Thừa phát lại
Thứ 7, Ngày 20/01/2018, 08:00
Tình hình tổ chức và hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2017
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
20/01/2018 | Nguyễn Thị Vân Anh

tinhhinhtochucvahoatdongtpl.jpg

I. CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THỪA PHÁT LẠI

1. Việc ban hành các văn bản triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chế định Thừa phát lại, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án Thừa phát lại trình Bộ Tư pháp. Ngày 25/8/2017, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1334/QĐ-BTP Phê duyệt Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 – 2018. Ngày 05/10/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 4444/UBND-NC về việc triển khai thực hiện quyết định Phê duyệt Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 – 2018.

Trên cơ sở các văn bản nêu trên, ngày 01/11/2017, Sở Tư pháp ban hành Thông báo số 1542/TB-STP về việc tiếp nhận hồ sơ thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở Tư pháp đã thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, kết quả đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thành lập mới 01 Văn phòng Thừa phát lại theo đúng Đề án đã được phê duyệt.

Trong năm 2017, để tăng cường công tác quản lý nhà nước về Thừa phát lại, Sở Tư pháp ban hành Công văn số 1590/STP-BTTP ngày 10/11/2017 về một số lưu ý về hoạt động công chứng, chứng thực và thừa phát lại, theo đó lưu ý các Văn phòng về một số nội dung lập vi bằng liên quan đến diện tích đất tối thiểu cho tách thửa theo Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND ngày 27/9/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với các loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

2. Về công tác tuyên truyền phổ biến

Nhằm tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chế định Thừa phát lại, trong năm 2017, Sở Tư pháp tiếp tục duy trì chuyên mục Thừa phát lại trên Trang thông tin điện tử của Sở, thường xuyên cập nhật các thông tin mới về Thừa phát lại. Ngoài ra, đã phát hành 20.000 tờ gấp pháp luật về Thừa phát lại, trong đó trọng tâm giới thiệu về các loại việc được lập vi bằng.

3. Công tác giải quyết các thủ tục hành chính và thanh tra, kiểm tra

Tiếp tục công khai và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực Thừa phát lại thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp như: Cấp giấy đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, chuyển hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại, cấp thẻ Thừa phát lại…một cách nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật cho các cá nhân, tổ chức đến liên hệ thực hiện thủ tục. Trong năm 2017, Sở Tư pháp đã sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính về Thừa phát lại cho phù hợp với các quy định pháp luật về Phí và Lệ phí; đồng thời đăng tải đầy đủ, kịp thời lên trang dịch vụ công của tỉnh và Trang thông tin điện tử của Sở.

Từ ngày 01/1/2017 đến 31/12/2017, Sở đã thực hiện 15 thủ tục hành chính về Thừa phát lại.

Công tác thanh tra, kiểm tra: Trong quá trình quản lý, thường xuyên kiểm tra tình hình hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại, giải đáp các khó khăn, vướng mắc của các Thừa phát lại kịp thời.

Công tác giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo: Trong năm 2017, không phát sinh phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

II. TÌNH HÌNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THỪA PHÁT LẠI

1. Về đội ngũ Thừa phát lại và hệ thống các Văn phòng Thừa phát lại

Từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/12/2017, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 21 Thừa phát lại, trong đó: 16 Thừa phát lại đang hành nghề tại 04 Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Dương, 03 Thừa phát lại đã nghỉ việc, 02 Thừa phát lại bổ nhiệm nhưng chưa hành nghề (01 Thừa phát lại đã hết thời hạn 06 tháng, 01 Thừa phát lại còn thời hạn)

Ngày 26/12/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 3629/QĐ-UBND về việc cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại Bến Cát; hiện tại Văn phòng đang hoàn thiện các thủ tục đăng ký hoạt động để đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.

2. Kết quả hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại (tính từ ngày 01/01/2017 đến 31/12/2017)

a) Số lượng các vụ việc

- Tống đạt văn bản, giấy tờ theo yêu cầu của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự: 21.515 văn bản, tăng 11.391 văn bản so với năm 2016 (tống đạt cho Tòa án nhân dân, Chi cục Thi hành án dân sự các địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên; Tòa án nhân dân tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh), trong đó tống đạt văn bản, giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan Tòa án là 17.078 văn bản và cơ quan Thi hành án 4.437 văn bản;

- Xác minh điều kiện thi hành án: Chưa phát sinh. So với năm 2016 giảm 07 việc;

- Tổ chức thi hành bản án, quyết định: 05 vụ việc với giá trị thi hành án về tiền là 225.000.000 đồng, tài sản là quyền sử dụng đất với diện tích 5.206,4 m2 đất, 57 cây cao su, giảm 01 vụ việc so với năm 2016;

- Lập vi bằng: 5.338 vi bằng, tăng 2.167 vi bằng so với năm 2016.

b) Doanh thu

Các Văn phòng Thừa phát lại đã thu được: 12.171.277.000 đồng, tăng 4.371.184.000 đồng so với năm 2016, trong đó: chi phí lập vi bằng 10.174.896.000 đồng; chi phí tống đạt: 1.889.631.000 đồng (1.532.309.000 đồng của Tòa án và 357.322.000 đồng của cơ quan thi hành án dân sự); xác minh điều kiện thi hành án 0 đồng; trực tiếp tổ chức thi hành án: 106.750.000 đồng.

III. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Thuận lợi

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp và các đơn vị có liên quan, nhìn chung công tác triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh được đồng bộ, thống nhất và đạt hiệu quả như sau:

- Công tác quán triệt, tuyên truyền phổ biến về chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc thực hiện chế định Thừa phát lại và các văn bản quy phạm pháp luật về Thừa phát lại được các ngành, các cấp chú trọng thực hiện, qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của chủ trương này, về chức năng, nhiệm vụ của Thừa phát lại, tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các ngành, các cấp về triển khai chế định Thừa phát lại ở địa phương; số lượng tổ chức, cá nhân tin tưởng, sử dụng dịch vụ Thừa phát lại ngày càng tăng.

- Phần lớn các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp tốt trong các hoạt động của Thừa phát lại như tống đạt, công tác thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án.

- Chế định Thừa phát lại đã được người dân đón nhận tích cực, khẳng định mô hình Thừa phát lại phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Việc thực hiện chế định Thừa phát lại góp phần nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, nhân dân về chủ trương mới của Đảng, Nhà nước.

2. Khó khăn

- Về việc phân định nội dung, phạm vi lập vi bằng: Hiện tại, các văn bản pháp luật hướng dẫn về nội dung, phạm vi lập vi bằng đã có, tuy nhiên trên thực tế các nội dung lập vi bằng rất đa dạng, còn nhiều cách hiểu, quan điểm khác nhau về phạm vi lập vi bằng giữa các địa phương; chưa có một văn bản thống nhất chung trên toàn quốc, từ đó dẫn đến việc xác định các trường hợp không thuộc phạm vi lập vi bằng còn gặp nhiều khó khăn, ranh giới phân định giữa chứng thực chữ ký, công chứng và lập vi bằng trong một số trường hợp còn khó khăn.  

- Pháp luật về Thừa phát lại chỉ quy định chung các hình thức xử lý vi phạm đối với Thừa phát lại và Văn phòng Thừa phát, tuy nhiên lại không quy định từng loại việc và mức độ vi phạm cụ thể. Ví dụ trong trường hợp Sở Tư pháp phát hiện nội dung lập vi bằng không đúng quy định pháp luật hoặc các sai phạm của các Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại trong việc lập vi bằng, hậu quả pháp lý chỉ dừng lại ở việc vi bằng không có giá trị pháp lý, chưa có chế tài đảm bảo tính răn đe.

- Về công tác lưu trữ: Hiện tại vi bằng sau khi đăng ký sẽ được lưu trữ 01 bản tại Sở Tư pháp. Số lượng vi bằng ngày càng nhiều (trung bình mỗi tháng 444 vi bằng), mỗi vi bằng thường đính kèm tài liệu, văn bản, giấy tờ nên độ dày của các vi bằng khá lớn, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về chế độ và kinh phí lưu trữ vi bằng.

IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Các Bộ, ngành Trung ương có liên quan tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo hệ thống ngành dọc chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ thuộc ngành mình nhằm góp phần thực hiện thành công việc thực hiện chế định Thừa phát lại tại địa phương.

2. Nghiên cứu hoàn thiện, khắc phục những bất cập trên thực tế và ghi nhận chính thức các quy định về Thừa phát lại trong văn bản quy phạm pháp luật ở tầm luật, để công tác quản lý nhà nước về Thừa phát lại đạt hiệu quả trên thực tế, đưa chế định Thừa phát lại đi sâu vào cuộc sống, góp phần hoàn thiện các mục tiêu, chiến lược cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước đề ra.

3. Sửa đổi, bổ sung Nghị định 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015) theo hướng quy định rõ các hành vi vi phạm của Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại và hình thức xử phạt cụ thể để đảm bảo tính răn đe; đồng thời có văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung, phạm vi lập vi bằng thống nhất trên toàn quốc.

4. Sửa đổi quy định "Vi bằng lập thành 03 bản chính: 01 bản giao người yêu cầu; 01 bản gửi Sở Tư pháp để đăng ký trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lập vi bằng; 01 bản lưu trữ tại văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về chế độ lưu trữ đối với văn bản công chứng" theo hướng để các Thừa phát lại tự chịu trách nhiệm về tính pháp lý của vi bằng do mình lập và lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại, tương tự như quy định pháp luật về công chứng.

5. Tổ chức tọa đàm về công tác quản lý nhà nước về Thừa phát lại. 


Lượt người xem:  Views:   2086
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin mới nhất

Tác giả

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Ảnh
Video
Audio