Hỗ trợ pháp lý
Thứ 2, Ngày 23/11/2020, 10:00
Thực tiễn thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2020, một số vướng mắc, bất cập khi thực hiện và đề xuất, kiến nghị đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
23/11/2020

​     1. Khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương

​     Tỉnh Bình Dương được tái lập từ ngày 01/01/1997, là một tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có diện tích tự nhiên 2.694.6 km2, dân số 2.456,3 nghìn người, mật độ dân số 912 người/km2 (theo số liệu của Tổng cục thống kê cập nhật ngày 30/7/2020)

Là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển công nghiệp năng động của cả nước. Năm 2019, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 9,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 146,9 triệu đồng; cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp –thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỉ trọng tương ứng là 66,8% - 22,4% - 2,6% - 8,2%.

Hiện nay, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp, diện tích 12.670 ha , tỷ lệ cho thuê đất đạt 84,5% và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 790 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 67,4%. Toàn tỉnh hiện có 47.583 doanh nghiệp, tổng vốn 424 ngàn tỷ đồng; có 3.909 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn 35,2 tỷ đô la Mỹ.

​     2. Kết quả thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2010-2020

​     Để tổ chức triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hàng năm Sở Tư pháp Bình Dương đều tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (năm 2020, tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý do doanh nghiệp vừa và nhỏ), trong đó chỉ đạo và phân công các sở, ban, ngành tỉnh; Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quán triệt chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều hình thức, nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành và tình hình thực tiễn tại địa phương; xây dựng kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gắn với kế hoạch năm của ngành, địa phương. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Trong giai đoạn 2010-2020, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt được một số kết quả nổi bật như sau:

​     - Quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật: Thực hiện Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Sở Tư pháp thường xuyên rà soát, cập nhật kịp thời, đầy đủ nội dung, hiệu lực thi hành của các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành lên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh còn được đăng tải trên trang thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của các sở, ngành tỉnh. Qua đó, góp phần minh bạch hệ thống pháp luật của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, áp dụng pháp luật của người dân và doanh nghiệp.

​     - Công tác tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn pháp luật cho người dân, doanh nghiệp:

Ngoài các hình thức tuyên truyền miệng, cấp phát tài liệu, tờ gấp pháp luật miễn phí cho doanh nghiệp, khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp...; Sở Tư pháp còn phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tỉnh, Báo Bình Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương tổ chức thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, cụ thể như: Chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua tiết mục "Pháp luật và Cuộc sống" phát sóng định kỳ hàng tháng; chuyên mục "Theo dòng thời sự", chương trình "Tư vấn pháp luật trực tiếp trên sóng FM"; xây dựng nội dung "Chạy chữ chân Chương trình Thời sự BTV1" và chạy chữ trên bảng thông tin điện tử trên các tuyến đường; Chương trình "Hộp thư truyền hình" để giải đáp các thắc mắc pháp luật của doanh nghiệp; Trang "Thông tin pháp luật" của Báo Bình Dương cung cấp nhiều tin, bài về những văn bản pháp luật mới, giải đáp nhiều câu hỏi pháp luật mà doanh nghiệp gửi đến Tòa soạn.

​     Thực hiện Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung các dự án của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2012-2014". Trên cơ sở các văn bản triển khai thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương: Quyết định số 2575/QĐ-UBND ngày 17/10/2014 của UBND tỉnh "Về việc ban hành Phương án tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật về thủ tục hành chính, tư vấn xúc tiến đầu tư và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại khu hành chính mở của Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương"; Quyết định số 4370/QĐ-UBND ngày 30/12/2014 của UBND tỉnh "Về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ tư vấn về thủ tục hành chính và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp". Trên cơ sở ủy quyền của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã ban hành Quyết định số 22/QĐ-STP ngày 30/01/2015 về việc thành lập Tổ Tư vấn về thủ tục hành chính và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp,...Theo đó, phân công Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thuộc Sở Tư pháp là thành viên thường trực của Tổ Tư vấn, các Tư vấn viên thuộc Sở Tư pháp thực hiện trực tư vấn tại Khu hành chính một cửa Tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh 05 ngày/tuần, mỗi ngày có 02 Tư vấn viên trực tư vấn; đối với các Tư vấn viên thường trực thuộc các sở, ban, ngành tỉnh trực tư vấn 05 ngày/tuần tại trụ sở làm việc của cơ quan, đảm bảo mỗi ngày làm việc có ít nhất là 01 Tư vấn viên trực tư vấn. Tư vấn thực hiện với nhiều hình thức như: tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại và qua thư điện tử trên nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, chủ yếu thuộc lĩnh vực đầu tư, thuế, bảo hiểm xã hội, hải quan, đất đai, tài nguyên, môi trường, xác lập quyền sở hữu công nghiệp... Sau gần 06 năm chính thức đi vào hoạt động, tổng số vụ việc tư vấn thủ tục hành chính và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua Tổ tư vấn về thủ tục hành chính và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là 1.557 trường hợp cá nhân và doanh nghiệp.

