Chiều nay (28/11), tiếp tục chương trình làm việc, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Lê Thành Long dẫn đầu đã có buổi làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Dương. Tham dự buổi làm việc có ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh uỷ, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
“Âm thầm, lặng lẽ nhưng hiệu quả”
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long đã đánh giá rất cao những nỗ lực của hai ngành tư pháp và THADS của tỉnh Bình Dương.
Với ngành THADS, Bộ trưởng nói: “Ngành THADS tỉnh Bình Dương năm 2018 đã có những kết quả công tác nổi bật, đầy đủ, toàn diện, hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Trong bối cảnh kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, số vụ án tiếp tục tăng cả về việc và giá trị nhưng ngành THADS Bình Dương đứng vị trí thứ 6 và là 1/20 tỉnh thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra, đặc biệt là về việc và tiền”. Bên cạnh đó, năm qua ngành THADS Bình Dương đã không để xảy ra các vụ khiếu nại, khiếu kiện phức tạp kéo dài, không phát sinh bồi thường nhà nước và không có trường hợp CHV nào bị xử lý kỷ luật.
Với ngành Tư pháp tỉnh Bình Dương, Bộ trưởng nhận xét rất đều tay và hoàn thiện. Nhiều chương trình, ý tưởng của Sở Tư pháp, các Phòng Tư pháp như: tủ sách pháp luật di động, hội chợ cho công nhân kết hợp tuyên truyền pháp luật… trở thành những điểm sáng của toàn ngành, nên nhân rộng những mô hình trên ra cả nước. Với những gì ngành đã và đang làm được, Bộ trưởng Lê Thành Long xúc động phát biểu: “Những đóng góp tuy âm thầm, lặng lẽ nhưng rất cần thiết và hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung cho Bình Dương”.
Đánh giá chung của hai ngành, Bộ trưởng Lê Thành Long phấn khởi nhắc nhiều năm liền, ngành tư pháp và THADS của Bình Dương được bộ xếp hạng cao. Thay mặt đoàn, Bộ trưởng cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cán bộ, công chức hai ngành tư pháp và THADS Bình Dương.
Sớm tháo gỡ những bất cập
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng đề nghị ngành Tư pháp Bình Dương phải nâng cao hơn nữa chất lượng thể chế, từ xây dựng, ban hành đến tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế cho thấy, cần phải giải quyết dứt điểm tình trạng ban hành văn bản chưa chuẩn về nội dung, thẩm quyền… Đồng thời phải gắn trách nhiệm nhiều hơn nữa cho người đứng đầu các sở ngành khi ban hành văn bản, chứ không chỉ “đổ dồn” cho một mình Sở Tư pháp.
Về chủ trương sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp, Bộ trưởng nhắc lại việc sắp xếp trên tinh thần “tự chủ, độc lập về kinh phí”. Hiện tại hai Phòng Công chứng (số 1 và 2) của Sở Tư pháp và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoạt động tốt, hiệu quả. Đời sống của cán bộ, công chức tại những đơn vị này được đảm bảo. Vì vậy, cần phải phát huy và giữ gìn.
Trăn trở với tình trạng “quá tải” công việc của cán bộ, công chức trong hai ngành tư pháp và THADS, Bộ trưởng Lê Thành Long đã trao đổi trực tiếp vấn đề này với lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Dương và đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Dương xem xét, điều chỉnh làm sao để tăng thêm lực lượng cho ngành tư pháp.
Một trăn trở lớn nữa của ngành cũng được Bộ trưởng nêu ra tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, đó là Bình Dương nên tìm ra một cơ chế để hỗ trợ đội ngũ cán bộ công chức ngành Tư pháp và THADS trong tỉnh. Bởi lẽ, công việc thì quá tải, áp lực lớn nhưng thu nhập, đời sống của người làm trong hai ngành này còn khó khăn. “Nếu lãnh đạo tỉnh quan tâm, hỗ trợ phần nào để cán bộ, công chức của ngành ổn định hơn, sẽ ngăn chặn tình trạng thôi việc, nghỉ việc, thiếu biên chế diễn ra tại ngành THADS Bình Dương mấy năm qua”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.
Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam cho biết, tỉnh sẽ ghi nhận, tiếp thu những trao đổi của Bộ Tư pháp. Với tình trạng “việc nhiều, người ít”, ông Trần Văn Nam thông tin thêm, với lượng dân cư hơn 2,3 triệu người, không chỉ Tư pháp, THADS mà nhiều ngành đã quá tải, nhân sự thiếu trầm trọng. Do vậy, trong tương lai gần chắc chắn tỉnh sẽ xin thêm biên chế. Việc tinh giản biên chế không phải là tinh giản cơ học, quan trọng nơi nào nhiều việc phải thêm người để giải quyết tốt.
Về các khó khăn, vướng mắc của hai ngành tư pháp và THADS, Bí thư Trần Văn Nam đề nghị hai ngành căn cứ vào tình hình của ngành, sớm có văn bản trình chính thức để Tỉnh uỷ, UBND tỉnh xem xét.
Tại buổi làm việc, Bí thư Trần Văn Nam cũng chỉ đạo hai Sở Nội vụ và Tài chính rà soát lại các chính sách hỗ trợ trên cơ sở cái gì hợp lý, tỉnh sẽ tìm cách xử lý, giải quyết. Đồng thời sẽ báo cáo tiến độ các vụ việc trên với Bộ Tư pháp.
Cũng trong chiều 28/11, Bộ trưởng Lê Thành Long đã làm việc với Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương. Bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp báo cáo tình hình công tác tư pháp của Sở năm 2018 và kế hoạch năm 2019 với đoàn công tác.
Theo báo cáo, nhiều công tác trong các lĩnh vực năm qua Sở đã đạt và vượt kế hoạch, chất lượng hiệu quả nâng lên so với những năm trước. Bên cạnh những thuận lợi, theo bà Nguyễn Anh Hoa, công tác pháp chế của Bình Dương gặp nhiều khó khăn khi các sở ngành không còn phòng Pháp chế. Số lượng cán bộ pháp chế chỉ còn 24 người, trong đó hầu hết là kiêm nhiệm. Tình trạng này, các doanh nghiệp nhà nước cũng gặp gặp khó khăn tương tự.
Sau khi nghe báo cáo và một số Phòng, ban trình bày thực trạng, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao các mô hình phổ biến tuyên truyền pháp luật như: tủ sách pháp luật di động, tuyên truyền trên internet, trong các hội chợ…. cho lực lượng công nhân ở các khu đô thị của Sở Tư pháp và các Phòng Tư pháp. “Đây là những mô hình thiết thực, sáng tạo của Bình Dương”, Bộ trưởng nhận xét. Với cách thức Sở Tư pháp phối hợp với Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương thực hiện liên thông cải cách hành chính về cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, dược… khiến thủ tục nhanh gọn, hiệu quả, Bộ trưởng cho rằng đây là cách làm rất mới, sáng tạo.
Trích: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)