Thừa phát lại
Thứ 6, Ngày 06/12/2019, 16:00
TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN THỰC HIỆN CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG – KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
06/12/2019 | Nguyễn Thị Vân Anh

thamluantpl2019.jpg

I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THỪA PHÁT LẠI

1. Việc xây dựng các cơ sở pháp lý

Ngày 24/6/2013, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1531/QĐ-BTP về việc chọn địa phương thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, theo đó Bình Dương là một trong 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn mở rộng thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Để có cơ sở thực hiện thí điểm, tỉnh Bình Dương đã xây dựng Đề án"Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại Bình Dương" và được Bộ Tư pháp phê duyệt theo Quyết định số 2281/QĐ-BTP ngày 12/9/2013.

Trên cơ sở các kết quả đạt được trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 107/2015/QH13 về việc thực hiện chế định Thừa phát lại, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 905/KH-UBND ngày 30/3/2016 triển khai thực hiện Nghị quyết 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chế định Thừa phát lại trên địa bản tỉnh Bình Dương; đồng thời xây dựng Đề án thực hiện chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Dương, thay thế Đề án Thừa phát lại trong giai đoạn thí điểm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh gửi Bộ Tư pháp phê duyệt, đưa chế định Thừa phát lại thực hiện chính thức trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trong đó, xác định lộ trình phát triển các Văn phòng Thừa phát lại đến năm 2020 đảm bảo tất cả các địa bàn cấp huyện đều có Văn phòng Thừa phát lại.

Ngày 25/8/2017, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1334/QĐ-BTP ngày về phê duyệt "Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2018". Ngày  05/10/2017 , Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 4444/UBND-NC về việc triển khai thực hiện Quyết định phê duyệt đề án thừa phát lại giai đoạn 2017 – 2018. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã thực hiện các trình tự, thủ tục thành lập thêm 01 tổ chức hành nghề thừa trên địa bàn tỉnh theo đề án được phê duyệt. Kết quả: Ngày 26/12/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 3629/QĐ-UBND cho phép thành lập theo Văn phòng Thừa phát lại Bến Cát. Trên cơ sở đó, ngày 01/2/2018, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương cấp Giấy Đăng ký hoạt động số 05/ĐKHĐ/TP.

2. Về công tác tuyên truyền, phổ biến về chế định thừa phát lại  

Nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chế định thừa phát lại, các nội dung văn bản liên quan đến thừa phát lại đến tất cả các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã tổ chức kịp thời các hội nghị triển khai, phổ biến các văn bản liên quan đến thừa phát lại; ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực thừa phát lại.

Sở Tư pháp đã tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về Thừa phát lại; phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện các chương trình "Pháp luật và cuộc sống" với các số chuyên đề về Thừa phát lại; phối hợp thực hiện tư vấn trực tiếp qua đài phát thanh; hàng năm, biên soạn và phát hành các tờ gấp pháp luật về chế định Thừa phát lại. Đồng thời, Sở Tư pháp đã xây dựng chuyên trang về Thừa phát lại trên trang tin điện tử của Sở, qua đó đã đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về Thừa phát lại; tin tức hoạt động của Thừa phát lại và các thủ tục hành chính có liên quan.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các Chi cục bố trí cán bộ trực tiếp công dân gồm 01 Chấp hành viên và 01 thư ký, trong quá trình tiếp công dân giải quyết các vấn đề thắc mắc của dân, lồng ghép giải thích việc xác minh và trực tiếp tổ chức thi hành án của Thừa phát lại cho người dân, đồng thời tại phòng tiếp công dân của các cơ quan Thi hành án đều có bảng thông tin về chức năng, nhiệm vụ của Thừa phát lại, địa chỉ văn phòng Thừa phát lại để người dân biết liên hệ và hướng dẫn người dân trực tiếp lựa chọn yêu cầu.

Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và các sở, ngành có liên quan khác cũng đã ban hành Kế hoạch, tổ chức phổ biến, quán triệt quy định pháp luật về Thừa phát lại trong ngành, đơn vị mình thông qua hội nghị, các cuộc họp cơ quan, ngày pháp luật.

Phòng Tư pháp, các Văn phòng Thừa phát lại cũng đã tích cực, chủ động in tờ rơi, hỏi đáp có nội dung về các hoạt động của Thừa phát lại để cấp phát miễn phí cho người dân.

