Bồi thường nhà nước
Thứ 5, Ngày 20/12/2018, 13:00
Bảo đảm một số quyền dân sự, chính trị thông qua các quy định của luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
20/12/2018 | Phòng HCTP&QLXLVPHC

Để cụ thể hóa các quy định về quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nói chung và quyền được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra nói riêng, năm 2009 Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) năm 2009. Luật TNBTCNN năm 2009 được ban hành đã thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng được đề ra tại Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam,cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 1992 cũng như phù hợp, đồng bộ với các đạo luật cơ bản vào thời điểm đó. Việc triển khai thực hiện hiệu quả Luật TNBTCNN năm 2009 đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc thiết lập cơ chế đặc thù để cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người bị thiệt hại trong thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình. Có thể khẳng định rằng, việc ban hành và tổ chức thực hiện Luật TNBTCNN năm 2009 cơ bản đã đạt được mục đích khi được Quốc hội thông qua lần đầu, hoàn thành được vai trò, sứ mệnh của mình trong giai đoạn đó.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trước sự thay đổi về yêu cầu bảo đảm, bảo vệ quyền con người, về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế cũng như sự phát triển của hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính trên đất nước ta nên Luật TNBTCNN năm 2009 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bấp cập. Vì vậy, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xây dựng Luật TNBTCNN (sửa đổi). Trong quá trình xây dựng dự án Luật TNBTCNN (sửa đổi), Cục Bồi thường nhà nước đã tổ chức rà soát các quy định của Luật TNBTCNN năm 2009 với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về quyền con người để bảo đảm thống nhất, phù hợp. Bên cạnh đó, Cục Bồi thường nhà nước đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp thực hiện một số hoạt động khác để phục vụ công tác xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật TNBTCNN năm 2009 như tổ chức tổng kết 06 năm thi hành Luật TNBTCNN năm 2009, tổ chức các hội nghị, hội thảo để xin ý kiến vào hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật TNBTCNN năm 2009…
Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật TNBTCNN năm 2017.Luật TNBTCNN năm 2017 đã cụ thể hóa và bảo đảm tốt hơn một số quyền con người được ghi nhận trong các công ước, điều ước quốc tế về quyền con người và Hiến pháp năm 2013 cũng như tương thích và không trái với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Một trong những điểm nổi bật của Luật TNBTCNN năm 2017 là tiếp tục kế thừa và bảo đảm hơn nữa một số quyền dân sự, chính trị đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR), Hiến pháp năm 2013 và Luật TNBTCNN năm 2009.
1. Quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 bảo đảm thực hiện một số quyền con người về dân sự, chính trị
2.1.Về quyền bình đẳng, công bằng
Điều 3 và Điều 26 ICCPR ghi nhận “Các quốc gia thành viên Công ước này cam kết đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong việc thực hiện tất cả các quyền dân sự và chính trị mà Công ước đã quy định” và “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và có quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào. Về mặt này, pháp luật phải nghiêm cấm mọi sự phân biệt đối xử và đảm bảo cho mọi người sự bảo hộ bình đẳng và có hiệu quả chống lại những phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc các địa vị khác”.
Kế thừa các quy định của Luật TNBTCNN năm 2009, Điều 2 Luật TNBTCNN 2017 quy định đối tượng được bồi thường, theo đó, cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Luật TNBTCNN 2017. Như vậy, Luật không phân biệt đối tượng là người Việt Nam hay người nước ngoài, cá nhân hay tổ chức, nam hay nữ, v.v. miễn sao các đối tượng đáp ứng đầy đủ các căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Điều 7 Luật TNBTCNN thì sẽ được bồi thường. Mặt khác, Điều 4 Luật ghi nhận nguyên tắc bồi thường của Nhà nước, theo đó, việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN 2017.
