Đấu giá
Thứ 6, Ngày 02/10/2020, 22:00
Tình hình thực hiện Đề án “Phát triển và tăng cường năng lực đội ngũ đấu giá viên giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
02/10/2020

Thực hiện Công văn số 575/BTTP-ĐGTS ngày 11/6/2020 của Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp, ngày 30/9/2020 Sở Tư pháp đã ban hành Báo cáo số 135/STP-BTTP về tình hình thực hiện Đề án "Phát triển và tăng cường năng lực đội ngũ đấu giá viên giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020" trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Báo cáo đã nêu lên thực trạng tổ chức, hoạt động đấu giá và công tác quản lý nhà nước đấu giá trên địa bàn tỉnh từ năm 2013 cho đến nay, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới cũng như các kiến nghị, đề xuất.

I. THỰC TRẠNG, TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG ĐẤU GIÁ VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤU GIÁ

1. Kết quả đạt được

a) Công tác xây dựng chính sách, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đấu giá tài sản tại địa phương

Công tác xây dựng chính sách, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đấu giá tài sản được Sở Tư pháp thực hiện thường xuyên, đảm bảo tính kịp thời. Cụ thể như sau:

- Sở Tư pháp đã tiến hành rà soát, lập danh mục và tổ chức tự kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực do HĐND, UBND tỉnh ban hành quy định về bán đấu giá tài sản, bán đấu giá quyền sử dụng đất và tham mưu UBND tỉnh Bình Dương ban hành Văn bản số 48/BC-UBND ngày 27/5/2014 báo cáo Bộ Tư pháp về kết quả rà soát, tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành quy định về bán đấu giá tài sản, bán đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, có 05 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành còn hiệu lực quy định về bán đấu giá tài sản, bán đấu giá quyền sử dụng đất, gồm: 01 Nghị quyết[1]; 03 Quyết định[2] và 01 Chỉ thị[3].

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Sở Tư pháp đã kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với quy định Trung ương cũng như tình hình thực tế địa phương.

- Sở Tư pháp tham gia phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (thông qua việc thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật) tham mưu UBND tỉnh trình Quyết định số 70/2015/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 về việc ban hành Quy định bán đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương (thay thế Quyết định số 26/2013/QĐ-UBND ngày 23/9/2013 của UBND tỉnh).

- Thực hiện quy định của Luật Đấu giá tài sản và Công văn số 3319/BTP-BTTP ngày 13/9/2017 của Bộ Tư pháp về thi hành Luật đấu giá tài sản, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2018 và thay thế Quyết định số 70/2015/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Phát triển đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản

- Phát triển đội ngũ đấu giá viên

Căn cứ vào Kế hoạch tổng thể triển khai Đề án "Phát triển và tăng cường năng lực đội ngũ đấu giá viên giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020" của Bộ Tư pháp và tình hình thực tiễn tại địa phương, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 656/QĐ-UBND ngày 26/3/2014 về việc ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án "Phát triển và tăng cường năng lực đội ngũ đấu giá viên giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020" trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trong đó, đề ra nhiệm vụ thu hút người có năng lực, trình độ tham gia hoạt động đấu giá tại địa phương, phát triển hợp lý đội ngũ đấu giá viên trung bình mỗi năm phát triển từ 01 đến 02 đấu giá viên trở lên.

Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Sở Tư pháp đã có công văn gửi các tổ chức  đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh, đồng thời thông báo công khai trên website của Sở về việc đăng ký tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá. Tuy nhiên, do số lượng học viên ít nên đã trực tiếp đăng ký tại Học viện Tư pháp - Thành phố Hồ Chí Minh. Để tạo nguồn bổ nhiệm đấu giá viên, Sở Tư pháp luôn quan tâm, tạo điều kiện về mặt thời gian cho đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động làm việc tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản có nhu cầu tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá. Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 33 người đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá và hiện có 16 người đã được Sở Tư pháp cấp Thẻ đấu giá viên (trong đó: Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản: 03 đấu giá viên, các doanh nghiệp đấu giá tài sản: 13 đấu giá viên).

So với năm 2013, số lượng đấu giá viên hành nghề đấu giá tại các tổ chức đấu giá của tỉnh Bình Dương tăng lên gần gấp đôi (từ 09 đấu giá viên lên 16 đấu giá viên). Chất lượng đội ngũ đấu giá viên cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc. Các đấu giá viên tích cực học tập nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ; phẩm chất đạo đức, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do cơ quan có thẩm quyền tổ chức. Một số đấu giá viên có thời gian công tác đấu giá lâu năm, tích lũy nhiều kinh nghiệm trong quá trình hành nghề.

- Phát triển tổ chức đấu giá tài sản

Năm 2013, trên toàn tỉnh có 08 tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, gồm: Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh, 03 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, 04 doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề có kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản. Từ năm 2013 đến nay, đã có 10 doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập mới và cũng có 10 doanh nghiệp đấu giá tài sản chấm dứt hoạt động (trong đó, 09 doanh nghiệp không thực hiện chuyển đổi hoạt động theo quy định của Luật Đấu giá tài sản đã chấm dứt hoạt động kể từ ngày 01/7/2019 và 01 doanh nghiệp chấm dứt kể từ ngày 02/01/2020).

Tính đến ngày 30/9/2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 08 tổ chức đấu giá tài sản, gồm: Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản và 07 doanh nghiệp đấu giá tài sản (hiện nay 02 doanh nghiệp đấu giá tạm ngừng hoạt động). Ngoài ra, có 08 chi nhánh của doanh nghiệp đấu giá tài sản đăng ký hoạt động tại tỉnh Bình Dương.