​     Để làm tốt việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong thời gian qua, việc giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp luôn được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm. Vì đây là cầu nối giữa cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp, nhằm giải đáp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, các ngành chức năng của tỉnh như Cục Thuế, Cục Hải quan, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ… đã giải đáp nhiều câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến pháp luật qua điện thoại đường dây nóng, qua mục ý kiến người dân trên trang tin điện tử của ngành, qua cán bộ tiếp dân … Qua đó, nhiều hình thức hỗ trợ pháp lý đã được thực hiện mang lại hiệu quả tích cực cho môi trường đầu tư của địa phương, giúp doanh nghiệp nhiều lợi ích thiết thực. Phát huy kết quả này, mới Ủy ban nhân dân tỉnh đã chấp thuận cho Báo Bình Dương phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức thực hiện chương trình tư vấn thủ tục hành chính, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên báo Bình Dương, báo điện tử và trên ấn phẩm Cung & Cầu của Báo Bình Dương. Năm 2015, báo đã mở chuyên mục giải đáp các thắc mắc liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mở chuyên mục tư vấn pháp luật trên báo Bình Dương điện tử để doanh nghiệp tiện tra cứu, tham khảo nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật, thông tin về tỉnh Bình Dương.

​     ​Cùng với việc đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công, giao diện mới của website tỉnh được xem là tiếng nói và địa chỉ cung cấp những thông tin chính thức liên quan đến tất cả các hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền tỉnh Bình Dương, tạo thêm kênh giải quyết các vướng mắc liên quan đến các hoạt động trong đời sống xã hội, nhất là giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao mức độ hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp đối với chính quyền tỉnh Bình Dương, tiến tới xây dựng nền hành chính phục vụ, công khai, minh bạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và để tạo bước đột phá trong cải cách hành chính và tạo cầu nối hữu hiệu giữa người dân và doanh nghiệp với chính quyền tỉnh Bình Dương, ngày 24/11/2019, Hệ thống đường dây nóng tỉnh Bình Dương 1022 chính thức đi vào hoạt động; trong đó, một trong những lĩnh vực được tiếp nhận, xử lý qua Hệ thống đường dân nóng 1022 là giải đáp thủ tục hành chính, hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính. Những cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính không phù hợp với thực tế, không đồng bộ, không thống nhất, không hợp pháp hoặc trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Khi người dân, doanh nghiệp muốn làm thủ tục hành chính nào đó mà không biết quy trình nộp hồ sơ, hồ sơ gồm những gì có thể liên hệ đến đường dây nóng 1022 để được giải đáp, hướng dẫn cụ thể. Song song đó, Hệ thống đường dây nóng cũng tiếp nhận các vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp để cơ quan Nhà nước biết được tình trạng xử lý hồ sơ như thế nào, trên cơ sở đó sẽ có chỉ đạo cụ thể giải quyết các vướng mắc. Để bảo đảm cho hệ thống đường dây nóng 1022 ở Bình Dương được thông suốt và phục vụ người dân 24/24 giờ trong 7 ngày/tuần, bộ phận tiếp nhận thông tin được bố trí gồm gần 20 nhân viên chia nhau túc trực 3 ca/ ngày, mỗi ca gồm 6 nhân viên. Cùng với đó, thời gian qua, các sở, ban, ngành đã hỗ trợ bộ phận tiếp nhận thông tin hệ thống đường dây nóng trong khâu đào tạo toàn diện cho nhân viên tiếp nhận trong nhiều tháng trước khi vận hành chính thức hệ thống đường dây nóng,người được chọn tiếp nhận thông tin đường dây nóng cũng hội đủ các điều kiện, tố chất chuyên môn. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, Hệ thống đường dây nóng 1022 đã tiếp nhận được 3.938 yêu cầu, phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức; trong đó, có 1.055 yêu cầu phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính cho 47 đầu mối của các sở, ban, ngành, địa phương (số giải đáp thỏa đáng là 760 yêu cầu, đạt tỷ lệ 72%).