2.2.Về quyền được bồi thường thiệt hại
a) Về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước
Phù hợp với các quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2, khoản 5 Điều 9 và khoản 6 Điều 14 ICCPR về quyền được yêu cầu bồi thường và được bồi thường, trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật TNBTCNN năm 2009, Luật TNBTCNN năm 2017 đã bổ sung 01 Điều (Điều 4) quy định về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước. Theo đó, về cơ bản, nguyên tắc bồi thường được kế thừa như quy định của Luật TNBTCNN năm 2009.Cụ thể, việc giải quyết bồi thường được giải quyết tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; được kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Đồng thời, Luật TNBTCNN năm 2017 đã mở rộng nguyên tắc giải quyết bồi thường, cho phép người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ngay ra tòa án khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự; kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự tại Tòa án đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự (khoản 4 Điều 4). Người bị thiệt hại có quyền lựa chọn cơ chế giải quyết bồi thường phù hợp nhưng khi cơ quan giải quyết bồi thường đã thụ lý yêu cầu bồi thường thì người đó không được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết bồi thường.
b) Về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
So với Luật TNBTCNN năm 2009, Luật TNBTCNN năm 2017 đã bổ sung phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong các lĩnh vực để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, các bộ luật, luật hiện hành; đồng thời cũng bảo đảm quyền, lợi ích của công dân, cụ thể:
Trong hoạt động quản lý hành chính (Điều 17): (i) bổ sung 02 trường hợp được bồi thường do bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trái pháp luật (điểm b và điểm c khoản 3 Điều 17); (ii) bổ sung 01 trường hợp được bồi thường do bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trái pháp luật“giáo dục tại xã, phường, thị trấn” (khoản 5 Điều 17); (iii) bổ sung trường hợp được bồi thường “không áp dụng hoặc áp dụng không đúng quy định của Luật tố cáo các biện pháp bảo vệ người tố cáo khi người đó yêu cầu” (khoản 6 Điều 17); (iv) bổ sung trường hợp bồi thường do “thực hiện hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin về cố ý cung cấp thông tin sai lệch mà không đính chính và không cung cấp lại thông tin” (khoản 7 Điều 17); (v) Bổ sung trường hợp được bồi thường do áp dụng trái pháp luật việc “hoàn thuế” (khoản 9 Điều 17); (vi) bổ sung trường hợp được bồi thường do “ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống” (khoản 14 Điều 17).
Có thể nói, việc mở rộng phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính đã cụ thể hóa một số quyền, trong đó có quyền được tiếp cận thông tin. Để cụ thể hóa khoản 2 Điều 19 ICCPR và đặc biệt quyền tiếp cận thông tin theo quy định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013, khoản 7 Điều 17 Luật TNBTCNN năm 2017 đã bổ sung quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với trường hợp “thực hiện hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin về cố ý cung cấp thông tin sai lệch mà không đính chính và không cung cấp lại thông tin”.
Trong hoạt động tố tụng hình sự (Điều 18): (i) bổ sung trường hợp được bồi thường do người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (khoản 1 Điều 18); (ii) bổ sung trường hợp được bồi thường do Pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án oan (khoản 9 Điều 18). Quy định này của Luật đã phù hợp với khoản 5 Điều 9 ICCPR quy địnhBất cứ người nào trở thành nạn nhân của việc bị bắt hoặc bị giam cầm bất hợp pháp đều có quyền yêu cầu được bồi thường” và khoản 6 Điều 14 ICCPR cũng quy định“khi một người bị kết án về một tội hình sự bởi một quyết định chung thẩm và sau đó bản án bị hủy bỏ hoặc người đó được tha trên cơ sở tình tiết mới hoặc phát hiện mới cho thấy rõ ràng có sự xét xử oan thì người đã phải chịu hình phạt theo bản án trên theo luật, có quyền yêu cầu bồi thường”.
Trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính: Điều 19 Luật TNBTCNN năm 2017 đã bỏ lỗi cố ý đối với trường hợp ra bản án, quyết định trái pháp luật và tách thành 02 khoản (khoản 5 và khoản 6 Điều 19) quy định cụ thể hơn căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người đã ra bản án, quyết định.
