(PLVN) - Sáng 17/5, Tổ công tác sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 đã có phiên họp đầu tiên dưới sự chủ trì của Tổ trưởng Tổ công tác - Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh.
Theo đó, Thứ trưởng đã nhấn mạnh tinh thần của lần sơ kết này là để tìm ra các giải pháp thi hành Hiến pháp 2013 có hiệu quả trong thời gian tới, chứ không phải để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013.
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Văn bản số 381/UBTVQH14-PL của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 7/5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 511/QĐ-TTg về Kế hoạch tổ chức sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 (2014 - 2019). Quyết định 511 nêu rõ, việc sơ kết phải tiến hành thiết thực, hiệu quả, gắn với quá trình tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và xây dựng các văn kiện chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đồng thời, bảo đảm sự tham gia tích cực, chủ động, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị thuộc Quốc hội, Chủ tịch nước, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong việc xây dựng dự thảo Báo cáo.
Thực hiện Quyết định 511/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp đã thành lập Tổ công tác sơ kết công tác thi hành Hiến pháp 2013. Tại phiên họp, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự – hành chính (Bộ Tư pháp) Đỗ Đức Hiển đã công bố Quyết định số 1083/QĐ-BTP ngày 10/5/2019 của Bộ Tư pháp về việc thành lập Tổ công tác này do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh làm Tổ trưởng.
Vụ Pháp luật hình sự – hành chính cũng báo cáo về những công việc đã triển khai, trình bày dự thảo Kế hoạch hoạt động của Tổ công tác, dự thảo Đề cương chi tiết Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và một số vấn đề khác để xin ý kiến các thành viên Tổ công tác. Hiện nay, qua nắm bắt thông tin từ phía một số cơ quan, bộ, ngành, địa phương thì các cơ quan này đều đang khẩn trương tổ chức sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013, với phạm vi, cách thức phù hợp đặc điểm cơ quan, tổ chức, địa phương mình nhằm bảo đảm tiến độ gửi báo cáo về Bộ Tư pháp trước ngày 15/6/2019.
Các thành viên Tổ công tác cơ bản nhất trí với các báo cáo, trình bày của Vụ Pháp luật hình sự - hành chính và cập nhật thêm tình hình của cơ quan, bộ, ngành mình. Đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết, ngành Kiểm toán đã triển khai nhiệm vụ này ngay sau khi có Văn bản 381 và mặc dù Văn bản 381 không yêu cầu nhưng ngành vẫn sẽ đánh giá cả kết quả hoạt động sau 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 và 3 năm thi hành Luật Kiểm toán Nhà nước 2015 để thấy được sự chuyển biến của ngành những năm vừa qua.
Đại diện VKSNDTC cho hay, ngành KSND cũng đã xây dựng dự thảo Đề cương Báo cáo hướng dẫn trong ngành để đánh giá kết quả thi hành Hiến pháp 2013 với thay đổi lớn nhất từ mô hình 3 cấp thành mô hình 4 cấp. Ngành KSND sẽ tập trung báo cáo 3 vấn đề gồm kết quả công tác chung; đánh giá về việc điều chỉnh nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức; đề xuất biện pháp triển khai thực hiện tốt Hiến pháp 2013.
Một số đại biểu thì đề nghị phải tăng tính kết nối giữa trách nhiệm của thành viên Tổ công tác với bộ, ngành của thành viên, phân chia các nhóm trong Tổ công tác… tại dự thảo Kế hoạch hoạt động của Tổ; đề cập cụ thể hơn đến nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật theo Nghị quyết 48, đánh giá sâu hơn về việc đưa tinh thần của Hiến pháp vào cuộc sống… tại dự thảo Đề cương chi tiết.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nêu rõ, việc sơ kết Hiến pháp 2013 được tiến hành trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang tập trung triển khai các Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, việc sơ kết Hiến pháp 2013 cũng gắn với việc tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết số 48 và Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị. Do vậy, việc tổng kết, sơ kết này có mối quan hệ mật thiết với nhau, cần được tiến hành đồng bộ, liên thông với nhau.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh mục đích sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 không phải để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 mà chỉ điểm lại quá trình triển khai 5 năm qua, đưa ra đề xuất, kiến nghị để thi hành Hiến pháp 2013 có hiệu quả, tốt hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, “trong quá trình sơ kết, nếu các cơ quan nhận thấy có những vướng mắc, hạn chế phát sinh do cách hiểu không thống nhất về các quy định của Hiến pháp thì có thể nêu lên và đề xuất cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn” - Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh lưu ý.