hình “Đăng ký hộ tịch lưu động” để tạo sự thuận lợi cho công dân, đồng thời quảng
báo nâng cao hiểu biết của công dân với công tác hộ tịch.
5.
Tăng cường công tác
quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng, luật sư, thừa phát lại, bán đấu
giá tài sản, giao dịch bảo đảm, quản lý và thanh lý tài sản để kịp thời nắm tình hình, hướng dẫn,
giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt
động, đồng thời đề nghị các cơ quan liên quan có sự phối hợp chỉ đạo kiểm tra
chặt chẽ, thường xuyên và có thông tin, biện pháp xử lý đối với các trường hợp
khi có dấu hiệu vi phạm.
6. Tăng
cường công tác phối hợp với các ngành; giữa tư pháp cấp tỉnh – huyện – xã, chào mừng 72 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam
(28/8/1945 – 28/8/2017). Thực hiện tốt vai trò Trưởng khu vực thi đua Miền Đông Nam Bộ và Trưởng
khối thi đua Nội chính trong việc chấm điểm, bình xét thi đua và tổ chức tổng kết
Khu vực, Khối thi đua kết hợp phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.
7. Tạo sự chuyển biến rõ nét trong
chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, trong thực hiện các
văn bản, chỉ đạo của cấp trên; sử dụng hiệu quả thời giờ làm việc, tăng cường
công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, khắc phục cơ bản tình trạng chậm trễ
công việc, soát công việc; đề cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm
nêu gương của người đứng đầu, của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, thường xuyên quán
triệt nhắc nhở cán bộ công chức, viên chức, người lao động chấp hành chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành
chính nhà nước và chấp hành nghiêm nội quy quy chế cơ quan.
Trên đây là Thông báo kết luận Hội nghị sơ kết công
tác Tư pháp 06 tháng đầu năm 2017, yêu cầu các Trưởng phòng chuyên môn, Thủ trưởng các
đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, Trưởng phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố tổ
chức triển khai thực hiện (gửi kèm nội
dung thảo luận, thống nhất của các phòng chuyên môn tại Hội nghị; bản tổng hợp
tiếp nhận và trả lời kiến nghị tại Hội nghị sơ kết công tác tư pháp và giao ban
công tác tư pháp khu vực phía Nam; bản
tổng hợp tiếp nhận và trả lời kiến nghị của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trục thuộc Trung ương đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ
Tư pháp 6 tháng đầu năm 2017 qua hộp thư điện tử của Phòng Tư pháp và đăng
trên website: http://stp.binhduong.gov.vn tại
mục văn phòng – báo cáo thống kê)./.
NỘI DUNG THẢO LUẬN, THỐNG NHẤT
CỦA CÁC PHÒNG CHUYÊN MÔN TẠI HỘI NGHỊ
1. Về
công tác công chứng, chứng thực, luật sư:
- Sở Tư pháp đã ban hành những văn hướng
dẫn về lĩnh vực công chứng, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký,
đề nghị các đơn vị, địa phương nghiên cứu, thực hiện đúng quy định.
- Vấn đề xác nhận tình trạng bất động sản,
xác nhận các vấn đề hộ tịch: đề nghị Hội Công chứng triển khai đến các công chứng
viên để thực hiện thống nhất và đúng quy định pháp luật. Trường hợp phát hiện tổ chức hành nghề công
chứng thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch không phù hợp với quy định pháp
luật hoặc đề nghị UBND cấp xã chứng thực chữ ký không phù hợp theo quy định
pháp luật, đề nghị các Phòng tư pháp kịp thời phản ánh cho Sở Tư pháp để có biện
pháp xử lý.
- Đối với trường hợp giấy tờ yêu cầu chứng
thực photo trên 01 mặt giấy A4 thì thực hiện chứng thực nếu đảm bảo đúng, đầy đủ
nội dung theo quy định của Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015.
- Trường hợp phát hiện cá nhân không phải
là luật sư nhưng treo biển và hành nghề luật sư, đề nghị các Phòng tư pháp kịp
thời phản ánh cho Sở Tư pháp để có biện pháp xử lý.