​     - Hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Trong năm 2019, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương cũng đã phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế hơn 60 đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong khuôn khổ Hội nghị, các báo cáo viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam và Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các chuyên đề về Pháp luật về đầu tư quốc tế, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Qua hội nghị tập huấn góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế giúp cho việc nắm bắt, áp dụng các quy định pháp luật về phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế được thống nhất, kịp thời và hiệu quả trong thời gian tới. Trong năm 2020,  tại Bình Dương, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tập huấn "Kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế" cho công chức, viên chức các cơ quan nhà nước và một số doanh nghiệp ở địa phương các tỉnh phía Nam; tại khóa tập huấn, các báo cáo viên đến từ Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp sẽ triển khai một số kiến thức chuyên sâu về cam kết, pháp luật đầu tư, phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trong điều kiện Việt Nam là thành viên các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và cách thức ứng phó dành cho công chức, viên chức các cơ quan nhà nước ở địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để giảm tranh chấp đầu tư quốc tế.

​     3. Những thuận lợi, khó khăn

​     Với quan điểm, chủ trương nhất quán tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn và luôn quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tỉnh Bình Dương, trong nhiều năm qua Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp chính quyền tỉnh Bình Dương rất quan tâm đến hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhiều hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được triển khai, thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực đối với môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận thấy ích lợi của việc nắm bắt, tuân thủ các quy định pháp luật nên đã quan tâm đến các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, qua đó đã góp phần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với người quản lý doanh nghiệp.

​     Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở Bình Dương trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, tồn tại:

​     Thứ nhất, khung pháp lý phục vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa đầy đủ, chưa thật sự đáp ứng được sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp. Sự biến động, thay đổi liên tục của các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp phần nào gây khó khăn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, tiếp cận và hệ thống các văn bản để triển khai thực hiện, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa được thực hiện một cách đồng bộ và có hệ thống.

​     Thứ hai, đội ngũ công chức, viên chức làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn ít về số lượng, đa số thực hiện công tác là kiêm nhiệm, ít về kinh nghiệm, chưa thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thức pháp luật và kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhiệm vụ tăng, áp lực công việc nhiều, còn có công chức, viên chức nghỉ việc nên chất lượng tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa đồng đều; chưa rõ đầu mối triển khai thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở các sở, ngành tỉnh.

​     Thứ ba, kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế, trang thiết bị phục vụ công tác tư vấn tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả - Trung tâm Hành chính tỉnh chưa đầy đủ.

​     Thứ tư, hoạt động hỗ trợ pháp lý đối với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả chưa cao, chưa thu hút được sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn, hầu hết đều sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên nghiệp hoặc có bộ phận pháp chế hoặc thuê luật sư để cung cấp dịch vụ pháp lý, ít có nhu cầu hỗ trợ pháp lý từ các cơ quan nhà nước.

​     Thứ năm, việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều mặt hạn chế, một phần do nhận thức về vai trò, ý nghĩa pháp luật của một số chủ doanh nghiệp, chưa tạo điều kiện cho Báo cáo viên, Tư vấn viên, Tuyên truyền viên vào doanh nghiệp để tư vấn, tuyên truyền, chưa có thói quen sử dụng tư vấn pháp luật để áp dụng, thi hành và phòng, chống rủi ro trong kinh doanh; các doanh nghiệp tham dự hội thảo, hội nghị còn ít, chưa được chú trọng. Doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ, bản quyền của doanh nghiệp, chỉ đến khi nào quyền lợi của doanh nghiệp bị bên thứ hai xâm phạm hoặc bị bên thứ hai khuyến cáo  hành vi vi phạm quyền của người khác thì doanh nghiệp mới tìm hiểu và bảo vệ bằng nhiều cách khác nhau.

 ​     Thứ sáu, hiện nay, tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp đã được công khai, minh bạch; đối với các thủ tục đơn giản,thì người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu, thực hiện nên không cần sự tư vấn, hỗ trợ. Đối với những thủ tục phức tạp, thành viên thường trực tại Tổ tư vấn thủ tục hành chính của tỉnh (là viên chức của Trung tâm Trợ giúp pháp lý) sẽ khó có thể tư vấn, hướng dẫn được cho doanh nghiệp mà cần có sự hỗ trợ, phối hợp của các Sở chuyên ngành nên quá trình hỗ trợ, tư vấn sẽ mất nhiều thời gian.

