Hộ tịch
Thứ 5, Ngày 20/12/2018, 15:00
Thực tiễn triển khai quy định pháp luật về hộ tịch trong mối liên hệ với quy định về quyền nhân thân trong Bộ luật dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Nuôi con nuôi; quy định về xác định quốc tịch trong Luật Quốc tịch Việt Nam
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
20/12/2018 | Phòng HCTP&QLXLVPHC

Luật Hộ tịch năm 2014 có hiệu lực thi hành đã có nhiều điểm mới mang tính đột phá, cải cách mạnh mẽ công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung. Luật quy định việc cấp Số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh; xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân và kết nối, cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... 

Qua 03 năm triển khai cho thấy, Luật hộ tịch năm 2014 đã tạo cơ sở pháp lý để người dân được công nhận các quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân và để Nhà nước bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của họ, có biện pháp quản lý dân cư một cách khoa học, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. 

I. Khái quát về các quyền nhân của cá nhân trong các văn bản pháp luật có liên quan đến hộ tịch

1. Bộ luật dân sự

image_d5c81yjmhs.jpg

 Việc đăng ký hộ tịch đã tạo cơ sở pháp lý bảo đảm một số quyền nhân thân cơ bản của cá nhân (như quyền đối với họ tên, quyền thay đổi họ tên, quyền xác định dân tộc, quyền được khai sinh, quyền kết hôn… đã được ghi nhận trong Bộ Luật Dân sự). Thông qua việc đăng ký khai sinh đã bảo đảm quyền được khai sinh, một trong những quyền quan trọng đầu tiên của trẻ em theo tuyên bố tại Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em: "Trẻ em phải được đăng ký ngay lập tức sau khi sinh ra và có quyền ngay từ khi ra đời, có họ tên, có quốc tịch và trong chừng mực có thể, quyền được biết cha mẹ mình là ai và được chính cha mẹ mình chăm sóc"; Tuy nhiên, quyền được khai sinh không phải là quyền riêng có của trẻ em mà là quyền của bất cứ cá nhân nào; theo quy định của Bộ Luật Dân sự thì việc bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch cũng đồng nghĩa với việc bảo đảm quyền nhân thân cơ bản của mỗi cá nhân.

Về quyền nhân thân của cá nhân, hai Luật này đã ghi nhận nhiều quyền con người và quyền công dân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Trong đó có một số quyền cần được công nhận, bảo vệ hoặc tổ chức, thực hiện thông qua thủ tục đăng ký hộ tịch do cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền thực hiện, bao gồm:

– Quyền có họ, tên và thay đổi họ, tên (Điều 26, Điều 27, 28 BLDS năm 2015) được xác nhận thông qua thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch;

– Quyền xác định, xác định lại dân tộc (Điều 29 BLDS) được xác nhận thông qua thủ tục khai sinh hoặc thủ tục xác nhận lại dân tộc;

– Quyền được khai sinh, khai tử (Điều 30 BLDS) được xác nhận thông qua thủ tục khai sinh; khai tử

– Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình (Điều 39 BLDS, các điều 8, 9, LHNGĐ) được xác nhận thông qua thủ tục đăng ký kết hôn;

– Quyền ly hôn (Điều 39 BLDS, Điều 51 LHNGĐ) được xác nhận thông qua thủ tục đăng ký ghi vào sổ bộ hộ tịch, sổ hộ tịch cá nhân về việc ly hôn theo bản án, quyết định có hiệu lực về ly hôn của Tòa án;

– Quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con (Điều 65 LHNGĐ) được xác nhận thông qua thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con hoặc thủ tục đăng ký ghi vào sổ bộ hộ tịch, sổ hộ tịch cá nhân về việc xác định cha, mẹ, con theo bản án, quyết định có hiệu lực về ly hôn của Tòa án;

– Quyền đối với quốc tịch (Điều 31 BLDS) được xác nhận thông qua thủ tục đăng ký khai sinh;

– Quyền về giám hộ và được giám hộ (BLDS, LHNGĐ) được xác nhận thông qua thủ tục đăng ký giám hộ.

