Bộ, ngành Tư pháp tham gia ngày càng sâu vào phát triển kinh tế - xã hội
(PL+) - Hôm nay (8/1), Bộ Tư pháp long trọng tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019. Nhìn lại năm 2018, trong những thành tựu chung của đất nước, Bộ, ngành Tư pháp cũng đã có nhiều nỗ lực, đóng góp theo đúng phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của Chính phủ.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại Bộ Tư pháp.
Đảm bảo chất lượng, tiến độ nhiệm vụ
Trong năm 2018, Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục được thực hiện quyết liệt, ngày càng đi vào chiều sâu, phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để triển khai công việc.
Toàn Ngành thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ nhiều nhiệm vụ phát sinh thêm, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; phản ứng kịp thời, hiệu quả đối với những vấn đề “nóng”, ngày càng tham gia sâu vào các vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch công tác, toàn Ngành đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện; thường xuyên rà soát, theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ. Ngay từ đầu năm, Bộ Tư pháp đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả phần mềm theo dõi thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ giao, được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao.
Bộ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 223 nhiệm vụ, đã hoàn thành 190 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 33 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn. Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành và các cơ quan tư pháp địa phương đã tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương giải quyết nhiều vấn đề pháp lý phát sinh trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Không những thế, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp triển khai các nhiệm vụ, qua đó kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp công tác.
Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị công tác pháp chế bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước; tổ chức các buổi làm việc, ký kết các Chương trình, Quy chế phối hợp công tác với nhiều bộ, ngành, cơ quan đoàn thể (như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam...) để thúc đẩy và tháo gỡ khó khăn cho công tác tư pháp ở cả Trung ương và địa phương; tổ chức làm việc với cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương (như Lào Cai, Lai Châu, Hưng Yên, Kiên Giang, Gia Lai, Quảng Nam, Hải Dương, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương...) về công tác tư pháp, thi hành án dân sự.
Chuyển biến mạnh mẽ trong từng lĩnh vực cụ thể
Kết quả chung là vậy, còn trong mỗi lĩnh vực công tác thì các hoạt động đều triển khai hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch đề ra. Cụ thể, chất lượng hồ sơ các dự án luật, pháp lệnh và chất lượng công tác thẩm định có nhiều cải thiện; nợ đọng văn bản quy định chi tiết giảm so với năm trước. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật xuất hiện một số mô hình hay, hiệu quả. Thi hành án dân sự tiếp tục đạt kết quả cao, thi hành án hành chính dần đi vào nền nếp.
Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đang phát triển khá nhanh; đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, nhất là trong cấp Phiếu Lý lịch tư pháp, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm, gắn với việc hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Việc xã hội hóa các nghề tư pháp được thực hiện thận trọng, hiệu quả hơn, chất lượng hành nghề được cải thiện. Việc giải quyết tranh chấp đầu tư đạt nhiều kết quả tích cực; hợp tác quốc tế về pháp luật tiếp tục tạo được những dấu ấn quan trọng, nhất là trong quan hệ với các nước láng giềng...
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành được đẩy mạnh, các chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ tiếp tục được cải thiện.
Cùng với đó, Bộ Tư pháp đã quyết liệt chỉ đạo việc rà soát, đề xuất cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh; phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Còn theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông (tháng 7/2018), Bộ Tư pháp xếp thứ 3/19 bộ, ngành về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử. Có được thứ hạng này là do Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục coi ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực công tác là giải pháp quan trọng.
Bộ đã thường xuyên chỉ đạo sử dụng các phần mềm trong các lĩnh vực công tác để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, việc triển khai ứng dụng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung trong toàn quốc, Phần mềm theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số... mang lại hiệu quả cao.
Bộ Tư pháp phải là “tổng tham mưu trưởng” của Chính phủ trong xây dựng pháp luật. Đó là yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tại buổi làm việc với tập thể Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp ngày 17/10/2018.
Đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, cần nhận thức rõ hơn vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của Bộ Tư pháp trong tổ chức bộ máy nhà nước trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập.
Đồng chí yêu cầu Bộ Tư pháp phải làm tốt hơn nữa công tác xây dựng pháp luật, phải chủ động tham mưu xây dựng chiến lược pháp luật phù hợp với Chiến lược kinh tế giai đoạn 2020 – 2030.
Nguồn: Thục Quyên (Báo Pháp Luật Việt Nam)