Giám định tư pháp
Thứ 5, Ngày 31/05/2018, 17:00
Một số nội dung cơ bản của Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
31/05/2018 | Nguyễn Thị Vân Anh
Sau 05 năm thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” (Đề án 258), hầu hết các nhiệm vụ, giải pháp đã được tổ chức thực hiện có kết quả trên thực tế, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc của hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu tố tụng trong thời gian qua. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 258 cũng như bổ sung, hoàn thiện các nhiệm vụ mới nhằm tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám định tư pháp cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng trong giai đoạn tiếp theo thì việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp là yêu cầu cần thiết, khách quan. Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2017, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan xây dựng dự thảo Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Ngày 28/02/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 250/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250).

Đề án bao gồm một số nội dung cơ bản như sau:
1. Mục tiêu của Đề án 250
Đề án 250 được ban hành nhằm tiếp tục đổi mới và tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng trong thời gian tới và thúc đẩy xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, Đề án 250 đã xác định rõ 07 mục tiêu cụ thể cần đạt được trong 05 năm tới để công tác giám định tư pháp phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới: (1) Hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, khả thi, phù hợp với tình hình mới; (2) Hoàn thiện hệ thống tổ chức pháp y tâm thần theo hướng chú trọng yếu tố trọng điểm, khu vực; (3) Đào tạo nguồn nhân lực pháp y, pháp y tâm thần về số lượng, chất lượng chuyên môn và kiến thức pháp lý; (4) Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho tổ chức giám định tư pháp công lập; (5) Nghiên cứu, kiến nghị cơ chế phù hợp để tổ chức thực hiện giám định theo yêu cầu của hoạt động tố tụng trong các lĩnh vực không có tổ chức giám định tư pháp công lập chuyên trách và đề ra giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp; (6) Kiến nghị chính sách bảo đảm việc đãi ngộ và thu hút người làm giám định; (7) Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và giữa cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan trưng cầu giám định.
2. Các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án 250
Trên cơ sở kết quả tổng kết 05 năm thực hiện Đề án 258 và mục tiêu cần đạt được trong giai đoạn tiếp theo, Đề án 250 đã đưa ra 03 nhóm nhiệm vụ với 15 giải pháp trọng tâm, cụ thể:
Nhóm nhiệm vụ thứ nhất tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện chế định giám định tư pháp. Ngay trong năm 2018, các cơ quan tiến hành tố tụng phải ban hành văn bản hướng dẫn việc trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời, cũng trong năm 2018, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần rà soát, ban hành đầy đủ các văn bản quy định về quy trình giám định hoặc hướng dẫn áp dụng quy trình giám định ở các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, văn hóa, tài nguyên và môi trường, đầu tư, thông tin và truyền thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, khoa học và công nghệ…trong đó quy định rõ thời hạn giám định ở từng lĩnh vực, bảo đảm hoạt động giám định tư pháp được thực hiện theo trình tự thống nhất trong cả nước.
Nhóm nhiệm vụ thứ hai tập trung vào việc hoàn thiện tổ chức giám định tư pháp; nâng cao chất lượng người giám định tư pháp; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giám định.
Về hoàn thiện tổ chức giám định tư pháp, trước mắt, trong năm 2018, Bộ Y tế cần nghiên cứu, thành lập Phân viện Viện Pháp y tâm thần Trung ương tại Bắc miền Trung, Phân viện Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa tại Nam Trung Bộ và các khu vực khác để đáp ứng kịp thời yêu cầu của hoạt động tố tụng về giám định pháp y tâm thần. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng rà soát, củng cố hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự theo hướng tinh gọn, không thành lập mới và đầu tư trọng điểm khu vực.
Về nâng cao chất lượng người giám định tư pháp, đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa có đơn vị đầu mối để tiếp nhận, báo cáo người có thẩm quyền quyết định phân công tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện giám định thì ngay trong quý II năm 2018 cần chỉ định đơn vị đầu mối và có biện pháp tăng cường năng lực, trách nhiệm của đơn vị này. Đồng thời, hằng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần tăng cường bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp lý, nghiệp vụ giám định cho đội ngũ người giám định tư pháp và người tiến hành tố tụng. Riêng đối với đội ngũ giám định viên pháp y, pháp y tâm thần, để góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ này, Bộ Y tế cần nghiên cứu, kiến nghị các giải pháp hiệu quả thực hiện Đề án “khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh giai đoạn 2013-2020”. Cuối cùng, để huy động được tối đa đội ngũ các tổ chức chuyên môn và chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực đang có nhu cầu giám định tư pháp tăng cao tham gia vào hoạt động giám định tư pháp theo cơ chế cung cấp dịch vụ thì Bộ Tư pháp cần nghiên cứu, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt Đề án đẩy mạnh xã hội hóa giám định tư pháp sao cho bảo đảm điều kiện để thực hiện xã hội hóa được các lĩnh vực này trên thực tế.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giám định, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng cần nghiên cứu, kiến nghị các giải pháp sử dụng nguồn ngân sách Trung ương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giám định cho tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực Bộ mình quản lý. Đồng thời, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng có các giải pháp sử dụng ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm pháp y tại địa phương mình.