2. Luật hôn nhân và gia đình

luat-hon-nhan-va-gia-dinh.jpg

Luật Hộ tịch trong mối quan hệ với Luật HN-GĐ được thể hiện thông qua phạm vi điều chỉnh. Ngoài ra, mối quan hệ còn thể hiện qua nội dung: Luật Hộ tịch là luật hình thức, đồng thời cũng là luật riêng của luật nội dung. Luật HN-GĐ quy định về các quyền, nghĩa vụ về hôn nhân và gia đình; Luật Hộ tịch quy định thủ tục đăng ký hộ tịch nhằm tôn trọng và bảo đảm các quyền, nghĩa vụ đó. Chẳng hạn như qua việc kết hôn và đăng ký kết hôn; Quyền nhận cha mẹ con.

a) Kết hôn và đăng ký kết hôn:

Luật Hộ tịch về cơ bản đã đưa ra được cơ chế để xác định sự tuân thủ điều kiện kết hôn của người có yêu cầu kết hôn khi quy định: về thẩm quyền đăng ký kết hôn và nội dung Giấy chứng nhận kết hôn (Điều 17; Thủ tục đăng ký kết hôn (Điều 18) kết hôn trong nước và Điều 37; Điều 38, kết hôn có yếu tố nước ngoài; thủ tục ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

b) Quyền nhận cha mẹ con (từ Điều 89, 90, 91,92 Luật HN và gia đình)

- Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình.

- Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.

- Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.

- Con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ, không cần phải có sự đồng ý của cha.

- Cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trong trường hợp con đã chết.

- Trong trường hợp người đang có vợ, chồng mà nhận con thì việc nhận con không cần phải có sự đồng ý của người kia.

Luật Hộ tịch quy định về đăng ký nhận cha, mẹ, con: cụ thể là quy định về điều kiện đăng ký nhận cha, mẹ, con; thẩm quyền; trình tự, thủ tục đăng ký (Điều 24, điều 25; Điều 43; Điều 44); thủ tục ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

3. Luật Quốc tịch

Tương tự như những Luật trên, Luật Hộ tịch cũng có mối quan hệ với Luật Quốc tịch, chẳng hạn thông qua nội dung như: 

Quyền đối với quốc tịch: tại Điều 2 Luật Quốc tịch quy định: "1. Ở nước Cộng hoà xã hội chủ  nghĩa Việt Nam, mỗi cá nhân đều có quyền có quốc tịch. Công dân Việt Nam không bị tước quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Luật này….mọi thành viên của các dân tộc đều bình đẳng về quyền có quốc tịch Việt Nam".

Luật Quốc tịch quy định một trong những căn cứ xác định có quốc tịch Việt Nam là Giấy khai sinh (Điều 11 Luật Quốc tịch). Do vậy, để đảm bảo quyền có quốc tịch và ghi nhận quyền có quốc tịch của cá nhân,  Luật Hộ tịch quy định về nội dung đăng ký khai sinh như: "Thông tin của người được đăng ký khai sinh: … quốc tịch; Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú".

- Đối với Thủ tục đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài Điều 36 Luật Hộ tịch quy định:"…Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con. Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân".

4. Luật Nuôi con nuôi

Đăng ký nuôi con nuôi cũng là một loại việc hộ tịch, tuy nhiên, do tính chất đặc thù nên việc nuôi con nuôi được điều chỉnh bởi Luật Nuôi con nuôi và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật này với những quy định khá khác biệt về trình tự, thủ tục đăng ký. Mặc dù, việc nuôi con nuôi được đăng ký theo trình tự, thủ tục riêng, tuy nhiên, quá trình giải quyết thủ tục đăng ký nuôi con nuôi cũng như giải quyết yêu cầu thay đổi thông tin trong giấy tờ hộ tịch của trẻ em được nhận làm con nuôi có sự liên hệ chặt chẽ với nhau thông qua thủ tục đăng ký nuôi con nuôi trong trường hợp con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi mà phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh đang lưu giữ tại Ủy ban nhân dân cấp xã còn để trống; thủ tục thay đổi thông tin về cha mẹ trong giấy khai sinh của con nuôi; Ghi chú việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài;…

II. Thực tiễn thi hành pháp luật hộ tịch với việc bảo đảm/bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân

1. Kết quả cụ thể: Kể từ khai thực hiện Luật Hộ tịch đến nay, cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã giải quyết:

- Trong nước:

+ Đăng ký khai sinh: 96.851 trường hợp (trong đó, năm 2016: 25.235; năm 2017: 26.639 và năm 2018 là: 44.977 trường hợp);

+ Đăng ký khai tử: 18.105 trường hợp (trong đó, năm 2016: 5946; năm 2017: 6460 và năm 2018: 5699 trường hợp);

+ Đăng ký kết hôn: 25.453 trường hợp (trong đó, năm 2016: 8231; năm 2017: 8887 và năm 2018: 8335 trường hợp);

  • Có yếu tố nước ngoài:


    + Đăng ký khai sinh: 352 trường hợp;


    + Đăng ký khai tử: 49 trường hợp;


    + Đăng ký kết hôn: 607 trường hợp.


    Các việc hộ tịch khác như: đăng ký nhận, cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính,bổ sung hộ tịch (Có bảng phụ lục kèm theo).


    2. Những khó khăn, vướng mắc


    a) Những quy định của BLDS với Luật Hộ tịch:


    - Về việc đặt tên, khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định: Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Như vậy, trường hợp trẻ em có một bên cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, bên còn lại là người nước ngoài, nếu cha mẹ thỏa thuận lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con thì khi đăng ký khai sinh, tên của trẻ cũng phải là tên gọi Việt Nam. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là tên bằng "tiếng Việt" hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam thì chưa có quy định hướng dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật, gây khó khăn cho cả công chức làm công tác hộ tịch và người dân.


    - Đăng ký giám sát giám hộ: Hiện tại, Luật Hộ tịch chưa quy định thủ tục đăng ký giám sát việc giám hộ theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Dân sự năm 2015.


    - Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh và đăng ký khai tử trong trường hợp trẻ em sinh ra sống được trong vòng 24 giờ rồi chết.


    b) Những quy định của Luật Hôn nhân và gia đình với Luật Hộ tịch:


    - Tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định"Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.


    Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.


    Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.


    Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.


     Về nguyên tắc, trẻ em được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân được xác định là con chung của vợ chồng, kể cả trong trường hợp 03 bên vợ, chồng và người thứ 3 thống nhất không thừa nhận đứa trẻ đó là con của cặp vợ chồng, mà là con của người vợ và người thứ 3; do đó, khi ĐKKS, phần thông tin về cha, mẹ vẫn phải ghi thông tin của người mẹ và người chồng (pháp lý) của người mẹ.


    Trong trường hợp người chồng của mẹ không thừa nhận trẻ em đó là con của mình hoặc người mẹ không thừa nhận người chồng là cha của đứa trẻ thì cần yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha - con theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, thời gian qua, yêu cầu xác định cha cho con trong trường hợp này thường bị Tòa án từ chối giải quyết hoặc có tòa thụ lý, có tòa không thụ lý với lý do không có tranh chấp, khiến người dân phải đi lại nhiều lần giữa cơ quan đăng ký hộ tịch và cơ quan Tòa án.


    c) Quy định của Luật Nuôi con nuôi với Luật Hộ tịch


    - Tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi : "Trường hợp có sự thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi, sự đồng ý của con nuôi từ 9 tuổi trở lên về việc thay đổi phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi; thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh cho trẻ em đăng ký khai sinh lại cho con nuôi và thu hồi Giấy khai sinh cũ; tại cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ là cha mẹ nuôi.". Tuy nhiên, tại Điều 24 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP "Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại". Do đó, việc thu hồi hủy bỏ để đăng ký lại nhằm mục đích thay đổi phần khai về cha, mẹ ruột sang cha, mẹ nuôi là không thể thực hiện được theo Luật Hộ tịch (vì Sổ và bản chính Giấy khai sinh vẫn còn).


    - Việc thay đổi thông tin về cha mẹ trong giấy khai sinh của con nuôi


    Theo quy định tại Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi thì việc thay đổi phần khai về cha mẹ trong giấy khai sinh và sổ ĐKKS của con nuôi, trước đây, được thực hiện nếu có sự thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi, sự đồng ý của con nuôi từ 09 tuổi trở lên thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã ĐKKS cho trẻ em thu hồi giấy khai sinh và thực hiện ĐKKS lại với các thông tin mới cho trẻ em; tại cột ghi chú của sổ ĐKKS phải ghi rõ là cha mẹ nuôi. Tuy nhiên, hiện tại pháp luật hộ tịch không quy định việc thu hồi lại giấy khai sinh cũ và thực hiện việc ĐKKS lại với sự thay đổi phần khai về cha, mẹ của trẻ em (theo cha, mẹ nuôi).


