1. Tôi đang làm việc tại công ty X và công ty có đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho tôi. Đầu tháng 3/2014, tôi và công ty ký kết hợp đồng mới là hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Mặc dù biết công ty đang rất thiếu nhân sự nhưng do mẹ tôi bị bệnh nặng nên tôi dự định nghỉ việc vào tháng 7 để về quê chăm sóc mẹ. Tôi làm đơn xin nghỉ việc nhưng giám đốc công ty không đồng ý giải quyết cho tôi nghỉ. Hỏi:
* Nếu tôi muốn nghỉ việc mà giám đốc công ty không đồng ý thì tôi có nghỉ việc được không?
* Tính đến nay, tôi đã đóng BHXH được 06 năm, vậy tôi có được hưởng bảo hiểm xã hội một lần không?
Bà Trần Thị Lan A.(Huyện Bàu Bàng)
Trả lời
* Khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp lao động nữ mang thai đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi (có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận) thì thời hạn phải báo trước cho người sử dụng lao động tùy thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.
Theo quy định trên, bà có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với công ty X mà không cần sự đồng ý của Giám đốc công ty. Tuy nhiên, bà phải báo cho công ty X biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp bà đang mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì thời hạn báo trước theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
* Điểm c Khoản 1 Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội quy định người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, bà sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu sau một năm kể từ ngày bà nghỉ việc mà bà không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội. Mức hưởng của bà được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội (Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội), nghĩa là bà sẽ được hưởng 9 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội.
2. Ngày 10/8/2013, tôi có cho bà Trần Thị H thường trú tại phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương vay 300 triệu đồng (có hợp đồng vay tiền, thời hạn vay là 06 tháng). Đến nay đã quá thời hạn trả nợ theo hợp đồng mà bà H không trả tiền cho tôi cả gốc lẫn lãi. Vậy tôi phải làm gì để đòi lại số tiền đã cho bà H vay?
Ông Nguyễn Văn A (TP.Thủ Dầu Một)
Trả lời:
Điều 474 Bộ luật Dân sự quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:
“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
4. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.
5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.”
Căn cứ vào Điều 474 Bộ luật Dân sự thì bà H có nghĩa vụ trả đủ số tiền gốc và lãi suất cho ông khi hết hạn hợp đồng. Đã quá thời hạn theo hợp đồng vay tiền mà bà H không thực hiện việc trả nợ cho ông thì bà H đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật, lúc này giữa ông và bà H đã phát sinh tranh chấp về hợp đồng vay tiền.
Nhằm tạo điều kiện cho bà H trả nợ, trên cơ sở thương lượng của hai bên, ông nên chủ động gặp bà H và thỏa thuận lại thời gian, phương thức trả nợ. Nếu thỏa thuận về việc trả nợ không thành, trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, ông có quyền gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, nơi bà H đang cư trú, yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tiền buộc bà H phải trả nợ cho ông.
(Điều 427 Bộ luật Dân sự; Khoản 3 Điều 25, Điểm a Khoản 1 Điều 33, Điểm a Khoản 1 Điều 35, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011).
3. Tôi có cho bà Nguyễn Thị H vay 800 triệu đồng, hai bên có làm hợp đồng vay tiền. Bà H nói rằng vay tiền của tôi là vay dùm cho ông S và ông S cũng biết việc này. Hiện nay bà H vỡ nợ, không có khả năng trả nợ cho tôi trong khi ông S có tài sản là nhà và đất nên tôi muốn ông S phải trả nợ cho tôi số tiền mà bà H đã vay. Tôi có thể khởi kiện yêu cầu ông S trả nợ được không?
Bà Phạm Thị N (Thị xã Bến Cát)
Trả lời:
Hợp đồng vay tiền giữa bà với bà H và giữa bà H với ông S là hai mối quan hệ pháp lý khác nhau. Giữa bà với ông S không có thỏa thuận hợp đồng vay tiền với nhau, không bị ràng buộc nhau về mặt pháp lý nên bà không thể khởi kiện yêu cầu ông S phải có nghĩa vụ trả nợ cho bà. Bà phải yêu cầu bà H – người vay tiền thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bà theo quy định tại Điều 474 Bộ luật Dân sự.
Căn cứ vào Điều 427 Bộ luật Dân sự; Khoản 3 Điều 25, Điểm a Khoản 1 Điều 33, Điểm a Khoản 1 Điều 35, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 và để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong thời hạn 02 năm kể từ ngày hết hạn hợp đồng, bà H không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, bà có quyền gửi đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bà H đang cư trú, yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tiền buộc bà H phải trả nợ cho bà./.