2. Về công tác hộ tịch:
-
UBND cấp xã không có thẩm quyền xác nhận việc người dân không có giấy chứng tử
(nội dung này người dân tự cam đoan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội
dung cam đoan của mình); UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác minh về việc
lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương để người dân thực hiện thủ tục đăng ký lại việc
tử theo quy định.
-
Về vấn đề đăng ký giám sát việc giám hộ: Phòng Hành chính tư pháp đã gửi qua
mail bản scan văn bản trả lời của Bộ Tư pháp đến các Phòng Tư pháp cấp huyện. Đề
nghị Phòng Tư pháp gửi nội dung công văn trên đến UBND cấp xã để thực hiện thống
nhất.
-
Về việc đăng ký khai sinh cho người chưa có thông tin về cha mẹ (trường hợp không thuộc đối tượng trẻ em
chưa xác định được cha, mẹ; không phải là trẻ bị bỏ rơi): Trường hợp người
yêu cầu không có giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ cha, mẹ, con thì cơ quan
đăng ký hộ tịch tiến hành kiểm tra, xác minh trực tiếp tại địa phương (qua cơ quan
công an, tổ trưởng tổ dân phố hoặc các tổ chức, đoàn thể tại địa phương…). Nếu
kết quả kiểm tra, xác minh xác định rõ được mối quan hệ cha, mẹ, con thì ghi
thông tin về cha, mẹ của người đi đăng ký khai sinh theo kết quả kiểm tra, xác
minh. Trường hợp kết quả xác minh không thể xác định được thông tin về quan hệ
cha, mẹ, con thì phần khai về cha, mẹ tạm thời để trống.
-
Cải chính năm sinh cho người đã chết: Pháp luật hộ tịch không quy định về việc
cải chính năm sinh cho người đã chết (cải
chính nội dung không liên quan đến Giấy chứng tử của người chết). Tuy
nhiên, tùy trường hợp cụ thể mà có cách giải quyết khác nhau, có thể xin ý kiến
Sở Tư pháp khi gặp khó khăn.
-
Trường hợp đăng ký khai sinh trước ngày sinh: Khoản 2 Điều 7 Nghị định số
123/2015/NĐ-CP quy định “Cải chính hộ tịch
theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ
tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ
để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người
yêu cầu đăng ký hộ tịch”. Do đó,
trong trường hợp này, nếu có căn cứ để xác định có sai sót thì thực hiện thủ tục
cải chính theo quy định.
- Việc bổ sung ngày
tháng đăng ký khai sinh: Việc bổ sung hộ tịch được thực hiện theo quy định tại Điều 29 Luật Hộ tịch. Trường hợp
yêu cầu bổ sung ngày, tháng sinh cho người không có Giấy khai sinh nhưng đã có
hồ sơ, giấy tờ cá nhân, nhưng ngày, tháng sinh trong các giấy tờ đó không thống
nhất thì cơ quan đăng ký hộ tịch vận dụng quy định tại Khoản 5 Điều 26 Nghị định
số 123/2015/NĐ-CP để xác định ngày, tháng sinh “Trường hợp người yêu cầu không có bản sao Giấy khai sinh
nhưng hồ sơ, giấy tờ cá nhân có sự thống nhất về nội dung khai sinh thì đăng ký
lại theo nội dung đó. Nếu hồ sơ, giấy tờ không thống nhất về nội dung khai sinh
thì nội dung khai sinh được xác định theo hồ sơ, giấy tờ do cơ quan nhà nước có
thẩm quyền cấp chính thức hợp lệ đầu tiên; riêng đối với cán bộ, công chức,
viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì nội dung khai sinh
được xác định theo văn bản của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định tại Điểm c
Khoản 1 Điều này”.
- Trường hợp yêu cầu bổ sung ngày, tháng sinh cho người chưa có hồ sơ, giấy
tờ cá nhân thì cơ quan đăng ký hộ tịch vận dụng quy định tại Khoản 4 Điều 27
Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 và Khoản 2 Điều 22 Thông tư số
15/2015/TT-BTP để xác định ngày, tháng sinh, cụ thể như sau: Nếu không xác định
được ngày sinh thì ghi ngày đầu tiên của tháng sinh; nếu không xác định được
ngày, tháng sinh thì ghi ngày 01 tháng 01 của năm sinh.