Trong hoạt động thi hành án hình sự (Điều 20), Bổ sung thêm 01 trường hợp được bồi thường là: “Không thực hiện quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án đối với người bị kết án phạt tù” (điểm d khoản 3 Điều 20).
Trong lĩnh vực thi hành án dân sự: Điều 21 Luật TNBTCNN năm 2017 đã bỏ lỗi cố ý đối với trường hợp ra các quyết định về thi hành án và trường hợp tổ chức thi hành án các quyết định về thi hành án.
c) Về thiệt hại được bồi thường
Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về thiệt hại được bồi thường nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thời gian qua, đồng thời bảo đảm việc giải quyết bồi thường nhanh chóng, hiệu quả, cụ thể:
- Bổ sung 01 điều về việc xác định thiệt hại (Điều 22), trong đó, quy định những nguyên tắc chung trong việc xác định thiệt hại được bồi thường.
- Bổ sung các thiệt hại được bồi thường phát sinh trong thực tế chưa được Luật TNBTCNN năm 2009 quy định như: thiệt hại được bồi thường là khoản tiền phạt theo thỏa thuận trong giao dịch dân sự, kinh tế do không thực hiện được các giao dịch dân sự, kinh tế; căn cứ tính mức lãi suất (các khoản 4 và 5 Điều 23); lượng hóa một số thiệt hại được bồi thường như thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút (Điều 24); thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết (Điều 25); thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm (Điều 26).
- Đối với thiệt hại về tinh thần:
+ Bổ sung một số thiệt hại về tinh thần: (1) trong trường hợp áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (khoản 1 Điều 27) và (2) trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp (điểm a khoản 3 Điều 27) và (3) trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật (khoản 6 Điều 27).
+ Tăng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với các trường hợp bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự (khoản 3 Điều 27); trường hợp thiệt hại về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm (khoản 5 Điều 27).
- Bổ sung 01 điều quy định cụ thể các chi phí khác được bồi thường (Điều 28).
Thông qua các quy định nêu trên không chỉ thể hiện rõ quyền dân sự, chính trị của người bị thiệt hại mà còn bao gồm các quyền về kinh tế, xã hội như quyền được học tập, quyền được tham gia tổ chức xã hội.
2.3. Về quyền “không bị hạ thấp nhân phẩm”, xâm phạm các quyền và tự do
Điểm a khoản 3 Điều 2 ICCPR quy định trách nhiệm của quốc gia thành viên trong việc “bảo đảm rằng bất cứ người nào bị xâm phạm các quyền và tự do như được công nhận trong Công ước đều nhận được các biện pháp khắc phục hậu quả, cho dù sự xâm phạm đó là do hành vi của những người thi hành công vụ gây ra” hay Điều 7 ICCPR cũng ghi nhận “không ai có thể bị tra tấn, ... hạ thấp nhân phẩm”.
Để nội luật hóa điểm a khoản 3 Điều 2 ICCPR quy định trách nhiệm của quốc gia thành viên trong việc “bảo đảm rằng bất cứ người nào bị xâm phạm các quyền và tự do như được công nhận trong Công ước đều nhận được các biện pháp khắc phục hậu quả, cho dù sự xâm phạm đó là do hành vi của những người thi hành công vụ gây ra” hay Điều 7 ICCPR về “không ai có thể bị tra tấn, ... hạ thấp nhân phẩm”, tại Điều 20 Hiến pháp năm 2013 đã quy định về quyền này. Để xử lý các trường hợp vi phạm quyền bất khả xâm phạm, một số Bộ luật, luật đã được ban hành nhằm bảo đảm thực hiện và cụ thể hóa các quy định này, trong đó có Luật TNBTCNN năm 2017. Cụ thể, Luật TNBTCNN 2017 đã bổ sung một mục mới tại Chương V quy định cụ thể về hình thức, thủ tục, trách nhiệm thực hiện việc phục hồi danh dự và đã bổ sung thêm 02 trường hợp được bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự là người bị bắt và pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật.
