Giới thiệu
Thứ 3, Ngày 02/12/2014, 04:06
PHÁT HUY TINH THẦN TRÁCH NHIỆM ĐỂ THỰC HIỆN MỤC TIÊU TRỢ GIÚP PHÁP LÝ Trợ giúp pháp lý (TGPL) là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng và các đối tượng khác theo quy định, thể hiện vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, nâng cao nhận thức pháp luật, bảo vệ công lý, công bằng xã hội, phòng ngừa và hạn chế tranh chấp, vi phạm pháp luật. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động này nên ngay từ khi thành lập (theo Quyết định số 162/1998/QĐ-CT ngày 07/11/1998 của Chủ tịch UBND tỉnh), Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bình Dương đã tích cực thực nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, do TGPL là một trong những công tác còn khá mới mẻ trong lĩnh vực tư pháp nên bước đầu hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa thật sự bám sát cơ sở, số lượng vụ việc TGPL ít. Qua nhiều đợt khảo sát nhu cầu, hiểu biết của người dân về TGPL và rút kinh nghiệm hoạt động từ những năm trước, Trung tâm nhận thấy muốn gần dân, hiểu dân, đưa pháp luật đến tận tay người dân, đặc biệt là đối tượng công nhân cần phải có những biện pháp, giải pháp phù hợp với đặc điểm và điều kiện cụ thể tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tìm hiểu pháp luật và tiếp cận dịch vụ TGPL. Từ nhận thức trên, bằng sự tận tụy, nhiệt tình của tập thể cán bộ, viên chức Trung tâm, với tinh thần dám nghĩ dám làm, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã chủ động tham mưu Giám đốc Sở Tư pháp đề ra nhiều cách làm hay, mô hình mới mang lại hiệu quả. Cụ thể:
- Mở rộng đối tượng trợ giúp pháp lý: Xuất phát từ tình hình thực tế của Bình Dương –là một tỉnh công nghiệp, hiện có 28 khu, cụm công nghiệp, với hơn 15.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động, tổng số lao động trên 700.000 người. Người lao động đa số có trình độ học vấn thấp, công việc phải thường xuyên tăng ca, ít có điều kiện nâng cao nhận thức pháp luật nên họ không biết cách và không có khả năng bảo vệ cho mình khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nhưng lại không thuộc diện người được hưởng chính sách TGPL miễn phí của Nhà nước. Nhằm tạo điều kiện để mọi người dân tiếp cận với pháp luật, nâng cao sự hiểu biết pháp luật và hoạt động TGPL thật sự được mở rộng đến tất cả các đối tượng, đặc biệt là công nhân nên Trung tâm đã mạnh dạn tham mưu Giám đốc Sở Tư pháp đề xuất UBND tỉnh cho phép thực hiện tư vấn pháp luật cho mọi đối tượng có nhu cầu trên các lĩnh vực (trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại) và đã được UBND tỉnh chấp nhận tại công văn số 395/UBND-NC ngày 20/02/2008. - Tư vấn pháp luật trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Để giúp cho người dân tiếp cận được pháp luật nhanh, không tốn thời gian tập trung, năm 2009, Trung tâm đã tham mưu Giám đốc Sở Tư pháp trình UBND tỉnh chấp thuận cho Trung tâm thực hiện chương trình tư vấn pháp luật trực tiếp trên Đài Truyền hình tỉnh với thời lượng phát sóng là 45 phút tập trung vào những chủ đề mà người dân quan tâm. Kết quả thực hiện thời gian qua cho thấy, đây là hình thức tuyên truyền có hiệu quả, không chỉ giúp cho người được tư vấn hiểu biết pháp luật liên quan đến vấn đề của mình mà còn giúp cho những người khác nâng cao sự hiểu biết pháp luật. - Giỏ pháp luật: Nhằm đẩy mạnh công tác phổ biến thông tin pháp luật, đặc biệt cho đối tượng là công nhân có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu pháp luật, năm 2006 Trung tâm đã tham mưu Giám đốc Sở Tư pháp cho đặt thí điểm 100 giỏ pháp luật tại các khu nhà trọ. Qua quá trình thực hiện, giỏ pháp luật được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ, phát huy tác dụng tích cực trong hoạt động tuyên truyền pháp luật và là một trong những kênh thông tin tốt để đưa pháp luật vào cuộc sống của công nhân lao động nói riêng và tất cả người dân nói chung đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tổng số giỏ pháp luật trong toàn tỉnh là 1.342 giỏ. - Trợ giúp pháp lý lưu động: Do đặc thù của địa phương là tỉnh công nghiệp nên phải tổ chức TGPL lưu động phù hợp với từng đối tượng và thời gian cụ thể thì mới đạt hiệu quả cao. Vì vậy, hàng năm trong kế hoạch hoạt động của mình, Trung tâm luôn chú trọng và đẩy mạnh việc thực hiện TGPL lưu động bằng nhiều hình thức phong phú. Các đợt TGPL lưu động được Trung tâm tổ chức ngay tại khu dân cư, khu nhà trọ, lô cao su và nhiều nơi khác vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hay vào buổi tối đã thu hút đông đảo người dân tham dự và mang lại hiệu quả cao. Từ thực tiễn hoạt động thời gian qua đã chứng minh những giải pháp trên là đúng đắn, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân. Minh chứng cho điều này thể hiện qua kết quả công tác TGPL giai đoạn 2007 – 2011: TGPL được 28.408 vụ việc, tổ chức 655 đợt TGPL lưu động so với giai đoạn 2002 – 2006: TGPL được 2.666 vụ việc, tổ chức 221 đợt TGPL lưu động. Có thể nói hoạt động TGPL của Trung tâm ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng được cơ bản nhu cầu TGPL của người dân cũng như góp phần vào việc tuyên truyền pháp luật, nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức pháp luật của người dân, giải toả những vướng mắc pháp luật của nhân dân, giảm bớt các vụ khiếu kiện vượt cấp, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, tạo niềm tin cho nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trong thời gian tới, tập thể cán bộ, viên chức Trung tâm xác định tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tính năng động và những thành tích đã đạt được để không ngừng tự đổi mới, đề xuất nhiều giải pháp nhằm giúp hoạt động TGPL ngày càng đi vào cuộc sống và Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bình Dương vẫn sẽ là địa chỉ giúp đỡ pháp luật tin cậy dành cho mọi người, mọi nhà./. Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước
Lượt người xem: Views:
1007
Bài viết:
CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN – CẦU NỐI CHUYỂN TẢI PHÁP LUẬT TỚI NGƯỜI DÂN Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, là cầu nối đưa các chính sách pháp luật đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiểu b
Truyền thống ngành
|