3. Công tác xây dựng và giải quyết thủ tục hành chính

Sở Tư pháp công khai đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực Thừa phát lại thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp như: Cấp giấy đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, chuyển hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại, cấp thẻ Thừa phát lại…đồng thời giải quyết đúng pháp luật cho các cá nhân, tổ chức đến liên hệ thực hiện thủ tục hành chính. Thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kịp thời các các thủ tục hành chính về Thừa phát lại cho phù hợp; đồng thời đăng tải đầy đủ, lên trang dịch vụ công của tỉnh và Trang thông tin điện tử của Sở.

4. Công tác hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Trong quá trình hoạt động, Sở Tư pháp thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình tổ chức, hoạt động, khó khăn, vướng mắc của lĩnh vực Thừa phát lại, có sự hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động Thừa phát lại qua các hình thức điện thoại, thư điện tử, tổ chức họp với các sở, ngành có liên quan và các Văn phòng Thừa phát lại; ban hành các văn bản hướng dẫn, như:

- Đối với hoạt động lập vi bằng, Sở Tư pháp đã ban hành các văn bản như sau: Năm 2016, ban hành Công văn số 1165/STP-BTTP ngày 30/9/2016 về lập vi bằng; Năm 2017, ban hành Công văn số 1590/STP-BTTP ngày 10/11/2017 về một số lưu ý hoạt động công chứng, chứng thực và Thừa phát lại đề nghị các Văn phòng Thừa phát lại chú ý đảm bảo một số nội dung trong việc lập vi bằng, giải thích rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc yêu cầu lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng; Năm 2018, ban hành Công văn số 1050/STP-BTTP ngày 12/7/2018 về hướng dẫn hoạt động Thừa phát lại. Năm 2019, tiếp tục theo dõi quá trình hoạt động của các Văn phòng để kịp thời có hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

- Đối với hoạt động tống đạt văn bản, xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành án: Sở có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thi hành án, tòa án, tổ chức các cuộc họp liên ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc như việc việc chậm chuyển giao văn bản và chậm thanh toán của một số cơ quan Tòa án và Thi hành án dân sự tại địa phương, việc phân chia địa hạt tống đạt văn bản. Đến nay, tình hình chuyển giao và thanh toán chi phí tống đạt đã ổn định. Ngày 09/3/2018, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ngành có liên quan tổ chức cuộc họp đánh giá hoạt động Thừa phát lại, trong đó có nội dung về phân chia địa hạt tống đạt của các văn phòng Thừa phát lại. Kết quả ngày 16/3/2018, Sở Tư pháp ban hành Thông báo số 303/TB-STP về địa hạt tống đạt văn bản của các văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

- Kịp thời xin ý kiến của cấp trên (UBND tỉnh, Bộ Tư pháp): Đối với các vấn đề chưa được quy định cụ thể và trên cơ sở tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các Văn phòng Thừa phát lại, ngày 24/2/2017, Sở Tư pháp ban hành công văn số 259/BTTP-TPL về khó khăn, vướng mắc về Thừa phát lại gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến chỉ đạo, xin ý kiến về việc triển khai đề án thực hiện Nghị quyết số 107/2016/NQ-QH của Quốc hội.

5. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát

Trong quá trình quản lý, thường xuyên kiểm tra tình hình hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại, giải đáp các khó khăn, vướng mắc của các Thừa phát lại kịp thời. Trong công tác kiểm tra về tổ chức, hoạt động các Văn phòng thừa phát lại, Sở Tư pháp luôn phối hợp mời đại diện Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh cùng tham gia Đoàn Kiểm tra. Từ năm 2016 đến nay, Sở đã chủ trì, phối hợp các ngành liên quan tiến hành 01 cuộc kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của tất cả các Văn phòng Thừa phát lại, tham gia 01 cuộc giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về Thừa phát lại, tham gia 01 cuộc kiểm tra của Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp. Qua kiểm tra, giám sát thấy rằng các Văn phòng Thừa phát lại cơ bản đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, tình hình nhân sự ổn định, đảm bảo hoạt động. Về hoạt động chuyên môn, nhìn chung các văn phòng điều chấp hành quy định pháp luật, tuy nhiên trong quá trình hoạt động cũng phát sinh một số hạn chế như: Một số hồ sơ tống đạt quyết định thi hành án cho đương sự còn chậm; Hoạt động Tống đạt văn bản một số trường hợp chậm trả kết quả, có trường hợp tống đạt không đạt yêu cầu; Một số trường hợp hình thức vi bằng chưa đúng mẫu.

II. VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

1. Về tổ chức

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 05 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập tại địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An, thị xã Tân Uyên, thị xã Bến Cát, (thành lập sớm nhất là VPTPL Dĩ An, thành lập ngày 17/01/2014, VPTPL Bến Cát thành lập ngày 26/12/2017).

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 14 Thừa phát lại đang hành nghề tại 05 Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Các Thừa phát lại được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm trong các mảng hoạt động hành nghề Thừa phát lại như tống đạt văn bản, thi hành án… Các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh đều có trụ sở thuận lợi, trang thiết bị và cơ sở vật chất đầy đủ, đảm bảo đáp ứng quá trình hoạt động.

2. Kết quả hoạt động các Văn phòng thừa phát lại

- Trong giai đoạn thí điểm: Về tống đạt văn bản, giấy tờ theo yêu cầu của Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự đạt: 42.653 vụ việc, trong đó tống đạt văn bản, giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan Tòa án là: 34.654 vụ việc và Thi hành án 7.999 vụ việc; Xác minh điều kiện Thi hành án: 78 vụ việc; Tổ chức thi hành bản án, quyết định: 27 vụ việc với giá trị Thi hành án về tiền là 9.568.819.605 và tài sản là 6682.5 m² đất; Lập vi bằng: 2.045  vụ việc. Tổng doanh thu : 7.904.400.000 đồng

- Năm 2016: Tống đạt văn bản, giấy tờ theo yêu cầu của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự: 10,124 văn bản, trong đó tống đạt văn bản, giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan Tòa án là 8,581 văn bản và cơ quan Thi hành án  1,543 văn bản;; xác minh điều kiện thi hành án: 07 vụ việc; trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định: 06 vụ việc với giá trị Thi hành án về tiền là 285.660.000 và tài sản là 886 m2 đất; lập vi bằng: 3.171 vi bằng. Tổng Doanh thu: 7.800.093.000 đồng

- Năm 2017: Tống đạt văn bản, giấy tờ theo yêu cầu của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự: 21.515 văn bản, trong đó tống đạt văn bản, giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan Tòa án là 17.078 văn bản và cơ quan Thi hành án 4.437 văn bản; xác minh điều kiện thi hành án: Chưa phát sinh; trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định: 05 vụ việc với giá trị thi hành án về tiền là 225.000.000 đồng, tài sản là quyền sử dụng đất với diện tích 5.206,4 m2 đất, 57 cây cao su, giảm 01 vụ việc so với năm 2016; lập vi bằng: 5.338 vi bằng. Tổng Doanh thu: 12.171.277.000 đồng.

- Năm 2018: Tống đạt văn bản, giấy tờ theo yêu cầu của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự: 22,506 văn bản, trong đó tống đạt văn bản, giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan Tòa án là 21,479 văn bản và cơ quan Thi hành án 1,027 văn bản; Lập vi bằng: 5,534 vi bằng. Tổng doanh thu: 11,377,760,000 đồng.

- Từ 01/01/2019 đến 30/6/2019: Tống đạt văn bản, giấy tờ theo yêu cầu của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự: 15.387 văn bản, trong đó tống đạt văn bản, giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan Tòa án là 15.313 văn bản và cơ quan Thi hành án 74 văn bản; Lập vi bằng: 2.275 vi bằng; Xác minh điều kiện thi hành án: 02 vụ việc; Tổ chức thi hành bản án, quyết định: 01 vụ việc với giá trị thi hành án về tiền là 1.232.194.000 đồng. Tổng Doanh thu: 4.395.142.000 đồng.

III. KẾT QUẢ TÍCH CỰC CỦA VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI TẠI TỈNH BÌNH DƯƠNG

- Hoạt động của các Văn phòng thừa phát lại được xã hội, người dân đón nhận tích cực, khẳng định mô hình thừa phát lại ra đời là cần thiết và phù hợp đúng theo chủ trương xã hội hóa, chủ trương cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

- Hoạt động Thừa phát lại đã góp phần giảm tải công việc của Tòa án và Cơ quan Thi hành án dân sự. Đối với Tòa án, việc tống đạt văn bản của Thừa phát lại đã giúp Tòa án tập trung vào việc xét xử, việc lập vi bằng giúp tạo lập nguồn chứng cứ góp phần bảo đảm cho việc xét xử khách quan, kịp thời và chính xác. Đối với Cơ quan Thi hành án dân sự, việc thực hiện các công việc về tống đạt văn bản thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành án của Thừa phát lại đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan thi hành án dân sự, tạo cơ chế vừa phối hợp, hỗ trợ vừa cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực thi hành án.

- Việc thực hiện chế định Thừa phát lại đã góp phần nâng cao nhận thức không những đối với cơ quan nhà nước mà còn đối với người dân về một chủ trương mới của Đảng, Nhà nước. Việc lập vi bằng của Thừa phát lại đã tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong thực hiện các giao dịch dân sự và trong các quá trình tố tụng tư pháp. Bên cạnh đó, sự ra đời của các Văn phòng Thừa phát lại đã tạo điều kiện để người dân có thêm sự lựa chọn phù hợp với năng lực, điều kiện của cá nhân khi có yêu cầu thi hành án dân sự.

IV. KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, NGUYÊN NHÂN VÀ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân

- Về việc phân định nội dung, phạm vi lập vi bằng: Công văn số 4003/BTP-TCTHADS ngày 19/9/2014 của Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn một số nội dung trong hoạt động TPL đã nêu tương đối cụ thể phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định các trường hợp không thuộc phạm vi lập vi bằng còn gặp nhiều khó khăn phân định giữa chứng thực chữ ký, công chứng và lập vi bằng trong một số trường hợp còn mơ hồ.  

- Về hồ sơ, tài liệu đính kèm theo vi bằng: 

Tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ) quy định: "Kèm theo vi bằng có thể có hình ảnh, băng hình và các tài liệu chứng minh khác". Trên thực tế phát sinh các trường hợp lập vi bằng ghi nhận lời trình bày, cam kết hoặc sự tồn tại 01 văn bản giữa các bên mà nội dung chính nhắc đến các giấy tờ, văn bản, tài liệu khác. Để đảm bảo vi bằng "không ghi nhận các hành vi, sự kiện nhằm thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật", Sở Tư pháp đã yêu cầu các Văn phòng Thừa phát lại đính kèm các tài liệu chứng minh, tuy nhiên theo quy định của pháp luật chưa quy định bắt buộc trong trường hợp này.

- Về xử lý các vi bằng không đủ điều kiện theo quy định nhưng đã được đăng ký tại Sở Tư pháp

Tại Khoản 5 Điều 26 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ) quy định: "Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng Thừa phát lại. Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký nếu phát hiện thấy việc lập vi bằng không đúng thẩm quyền, không thuộc phạm vi lập vi bằng theo quy định tại Điều 25 của Nghị định này; vi bằng không được gửi đúng thời hạn để đăng ký theo quy định tại khoản 4, Điều 26 của Nghị định này. Việc từ chối phải được thông báo ngay bằng văn bản cho Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu lập vi bằng trong đó nêu rõ lý do từ chối đăng ký".

Theo quy định trên, Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký nếu phát hiện thấy việc lập vi bằng không đúng thẩm quyền, không thuộc phạm vi lập vi bằng theo quy định tại Điều 25 của Nghị định nhưng không quy định rõ thời hạn từ chối. Trên thực tế, một số vi bằng được đăng ký tại Sở Tư pháp, tuy nhiên trong quá trình quản lý, phát hiện có các căn cứ cho thấy vi bằng không đảm bảo các điều kiện về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thì sẽ bị xử lý như thế nào? Hiện tại chưa có quy định về việc hủy vi bằng.

- Pháp luật chưa có quy định cụ thể về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động Thừa phát lại, chỉ quy định chung chung các hình thức xử lý vi phạm đối với Thừa phát lại và Văn phòng Thừa phát, không quy định từng loại việc và mức độ vi phạm cụ thể. Ví dụ trường hợp Sở Tư pháp phát hiện nội dung lập vi bằng không đúng quy định pháp luật thì hậu quả pháp lý chỉ là vi bằng không được đăng ký và không có giá trị pháp lý, chưa có chế tài đảm bảo tính răn đe.

2. Đề xuất, kiến nghị

- Nghiên cứu hoàn thiện, khắc phục những bất cập trên thực tế và ghi nhận chính thức các quy định về Thừa phát lại trong văn bản quy phạm pháp luật ở tầm luật, để công tác quản lý nhà nước về Thừa phát lại đạt hiệu quả trên thực tế, đưa chế định Thừa phát lại đi sâu vào cuộc sống, góp phần hoàn thiện các mục tiêu, chiến lược cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước đề ra.

- Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn các trường hợp bất cập cụ thể đã nêu trên trong thời gian chờ hoàn thiện pháp luật về Thừa phát lại.

- Sửa đổi, bổ sung Nghị định 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015) theo hướng quy định rõ các hành vi vi phạm của Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại và hình thức xử phạt cụ thể để đảm bảo tính răn đe./.

Lượt người xem:  Views:   1692
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin mới nhất

Tác giả

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Ảnh
Video
Audio