2.4.Về thủ tục giải quyết bồi thường
Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi toàn diện các quy định về thủ tục giải quyết bồi thường nhằm đảm bảo việc giải quyết bồi thường được nhanh chóng, hiệu quả, cụ thể như sau:
a) Thủ tục giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại
- Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung và quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại (Mục 1 Chương V). Đồng thời, bổ sung quy định về việc hoãn, tạm đình chỉ và đình chỉ việc giải quyết bồi thường để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan nhà nước.
- Bổ sung 01 Điều mới (Điều 44) quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường đối với những thiệt hại có thể tính toán được ngay, không cần xác minh.
- Sửa đổi toàn diện các quy định về thương lượng việc bồi thường (Điều 46) theo hướng quy định cụ thể về thành phần thương lượng, địa điểm thương lượng, nội dung thương lượng, thủ tục thương lượng và kết quả của việc thương lượng.
b) Thủ tục giải quyết bồi thường tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự
Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi toàn diện các quy định về khởi kiện và thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án, trong đó bổ sung quy định người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ngay ra Tòa án yêu cầu bồi thường trong 02 trường hợp: (1) trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường (điểm a khoản 1 Điều 52); (2) trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, người yêu cầu bồi thường đã yêu cầu cơquan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết yêu cầu bồi thường, nhưng sau đó người này rút đơn trước thời điểm cơ quan này tiến hành xác minh thiệt hại (điểm b khoản 1 Điều 52).
c) Thủ tục giải quyết bồi thường tại Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính
Để phù hợp với nguyên tắc bồi thường đã được nêu trên, Luật TNBTCNN năm 2017 đã bổ sung 01 Điều mới quy định về giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính tại Tòa án (Điều 55) và giao Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều này.
3. Triển khai có hiệu quả Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 qua đó bảo đảm thực hiện tốt các quyền của người bị thiệt hại
3.1. Kết quả triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017
Để triển khai thi hành Luật TNBTCNN năm 2017 được hiệu quả, kịp thời và đồng bộ, ngày 25/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1269/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TNBTCNN (Kế hoạch số 1269). Trên cơ sở những yêu cầu, nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch số 1269, Cục Bồi thường nhà nước đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ký ban hành Quyết định số 1628/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai thi hành thi hành Luật TNBTCNN của Bộ Tư pháp (Kế hoạch số 1628). Đến nay, về cơ bản Cục Bồi thường nhà nước đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch 1269 và Kế hoạch số 1628. Một số kết quả đã đạt được cụ thể như sau:
- Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Cục Bồi thường nhà nước đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành: Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNBTCNN; Thông tư số 04/2018/TT-BTP ngày 17/5/2018 ban hành một số biểu mẫu trong công tác bồi thường nhà nước; Thông tư số 11/2018/TT-BTP ngày 30/7/2018 bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, liên tịch ban hành trong lĩnh vực bồi thường nhà nước.
Về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật TNBTCNN,ngày 10/8/2018, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 188/BC-BTP về kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật TNBTCNN năm 2017 và ngày 29/8/2018, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8155/VPCP-PL về thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về kết quả rà soát pháp luật bồi thường nhà nước.
- Về tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành Luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật TNBTCNN, Cục Bồi thường nhà nước đã phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng bộ tài liệu phục vụ Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành Luật tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Cục Bồi thường nhà nước thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến với các hình thức đa dạng như đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam xây dựng và ghi hình Chương trình phổ biến, tuyên truyền Luật TNBTCNN năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành mới ban hành trên chuyên mục Hộp thư truyền hình - VTV1; phối hợp với Tạp chí Dân chủ và Pháp luật xây dựng Số chuyên đề về triển khai thi hành Luật TNBTCNN năm 2017. Đặc biệt, sau khi Luật TNBTCNN năm 2017 được thông qua, Cục Bồi thường nhà nước đã xây dựng và xuất bản 05 cuốn sách: (1) “Hỏi - đáp về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)”; (2) “Những nội dung cơ bản của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)”; (3) “Sổ tay pháp luật dành cho công chức thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường”; (4)“Kỹ năng nghiệp vụ giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017”  và (5) “Tìm hiểu pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”vớisố lượng phát hành là 7.700 bản cho các đối tượng là công chức làm công tác bồi thường nhà nước tại các Sở, ban, ngành, cơ quan thi hành án dân sự các cấp, góp phần kịp thời cung cấp kiến thức pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017.