     Trường hợp cha mẹ nuôi có yêu cầu thay đổi phần khai về cha mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký thì thực hiện theo trình tự, thủ tục thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật hộ tịch. Sau khi thực hiện thủ tục thay đổi hộ tịch và được cấp trích lục thay đổi hộ tịch, cơ quan ĐKHT sẽ ghi những nội dung thay đổi vào mặt sau giấy khai sinh. Việc thực hiện quy định này có bất lợi là không bảo đảm giữ bí mật thông tin đối với trẻ em được nhận làm con nuôi, khi sử dụng bản chính giấy khai sinh với những thông tin về cha mẹ đẻ ghi ở mặt trước, thông tin về cha mẹ nuôi ghi ở mặt sau dễ dẫn đến tâm lý mặc cảm, tự ti của trẻ mặc dù pháp luật hộ tịch có quy định, sau khi thực hiện việc thay đổi, ghi thông tin thay đổi vào sổ ĐKKS, trẻ sẽ được cấp trích lục khai sinh với các thông tin đã được thay đổi, việc sử dụng trích lục khai sinh này sẽ đáp ứng được nguyện vọng giữ bí mật thông tin về quan hệ nuôi con nuôi.


    d) Luật Quốc tịch với Luật Hộ tịch


    Luật Quốc tịch chưa có quy định về hình thức có quốc tịch Việt Nam đối với trường hợp trẻ em có cả cha và mẹ là công dân Việt Nam, được sinh ra ở nước ngoài. Đã có quốc tịch nước ngoài theo nơi sinh


    Theo quy định tại Điều 15 Luật Quốc tịch quy định: "Quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha mẹ là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam". Tuy nhiên, việc trẻ có quốc tịch Việt Nam thông qua hình thức nào thì pháp luật chưa có quy định cụ thể, dẫn đến cơ quan đăng ký hộ tịch còn lúng túng khi giải quyết yêu cầu của công dân. Ví dụ: Đối với trường hợp trẻ em sinh ra tại Hoa Kỳ (quốc gia xác định nơi sinh theo nguyên tắc lãnh thổ), có cả cha và mẹ là công dân Việt Nam khi đứa trẻ này được đăng ký khai sinh tại Hoa Kỳ, trong Giấy khai sinh, ghi quốc tịch Hoa Kỳ.  Trong khi đó, theo Luật Quốc tịch Việt Nam áp dụng nguyên tắc xác định quốc tịch Việt Nam theo huyết thống. Vì vậy, cha mẹ trẻ đã đến cơ quan đăng ký hộ tịch yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ trong đó ghi quốc tịch của trẻ em là quốc tịch Việt Nam. Trong trường hợp này, trẻ em đương nhiên có quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ, việc có quốc tịch Hoa Kỳ (theo nơi sinh) không làm mất đi quyền có quốc tịch Việt Nam của trẻ. Tuy nhiên, do pháp luật quốc tịch, hộ tịch chưa có quy định cụ thể đối với trường hợp này này nên trong thực tế, các cơ quan đăng ký hộ tịch còn lúng túng, việc giải quyết còn chưa có sự thống nhất (đăng ký khai sinh, ghi quốc tịch Việt Nam cho trẻ vận dụng ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh của trẻ, mục quốc tịch ghi quốc tịch Việt Nam.


    III. Đề xuất giải pháp và kiến nghị

Để thực tiễn triển khai quy định pháp luật về hộ tịch trong mối liên hệ với quy định về quyền nhân thân trong Bộ luật dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Nuôi con nuôi; Luật Quốc tịch, kiến nghị những nội dung sau:

- Bổ sung quy định về thủ tục đăng ký giám sát việc giám hộ cho thống nhất với quy định của BLDS năm 2015;

 - Đề nghị phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao có chỉ đạo hoặc hướng dẫn thống nhất trong ngành về việc thụ lý yêu cầu xác định cha cho con trong trường hợp có "tranh chấp";

- Bổ sung quy định trong Luật Hộ tịch về việc thu hồi lại giấy khai sinh cũ và thực hiện việc ĐKKS lại với sự thay đổi phần khai về cha, mẹ của trẻ em (theo cha, mẹ nuôi);

- Để đảm bảo được nguyện vọng giữ bí mật thông tin về quan hệ nuôi con nuôi, đề nghị xem xét cho cấp lại bản chính Giấy khai sinh trong trường hợp cha mẹ nuôi có yêu cầu thay đổi phần khai về cha mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký thay vì việc ghi thông tin thay đổi vào sổ ĐKKS và Giấy khai sinh (bản chính) và trẻ sẽ được cấp trích lục khai sinh như hiện nay;

- Cần sớm quy định, hướng dẫn việc xác định quốc tịch trong trường hợp có xung đột pháp luật với quốc tịch nước ngoài.

          Trên đây là một số nội dung liên đến thực tiễn triển khai quy định pháp luật về hộ tịch trong mối liên hệ với quy định về quyền nhân thân trong Bộ luật dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Nuôi con nuôi; quy định về xác định quốc tịch trong Luật Quốc tịch Việt Nam.​

Lượt người xem:  Views:   7442
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin mới nhất

Tác giả

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Ảnh
Video
Audio