(PLVN) - Chiều qua (29/5), tại trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 28) về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
Toàn cảnh cuộc họp
Còn nhiều rào cản
Báo cáo tình hình triển khai QĐ 28, ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính cho biết, một số bộ, ngành, địa phương đã tích cực trong triển khai, gửi, nhận văn bản điện tử theo QĐ 28. Tuy nhiên, việc triển khai QĐ 28 vẫn còn không ít tồn tại. Điển hình là khi gửi nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia còn phát sinh một số lỗi như: không gửi, nhận được văn bản; văn bản gửi không đến được nơi nhận; không tuân thủ thời gian gửi, nhận; một văn bản gửi nhiều lần dẫn đến bộ phận tiếp nhận mất thời gian để rà soát, đối chiếu….
Nguyên nhân của tình trạng trên là do Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (QLVB&ĐH) của một số địa phương hoạt động chưa ổn định; phản hồi sai thông tin, trạng thái, bị ngắt kết nối dẫn đến việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan chức năng được thông suốt; hạ tầng máy chủ bảo mật phục vụ kết nối trên Trục liên thông văn bản quốc gia tại một số bộ, ngành, địa phương chưa bảo đảm, thường xuyên bị mất kết nối…
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương còn phụ thuộc vào các nhà cung cấp phần mềm QLVB&ĐH, nhiều phần mềm đã hết thời gian bảo hành, duy trì, phát triển; văn bản gửi điện tử chưa thống nhất giữa các đơn vị (không bảo đảm đúng thể thức, thiếu chữ ký số, thiếu tài liệu gửi kèm, không đúng thẩm quyền, không đúng định dạng và ký hiệu văn bản dẫn đến nhiều văn bản đến phải trả lại cơ quan gửi); chưa thống nhất trong quá trình đặt tên và dung lượng của văn bản điện tử.
Cũng theo ông Ngô Hải Phan, do chưa cấp phát được đầy đủ 100% chữ ký số chuyên dùng cho các đơn vị, đặc biệt là các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện và các đơn vị trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan Trung ương dẫn đến việc triển khai gửi, nhận văn bản điện tử có tích hợp chữ ký số chưa đồng bộ và thống nhất. Nguyên nhân là do một số bộ, ngành, địa phương chưa đề xuất nhu cầu sử dụng chứng thư số tới Ban Cơ yếu Chính phủ để cấp phát theo quy định.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng cho biết, đây mới là bước đầu triển khai việc gửi, nhận văn bản theo trục liên thông nên cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo sự đồng bộ, môi trường pháp lý hoàn chỉnh, làm sao đảm bảo được tính kết nối trong việc triển khai QĐ 28. Trong việc triển khai gửi, nhận văn bản điện tử thì văn bản nào thuộc diện bảo mật cũng cần quy định một cách rõ ràng. Lưu trữ hồ sơ điện tử ra sao cho hiệu quả?
Trực tiếp “gỡ vướng” cho địa phương
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao sự nỗ lực và phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. Tuy nhiên, mọi việc làm phải thực chất, không thể hình thức; dù các bộ, ngành báo cáo đang tích cực triển khai nhưng chỉ cần nhìn vào số liệu là biết đã làm tốt hay chưa. Các nhà mạng phải đảm bảo đồng bộ về hạ tầng, về dung lượng đường truyền và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về an toàn dữ liệu chứ không phải chỉ cung cấp dịch vụ là xong.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm công bố khung Chính phủ điện tử để các địa phương triển khai, làm sao chi phí nhỏ nhất và hiệu quả cao nhất. Riêng với các nhà mạng và các cơ quan có dịch vụ phải xem xét lại phần mềm về giao diện. Mẫu của văn bản điện tử phải chuẩn, không nên để ký đi, ký lại nhiều lần.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết: “Sau cuộc họp này, Văn phòng Chính phủ sẽ thành lập nhiều tổ công tác xuống trực tiếp địa phương xem vướng ở đâu, vướng như thế nào để gỡ cho các địa phương. Nếu bây giờ chúng ta ngồi đây thì không hình dung được. Ví dụ một cô văn thư ở địa phương nếu giỏi sẽ làm tốt việc này, nếu không giỏi sẽ đổ lỗi cho máy hết. Cho nên tôi đề nghị chúng ta phải xuống tận nơi cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cho anh em cách làm, như thế sẽ tốt hơn rất nhiều”.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số là nhu cầu cấp thiết, không khác được trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Hiện chúng ta đang xây dựng Nghị định về kết nối chia sẻ, trong đó quy định bắt buộc tất cả các cơ quan nhà nước phải chia sẻ thông tin với nhau.
Nguồn: Vân Thanh (http://baophapluat.vn)