Đẩy nhanh thực hiện trước hạn chót
Sáng nay (17/10), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra các Bộ trong việc chậm trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh; tình hình chuẩn bị các nội dung báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
|
Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, các nghị quyết của Chính phủ đã yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh và 50% các thủ tục, mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, đến ngày 17/10, trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh mới cắt được 1.517 điều kiện, đạt tỉ lệ thấp.
Về thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành hàng hóa nhập khẩu, chúng ta có 9.926 thủ tục hành chính nhưng mới cắt giảm, đơn giản hóa được 1.700 thủ tục.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan của Chính phủ cải cách, cắt giảm các điều kiện kinh doanh thực chất.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng vẫn đang nghi ngại việc cắt giảm chưa thực chất, thể hiện ở việc chúng ta đặt mục tiêu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh vào ngày 30/8 nhưng đến nay đã quá 2 tháng nhưng vẫn chưa hoàn thành việc cắt giảm.
Do vậy, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hạn cuối cùng là vào ngày 30/10 phải hoàn thành mục tiêu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh đề ra.
|
Ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh các cuộc họp trước đây thường mời 17 bộ đến họp nhưng lần này Tổ công tác “xé nhỏ ra”, mỗi ngày mời vài Bộ đến để “làm cho thật sâu”. |
Tại cuộc họp ngày 17/10, Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra các Bộ: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Lao động, thương binh và xã hội, Khoa học và công nghệ, Y tế, Tư pháp. Trước đó, ngày 16/10, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra 4 Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông. Ngoài ra, Tổ công tác cũng đã mời đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp tới để “đối chất” với các bộ.
Bộ Tư pháp đã đề xuất cắt giảm 52% điều kiện
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về Xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp Trần Văn Đạt nhấn mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư kinh doanh là một chủ trương lớn, được các Bộ, ngành hưởng ứng mạnh mẽ và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về phía Bộ Tư pháp, ông Đạt cho hay, thực hiện chủ trương rà soát, đề xuất cắt giảm các điều kiện kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, trên cơ sở kết quả rà soát, ngày 8/6/2018, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định 1319/QĐ-BTP về phê duyệt phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực Bộ quản lý.
|
Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về Xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp Trần Văn Đạt phát biểu tại cuộc họp. |
Theo đó, Bộ Tư pháp đã đề xuất đơn giản, cắt giảm 49/94 điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc 7 lĩnh vực bổ trợ tư pháp là luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, thừa phát lại, đấu giá tài sản, quản tài viên, trọng tài thương mại, giám định tư pháp, đạt tỉ lệ 52%.
Theo ông Đạt, để thực thi phương án cắt giảm các điều kiện kinh doanh, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ xem xét ban hành 2 dự thảo Nghị định, gồm dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định số 63/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật trọng tài thương mại và dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động thừa phát lại.
Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/NĐ-CP ngày 19/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trọng tài thương mại, trong đó đã cắt giảm 7 điều kiện kinh doanh.
Đối với nghị định về tổ chức và hoạt động thừa phát lại, Bộ Tư pháp đã xây dựng và trình Chính phủ, đang chờ Thủ tướng ký ban hành. Theo dự thảo Nghị định này, Bộ Tư pháp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình sẽ cắt giảm được 15 điều kiện đầu tư kinh doanh nữa.
Đối với các điều kiện kinh doanh được quy định tại các Luật: Luật luật sư, Luật công chứng, Luật đấu giá tài sản, Luật giám định tư pháp, Luật trọng tài thương mại, Luật phá sản, dự kiến sẽ nghiên cứu xây dựng hồ sơ lập đề nghị xây dựng 1 luật sửa đổi 6 luật nêu trên để trình Chính phủ xem xét trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
“Như vậy, đến thời điểm này, trách nhiệm của Bộ Tư pháp đã thực hiện đầy đủ khi sửa đổi, bổ sung các nghị định có quy định về các điều kiện đầu tư kinh doanh. Các điều kiện còn lại nằm trong các luật chúng ta phải thực hiện theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”,ông Đạt nhấn mạnh.
Trích từ: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam