Ngày 23/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 (Chương trình CRVS – Civil registration and Vital Statistics). Tính đến nay, Chương trình CRVS đã được triển khai thực hiện được gần 05 năm trên toàn quốc, với sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành có liên quan ở Trung ương và tất cả các địa phương.
Để đánh giá kết quả tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trong thời gian qua, đồng thời nhận diện những khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề ra giải pháp bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ trong giai đoạn còn lại của Chương trình CRVS, trong khuôn khổ hợp tác với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) đã tổ chức Hội thảo "Đánh giá kết quả 5 năm triển khai Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024".
Hội thảo được tổ chức vào ngày 23/11/2021 theo hình thức trực tuyến, tập trung tại điểm cầu Hà Nội, có kết nối trực tuyến với các điểm cầu của 29 Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội thảo do Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đồng chủ trì.
Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan Trung ương như Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và đầu tư (Tổng cục Thống kê), Bộ Ngoại giao, một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế; Cục Kế hoạch tài chính; Cục Công nghệ thông tin; Cục Con nuôi) và đại diện Sở Tư pháp thành phố Hà Nội. Tham dự Hội thảo ở đầu cầu nước ngoài có ông Romain Santon, Phó Giám đốc phụ trách Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tổ chức Vital Strategies. Đại diện các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng thế giới (World Bank), Quỹ Nhi đồng (UNICEF), Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), đại diện EU, Tổ chức Family International Health (FHI360) cũng được mời tham dự.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu: (i) Đánh giá kết quả 5 năm triển khai thực hiện Chương trình CRVS trên toàn quốc; (ii) Chia sẻ nội dung Báo cáo kết quả rà soát khuôn khổ pháp lý về đăng ký và thống kê hộ tịch; Báo cáo đề xuất quy trình cải tiến thống kê khai sinh, khai tử; (iii) Thông tin tóm tắt kết quả tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (lần thứ 2) về đăng ký và thống kê hộ tịch (được tổ chức theo hình thức trực tuyến diễn ra từ ngày 16-19/11/2021 tại Bangkok, Thái Lan) và (iv) thảo luận một số giải pháp bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ trong giai đoạn còn lại của Chương trình CRVS.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định quyền đăng ký hộ tịch là quyền nhân thân cơ bản của con người. Về cơ bản, pháp luật hộ tịch của Việt Nam đã thừa nhận và bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch cho tất cả mọi người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt về quốc tịch, dân tộc, tôn giáo hay nơi cư trú; bảo đảm mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân được đăng ký đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan và chính xác. Trên tinh thần đó, mỗi năm có hàng triệu trẻ em được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân. Tỷ lệ đăng ký khai sinh ở Việt Nam trong các năm qua luôn đạt trên 98%.
Để đạt được những mục tiêu quan trọng đặt ra trong Chương trình CRVS, trong suốt 05 năm vừa qua, công tác đăng ký hộ tịch đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện khá đồng bộ của các cấp, các ngành và có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Thể chế đăng ký, quản lý hộ tịch cơ bản đã đầy đủ; phương thức đăng ký, quản lý hộ tịch thông qua việc bước đầu xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đã hình thành, với trọng tâm là Phần mềm đăng ký hộ tịch điện tử dùng chung miễn phí đã được triển khai thống nhất tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; năng lực của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch các cấp từng bước được kiện toàn và nâng cao chất lượng; nhận thức của người dân về quyền lợi, trách nhiệm trong đăng ký hộ tịch, nhận thức của cơ quan, tổ chức, xã hội về ý nghĩa, vai trò của đăng ký, thống kê hộ tịch được nâng lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, Thứ trưởng nhận định công tác đăng ký, thống kê hộ tịch còn gặp những khó khăn, thách thức như: hệ thống pháp luật về hộ tịch, quốc tịch tuy đã được ban hành đầy đủ, nhưng chưa có các quy định riêng phù hợp để giải quyết đăng ký hộ tịch, xác định quốc tịch cho nhóm dân cư khó tiếp cận, dễ bị tổn thương; nguồn lực triển khai Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch còn hạn chế; năng lực của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, trong các đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy khả năng ứng phó trong công tác đăng ký hộ tịch thông qua phương thức trực tuyến còn nhiều lúng túng, hạn chế.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị Hội thảo tập trung đánh giá một cách khách quan, toàn diện các kết quả 5 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch, đồng thời nhận diện đầy đủ những khó khăn, thách thức đang đặt ra để có những giải pháp khả thi, hiệu quả nhằm thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình hành động trong những năm còn lại. Qua đó, khẳng định sự hội nhập, vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực trong hoạt động bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch của người dân nói riêng, quyền cơ bản của con người nói chung nhằm hướng đến mục tiêu "Không ai bị bỏ lại phía sau".
Hội thảo đã cung cấp những thông tin, điểm lại những dấu ấn quan trọng trong 05 năm nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình CRVS. Theo đó, với vai trò là Cơ quan đầu mối quốc gia về CRVS, Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) đã chủ trì, phối hợp, đôn đốc các Bộ, ngành có liên quan ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) triển khai thực chất, có hiệu quả Chương trình CRVS; đưa việc triển khai Chương trình CRVS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của ngành Tư pháp; tham gia và cung cấp các kết quả triển khai đáng khích lệ của Việt Nam tại các diễn đàn, Hội thảo, hoạt động của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đặc biệt, kết quả đáng chú ý nhất đó là việc hiện đại hóa từng bước phương thức đăng ký và thống kê hộ tịch; đẩy mạnh đăng ký hộ tịch trực tuyến với trọng tâm là xây dựng Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và Phần mềm đăng ký hộ tịch dùng chung, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp Số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh.
Tính đến hết ngày 23/11/2021, tất cả cơ quan đăng ký hộ tịch tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chính thức áp dụng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp. Về dữ liệu, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã ghi nhận có: 21.246.221 dữ liệu khai sinh với 6.486.428 dữ liệu khai sinh đủ điều kiện, đã được Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cấp số định danh cá nhân; 2.742.809 dữ liệu khai sinh của trẻ em dưới 6 tuổi đã được chuyển thành công sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để cấp thẻ Bảo hiểm y tế; 4.247.455 dữ liệu kết hôn; 5.145.840 dữ liệu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; 3.010.027 dữ liệu khai tử với 9.572 ghi nguyên nhân tử vong vì Covid-19; 83.269 trường hợp nhận cha mẹ con; 11.245 trường hợp đăng ký giám hộ; 9.626 trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi; 493.507 dữ liệu cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.
Hội thảo về cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình CRVS cùng những tồn tại, hạn chế, thách thức cần khắc phục trong thời gian tới về công tác đăng ký, thống kê hộ tịch, nhất là việc tìm ra giải pháp để nâng cao tỷ lệ đăng ký khai tử, nâng cao chất lượng số liệu thống kê hộ tịch.
Theo dự thảo Báo cáo với số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy ở Việt Nam, tỷ lệ người chết được đăng ký khai tử ước tính chỉ chiếm khoảng trên 60% và hầu hết đều chưa tiến hành xác định nguyên nhân tử vong theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng sông nước, vùng vạn đò, hầu hết các gia đình có người thân qua đời không đi đăng ký khai tử, thậm chí có trường hợp chết đã trên 20 năm mới yêu cầu khai tử. Ngoài ra, việc xác định tỷ lệ đăng ký khai sinh, tỷ lệ đăng ký khai tử cũng là một thách thức lớn, hầu hết các địa phương chưa xác định được tỷ lệ này hoặc có đưa ra tỷ lệ này nhưng đều là những con số bất hợp lý do chưa thống nhất được cách tính và khoanh vùng tính số liệu chưa chính xác. Đồng thời, hiện nay chưa có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các ngành Tư pháp, Y tế, Thống kê, Công an dẫn đến dữ liệu thống kê chưa đầy đủ, thống nhất và thiếu hiệu quả, lãng phí nguồn lực.
Để đạt được những mục tiêu về đăng ký khai sinh, kết hôn và khai tử, bảo đảm nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình CRVS, hội thảo đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất, trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong việc cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu điện tử hiện có; chia sẻ dữ liệu liên ngành; thống nhất cách xác định tỷ lệ đăng ký khai sinh, tỷ lệ đăng ký khai tử, bảo đảm chất lượng dữ liệu thống kê hộ tịch; tăng cường việc đăng ký hộ tịch trực tuyến, đặc biệt là thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, bảo đảm thuận lợi cho người dân, thích ứng linh hoạt với bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai...; đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực đăng ký và thống kê hộ tịch, nhằm bảo đảm khuôn khổ pháp lý điều chỉnh lĩnh vực này thường xuyên được cập nhật, hoàn thiện, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng để triển khai thực hiện tích cực, sớm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra./.
Tác giả: Lò Thuỳ Linh
Nguồn: moj.gov.vn