- Về phần mềm quản lý hộ tịch: Trường hợp sai sót, nhầm lẫn
các thông tin về giới tính, ngày tháng
năm sinh, thẩm quyền đăng ký, loại đăng ký, loại khai sinh thì cán bộ tư
pháp thực hiện các bước sau:
+ Làm công văn đề nghị hủy hồ sơ khai sinh đã nhập (mẫu
công văn đã có trên trang chủ của phần mềm khai sinh);
+ Scan/chụp ảnh công văn gửi vào địa chỉ email: hotich@moj.gov.vn
+ Gửi văn bản giấy công văn về địa chỉ: Cục Công nghệ thông
tin – Bộ Tư pháp – số 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội.
- Đề nghị Phòng Tư pháp cấp huyện hướng
dẫn cán bộ tư pháp thực hiện việc ghi các sự kiện vào Sổ hộ tịch (sổ giấy) và
cơ sở dữ liệu hộ tịch để thực hiện việc cấp bản sao trích lục hộ tịch theo quy
định.
- Thay đổi, cải chính hộ tịch, đề nghị
Phòng Tư pháp tham mưu UBND cùng cấp gửi đến Sở Tư pháp các thông tin sau:
+ Trường hợp
UBND cấp huyện cấp trích lục thay
đổi, cải chính hộ tịch (liên quan đến Giấy
khai sinh) cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, thì gửi bản sao hoặc bản chính
trích lục đó cho Sở Tư pháp 01 tháng/lần; gửi qua bưu chính hoặc gửi trực tiếp
(không gửi qua phần mềm liên thông quản
lý văn bản). Sau khi nhận được các thông tin trên, Phòng Hành chính tư pháp
sẽ có biên bản giao nhận và gửi lại cho các Phòng Tư pháp để thực hiện việc rà
soát.
+
Trường hợp UBND cấp huyện cấp trích lục thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch,
xác định lại dân tộc mà việc hộ tịch trước đây đã đăng ký tại Sở Tư pháp các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương thì sau khi thực hiện việc thay đổi, cải chính,
bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc, đơn vị có trách nhiệm thông báo bằng văn
bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch cho Sở Tư pháp để ghi vào Sổ hộ tịch
theo quy định.
3. Về công tác phổ biến giáo dục
pháp luật:
-
Về thông tin có một số trường hợp Tổ hòa giải không tiếp nhận vụ phức tạp:
Phòng sẽ rà soát, tham mưu Lãnh đạo Sở có văn bản chấn chỉnh vấn đề này.
-
Về hòa giải các vụ việc liên quan đến đất đai: Căn cứ quy định tại Điều 202 Luật
Đất đai năm 2013, nếu việc hòa giải thông qua hòa giải cơ sở (theo quy định tại
khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai 2013) thì áp dụng theo quy định của Luật Hòa giải
cơ sở và có thể thực hiện việc yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả
hòa giải thành. Nếu trong trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai
năm 2013 thì không thuộc phạm vi của Luật Hòa giải ở cơ sở (theo quy định tại
Khoản 2 Điều 1 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013).
-
Việc yêu cầu Tòa án ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở là
hoàn toàn tự nguyện, các bên có thể gửi đơn yêu cầu hoặc không gửi đơn yêu cầu.
Khi
kết thúc vụ việc hòa giải ở cơ sở thì việc quyết toán kinh phí được thực hiện
theo quy định, không phụ thuộc vào việc các bên có gửi đơn yêu cầu hoặc không gửi
đơn yêu cầu đến Tòa án (Căn cứ Nghị định số 15/2014/NĐ-CP và Quyết định số
14/2015/QĐ-UBND).
4. Về công tác kiểm soát TTHC:
-
Sở Tư pháp đã có kiến nghị đến Sở Nội vụ về những tiêu chí, tiêu chí thành phần
không phù hợp về chỉ số cải cách hành chính của cấp huyện, cấp xã.