- Về tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước, để bảo đảm các quy định của Luật TNBTCNN năm 2017 đi vào cuộc sống, bảo đảm quyền của người bị thiệt hại, Cục Bồi thường nhà nước đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định 797/QĐ-BTP ngày 20/4/2018 về phê duyệt Kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn và các đoàn thanh tra, kiểm tra, khảo sát của Bộ Tư pháp năm 2018. Đến nay, Cục Bồi thường nhà nước đã tổ chức 10 lớp tập huấn tại đại diện 07 vùng miền. Đối tượng được tập huấn là công chức của Sở Tư pháp và một số Sở, ngành chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đội ngũ công chức làm công tác bồi thường nhà nước tại các cơ quan thi hành án dân sự thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp và công chức của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được nêu trên theo yêu cầu tại Kế hoạch số 1269 và Kế hoạch số 1628, Cục Bồi thường nhà nước đã thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác như: hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường, giải đáp vướng mắc về việc thực hiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; giải đáp vướng mắc về việc thực hiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và đặc biệt, Trung tâm Hỗ trợ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường đã thực hiện việc hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường và không thu phí.
Ngoài ra, để bảo đảm công tác giải quyết bồi thường được kịp thời, hiệu quả, Cục Bồi thường nhà nước đã thường xuyên thực hiện công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hoạt động giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả. Trong quá trình thực hiện công tác này, Cục Bồi thường nhà nước đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của TANDTC, VKSNDTC và các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát lập danh sách các vụ việc phức tạp kéo dài trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án làm cơ sở cho việc đôn đốc giải quyết bồi thường kịp thời, đúng pháp luật.
3.2. Các nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới
a) Hoàn thiện thể chế và tiếp tục tổ chức thi hành có hiệu quả Luật TNBTCNN năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
Trong thời gian tới, Cục Bồi thường nhà nước sẽ tiếp tục tham mưu cho Lãnh đạo Bộ xây dựng và phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật TNBTCNN năm 2017 như xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao xây dựng văn bản hướng dẫn Điều 55 Luật TNBTCNN năm 2017.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức thi hành có hiệu quả Luật TNBTCNN năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành thông qua việc tuyên truyền, phố biến pháp luật về TNBTCNN; xây dựng các tài liệu về pháp luật TNBTCNN để cấp phát như xây dựng sách, tờ rơi, tờ gấp, v.v.; tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước có chất lượng, hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức được giao thực hiện công tác bồi thường nhà nước qua đó, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho công chức trong bộ máy nhà nước, cá nhân và tổ chức khác.
b) Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước
Trong năm 2019 và các năm tiếp theo, Cục Bồi thường nhà nước sẽ tiếp tục tập trung thực hiện công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước thông qua việc kiểm tra công tác bồi thường nhà nước theo thẩm quyền hoặc liên ngành có trọng tâm, trọng điểm, trú trọng đến những Bộ, ngành, địa phương phát sinh nhiều yêu cầu bồi thường; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước; hướng dẫn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước và giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật về TNBTCNN; v.v.
c) Tăng cường công tác phối hợp
Để thực hiện tốt các quy định của Luật TNBTCNN năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, Cục Bồi thường nhà nước sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Tư pháp tăng cường công tác phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường, trong đó chú trọng phối hợp để tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài đã thụ lý theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2009./.
Sưu tầm: Trần Thị Thu Hằng - Cục Bồi thường Nhà nước​
Lượt người xem:  Views:   6053
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin mới nhất

Tác giả

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Ảnh
Video
Audio