​     * Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại:

​     - Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ngày càng nhiều với số lượng lớn, lại liên tục được sửa đổi, bổ sung nên doanh nghiệp khó nắm bắt. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật vẫn còn tình trạng thiếu cụ thể, chưa rõ ràng, nhiều văn bản thiếu tính khả thi, còn có sự trùng lặp, chồng chéo thậm chí mâu thuẫn nhau; tính ổn định của hệ thống pháp luật chưa cao.

​     - Một số sở, ngành tỉnh chưa chủ động, sáng tạo, tích cực đổi mới trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nội dung, hình thức chưa đa dạng; hầu hết sở, ngành đều triển khai các kế hoạch, giải pháp để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi lĩnh vực chuyên ngành của mình nhưng chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Nên hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa được thực hiện một cách đồng bộ và có hệ thống.

​     - Nhu cầu được hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay là rất lớn; tuy nhiên, nhân lực của Sở Tư pháp và tổ chức pháp chế của các cơ quan chuyên môn nói chung còn thiếu, chưa có nhiều kinh nghiệm và mô hình hay trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp ở các sở, ngành phần lớn kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, hạn chế về ngoại ngữ và kiến thức pháp luật quốc tế nên gặp khó khăn khi hỗ trợ cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hỗ trợ nội dung liên quan đến thương mại quốc tế.

​     - Một bộ phận doanh nghiệp chưa nhận thấy được các lợi ích khi tham gia các chương trình hỗ trợ pháp lý cho nên chưa tích cực tham gia; phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa bố trí cán bộ phụ trách công tác pháp chế hoặc chỉ có cán bộ kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản, do đó, việc tiếp cận và hiểu các văn bản pháp luật rất khó khăn, hạn chế... Việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều mặt hạn chế, một phần do nhận thức về vai trò, ý nghĩa pháp luật của một số chủ doanh nghiệp, chưa có thói quen sử dụng tư vấn pháp luật để áp dụng, thi hành và phòng, chống rủi ro trong kinh doanh.

​     4. Đề xuất, kiến nghị đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025

​     a) Về thể chế, chính sách:

​     Kiến nghị Trung ương sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và hướng dẫn về biên chế để kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức pháp chế cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhằm tạo sự thống nhất, đảm bảo cơ sở pháp lý để củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động, cũng như đảm bảo chế độ làm việc, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, qua đó phát huy trách nhiệm năng lực của đội ngũ này trong thực hiện hiệu quả nhiệm vụ làm đầu mối triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại cơ quan, đơn vị.

​     b) Về đào tạo, bồi dưỡng:

​     Kiến nghị các Bộ, ngành tiếp tục tổ chức triển khai các khóa tập huấn về kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cho địa phương. Trong đó, trang bị kiến thức pháp luật và kỹ năng, phương pháp để tổ chức triển khai các nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hỗ trợ pháp lý về kinh doanh thương mại quốc tế, nhằm nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn, hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng cẩm nang pháp luật cho doanh nghiệp, cẩm nang kỹ năng và nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế.

​     c) Về bộ máy, nhân sự:

​     Thành lập Tổ chuyên trách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương, có bù đắp chi phí, tạo tính chuyên nghiệp, chất lượng tư vấn, hỗ trợ pháp lý. Qua đó, đào tạo đội ngũ cán bộ làm việc tại Tổ chuyên trách này có kiến thức pháp lý và kỹ năng chuyên nghiệp để thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

​     d) Về kinh phí:

​     Bố trí kinh phí, trang bị đầy đủ các trang thiết bị, vật tư văn phòng cần thiết cho hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, nhất là hoạt động tư vấn của Tổ tư vấn thủ tục hành chính và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả - Trung tâm Hành chính tỉnh.

​     e) Các vấn đề khác:

​     - Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về hoạt động của Tổ tư vấn đến các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp.

​     - Tăng cường hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp về công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp.

​     ​- Hỗ trợ tài liệu, chuyên gia về các lĩnh vực pháp luật có liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp…, nhất là thông tin pháp luật bằng tiếng nước ngoài và tiếng Việt (song ngữ) để giúp địa phương triển khai có hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp./.

Lượt người xem:  Views:   1195
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin mới nhất

Tác giả

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Ảnh
Video
Audio