-
Vấn đề công bố TTHC: Việc Chủ tịch UBND cấp xã ban hành Quyết định công bố TTHC
là không đúng thẩm quyền theo quy định tại Thông tư 05/2014/TT-BTP ngày
07/02/2014 của Bộ Tư pháp hướng dẫn công bố, niêm yết TTHC và báo cáo về tình
hình, kết quả thực hiện kiểm soát TTHC; Quyết định số 71/2014/QĐ-UBND ngày
31/12/2014 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp công bố, công khai TTHC và
báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh Bình
Dương.
-
Vấn đề công khai TTHC:
+ Các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp tiếp nhận, giải quyết thủ
tục hành chính tại địa phương phải thực hiện niêm yết công khai kịp thời, đầy đủ
thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết đúng theo Quyết định
công bố TTHC của Chủ tịch UBND tỉnh (địa phương không công khai theo Quyết định công bố hệ thống ISO do do
Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã ban hành);
+
Việc đăng tải TTHC trên Trang/Cổng thông tin điện tử của
Ủy ban nhân dân tỉnh và Trang thông tin điện tử của cơ quan thực hiện thủ tục
hành chính (UBND cấp huyện) phải đồng bộ, thống nhất
với nhau;
Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện thủ tục hành chính, công
khai thủ tục tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Về việc kiểm soát TTHC đối với vấn đề
yêu cầu bản trích đo của các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND ngày
14/4/2015 của UBND Ban hành Quy định về một số vấn đề liên quan đến thủ tục
đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,
quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Bình
Dương): Thực hiện chức năng, nhiệm vụ về kiểm soát TTHC, Sở Tư pháp đã có ý
kiến góp ý, thẩm định ngay từ khi Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo
văn bản QPPL (QPPL) có quy định TTHC.
-
Về việc xác nhận tình trạng bất động sản: Đây là yêu cầu điều kiện được thể hiện
bằng thành phần hồ sơ khi thực hiện giao dịch đất đai (theo quy định của Luật Đất
đai 2013) và thẩm quyền thực hiện việc xác nhận tình trạng bất động sản là UBND
cấp xã nơi có đất.
5. Về công tác xây dựng văn bản:
- Qua kết quả rà soát tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
công bố Danh mục văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh Bình
Dương ban hành còn hiệu lực tính đến ngày 31/5/2017, Sở
Tư pháp đã phát hiện và có kiến nghị UBND tỉnh ban hành Quyết định thay thế “Quyết định 11/2008/QĐ-UBND tỉnh về việc quy
định tổ chức và chức năng của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện trên
địa bàn tỉnh Bình Dương” (hiện tại Văn phòng UBND tỉnh đang trong quá trình
xây dựng tham mưu UBND ban hành văn bản mới thay thế).
-
Đối với việc xác định loại văn bản của“Nghị
quyết về phát triển kinh tế-xã hội” và “Nghị
quyết về kế hoạch đầu tư công của cấp huyện”: Để xác định các Nghị quyết
này có phải là văn bản QPPL hay không thì cần phải đối chiếu nội dung cụ thể của
Nghị quyết với khái niệm về “Văn bản
QPPL” và “QPPL” tại Điều 2 và Điều
3 của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015. Bộ Tư pháp đã trả lời và kết luận tại
buổi tập huấn công tác văn bản tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 22/6/2017. Theo
đó, đối với hai Nghị quyết nêu trên không phải là văn bản QPPL, vì không hội đủ
yếu tố cấu thành văn bản QPPL; khi có văn bản trả lời chính thức của Bộ Tư
pháp, Sở sẽ thông tin kịp thời đến cấp huyện.
Tương tự, lưu ý đối với “Quyết định ban hành Quy chế làm việc của
UBND cấp huyện”, theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp thì quy định tại Điều
2 Quyết định số 75/2006/QĐ-TTg ngày 12/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc
ban hành Quy chế làm việc mẫu của UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không phải là
việc phân cấp, ủy quyền theo quy định tại Điều 13, Điều 14 và Khoản 5 Điều 28
Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Trường hợp UBND cấp huyện ban hành văn bản QPPL thì vi phạm quy định tại
Khoản 1, Khoản 2 Điều 5 Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015. Theo đó, UBND cấp huyện có thể xem xét ban hành Quy chế làm việc dưới
hình thức văn bản hành chính, trong đó bảo đảm nội dung không chứa QPPL./.