Nhóm nhiệm vụ thứ ba tập trung vào việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giám định tư pháp. Để thực hiện nhiệm vụ này, mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ cần có giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ mình và giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng với nhau cần nâng cao cơ chế phối hợp sao cho chặt chẽ, hiệu quả.
Vì vậy, về phía từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong năm 2018 cần đổi mới quy trình rà soát lập và công bố danh sách người làm giám định tư pháp theo vụ việc đảm bảo chính xách, thuận lợi trong hoạt động trưng cầu giám định. Đồng thời, cần hoàn thiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực làm giám định tư pháp. Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ quản lý chung về giám định tư pháp sẽ chủ trì nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp cho phù hợp với thực tế. Riêng Bộ Y tế với đặc thù quản lý đội ngũ giám định viên pháp y, pháp y tâm thần đang đứng trước thực trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng thì cần khẩn trương nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chế độ đặc thù cho nhóm đối tượng này như chế độ trực, chế độ phụ cấp thâm niên và việc kéo dài thời gian công tác. Bên cạnh đó, hằng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần phải tăng cường kiểm tra, thanh tra tình hình tổ chức, hoạt động giám định tư pháp, việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan tiến hành tố tụng về giám định tư pháp.
Đối với việc nâng cao cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau cũng như giữa cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan tiến hành tố tụng thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao được giao trong năm 2018 chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, trình Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành lập Tổ tư vấn liên ngành về công tác giám định tư pháp để kịp thời tham mưu các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về giám định tư pháp trong quá trình chỉ đạo, giải quyết các vụ án tham nhũng. Bộ Tư pháp chủ trì ban hành Quy chế phối hợp liên ngành giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao. Bộ Công an chủ trì ban hành Quy chế phối hợp giữa cơ qua trưng cầu giám định với cơ quan, tổ chức được trưng cầu và thực hiện giám định. Hai Quy chế phối hợp này cũng phải được ban hành trong năm 2018. Giải pháp cuối cùng trong nhóm nhiệm vụ này là tổ chức họp giao ban liên ngành định kỳ hằng năm để thông tin, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về giám định tư pháp.
3. Yêu cầu đặt ra với các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai Đề án 250
Để bảo đảm thực thi các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án 250, yêu cầu đầu tiên đặt ra đối với các Bộ, ngành, địa phương là cần khẩn trương triển khai, có kế hoạch thực hiện Đề án tại Bộ, ngành, địa phương mình; trong đó, cần xác định rõ nhiệm vụ cần thực hiện, thời hạn hoàn thành. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cũng khẩn trương tổ chức quán triệt, xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành ở địa phương mình. Để bảo đảm điều kiện kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được giao, các Bộ, ngành, địa phương cần xây dựng dự toán để gửi cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của Đề án.
Các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục củng cố, kiện toàn, bảo đảm điều kiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án ở cấp Trung ương và các địa phương. Trước hết, các Bộ, ngành, địa phương phải rà soát lại danh sách Ban Chỉ đạo Đề án, lựa chọn những người có năng lực, trách nhiệm, tâm huyết, thực sự là đại diện của các cơ quan, đơn vị chức năng để giúp Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án. Đồng thời, cần đổi mới cách thức, chất lượng các cuộc họp của Ban Chỉ đạo để thực hiện hiệu quả, kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án.
Cuối cùng, các Bộ, ngành có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án ở ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý. Bộ Tư pháp có trách nhiệm làm đầu mối hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tăng cường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan để tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ, ngành, địa phương./.
                                                  ​Vân Anh - Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp

​(Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)​)

Lượt người xem:  Views:   1698
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin mới nhất

Tác giả

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Ảnh
Video
Audio