Tổ chức đấu giá tài sản chủ yếu tập trung tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An. Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Bình Dương được bố trí trụ sở làm việc với các trang bị cơ sở vật chất đầy đủ đảm bảo cho việc thực hiện công tác chuyên môn. Một số doanh nghiệp đấu giá tài sản có sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc khang trang, bố trí phòng họp, hội trường đấu giá riêng.

Nhìn chung các tổ chức đấu giá tài sản có năng lực hoạt động khá tốt, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ đấu giá của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Hoạt động đấu giá tài sản góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho một bộ phận người lao động, ngăn ngừa tiêu cực, tránh thất thoát tài sản, bảo đảm quyền lợi cho cá nhân, tổ chức có tài sản. Tuy nhiên, năng lực hoạt động giữa các tổ chức đấu giá không đồng đều, có sự phân hóa rõ rệt. Số lượng vụ việc đấu giá chủ yếu tập trung vào một số tổ chức đấu giá. Các tổ chức đấu giá còn lại nguồn việc ít, hoạt động cầm chừng và chưa mang tính chuyên nghiệp.

c) Hoạt động đấu giá tài sản tại địa phương

Kết quả hoạt động đấu giá tài sản từ năm 2013 đến ngày 31/7/2020 được thể hiện tại Phụ lục kèm theo Báo cáo này.

d) Công tác quản lý nhà nước đối với đội ngũ đấu giá viên và hoạt động đấu giá tài sản tại địa phương

- Việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Đấu giá tài sản

Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 17/11/2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2017. Để triển khai thi hành Luật kịp thời, thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 2128/KH-UBND ngày 30/5/2017 về triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trên cơ sở Kế hoạch số 2128/KH-UBND, 7/9 huyện, thị và thành phố của tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật phù hợp với tình hình thực tiễn từng địa phương.

Ngày 20/6/2017, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật với sự tham dự của 150 đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành; Đoàn luật sư tỉnh; các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh, doanh nghiệp nhà nước thuộc trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố; một số cơ quan trên địa bàn huyện, thị xã và thành phố; các tổ chức bán đấu giá tài sản, tổ chức hành nghề công chứng, Văn phòng Thừa phát lại, quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn tỉnh.

Sở Tư pháp đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương tuyên truyền, phổ biến Luật Đấu giá tài sản và Nghị định 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản thông qua tham gia chương trình "Pháp luật và cuộc sống".  

Sở Tư pháp còn thường xuyên đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật và các tin bài liên quan đến Luật Đấu giá tài sản trên Trang thông tin điện tử của Sở; hàng năm phát hành trên 13.000 tờ gấp pháp luật giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Đấu giá tài sản.

Việc tuyên truyền, phổ biến Luật Đấu giá tài sản với các hình thức nêu trên đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh về vai trò, ý nghĩa của hoạt động đấu giá tài sản.

- Việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng

Khi có văn bản của Bộ Tư pháp, Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật thuộc Cục Công tác phía Nam - Bộ Tư pháp về việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, Sở Tư pháp đều thông báo đến các tổ chức đấu giá tài sản được biết và đề nghị các tổ chức cử đấu giá viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng.

- Công tác kiểm tra, thanh tra

Kế hoạch công tác thanh tra hằng năm của Sở Tư pháp được ban hành đảm bảo trong thời gian quy định. Công tác thanh tra từng bước được đổi mới, số cuộc và số đơn vị được thanh tra, kiểm tra được tăng lên. Việc triển khai các cuộc thanh tra được thực hiện theo đúng kế hoạch và tiến độ đề ra, đảm bảo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng đã kịp thời thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Qua công tác thanh tra giúp cơ quan quản lý nắm rõ hơn về tình hình tổ chức, hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản; thấy được những ưu điểm, đồng thời phát hiện các thiếu sót, tồn tại, bất cập để kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Từ năm 2013 đến nay, Sở Tư pháp tiến hành 07 cuộc thanh tra và 01 cuộc kiểm tra đột xuất đối với 08 tổ chức đấu giá tài sản. Qua đó, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong quá trình hoạt động của tổ chức đấu giá. Chánh Thanh tra Sở Tư pháp đã ban hành 04 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 38.500.000 đồng (trong đó: 03 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức đấu giá với số tiền 32.500.000 đồng và 01 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân với số tiền 6.000.000 đồng).

- Việc thực hiện các giải pháp quản lý hoạt động đấu giá tài sản tại địa phương

+ Kịp thời triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh về đấu giá: từ năm 2013 đến nay Sở Tư pháp đã tham mưu UBND, HĐND tỉnh đã ban hành 09 văn bản quy phạm pháp luật; ban hành 02 kế hoạch và nhiều Công văn liên quan đến hoạt động đấu giá.

+ Hàng năm ban hành văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh tình hình tổ chức và hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản.

+ Tổ chức họp trao đổi về hoạt động đấu giá tài sản

Ngày 04/10/2019, Sở Tư pháp tổ chức họp trao đổi về hoạt động đấu giá tài sản với sự tham gia của các tổ chức đấu giá tài sản và chi nhánh của các doanh nghiệp đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp đã ban hành Văn bản số 1945/TB-STP ngày 24/10/2019 chỉ đạo các tổ chức đấu giá tài sản cần tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức nhân sự, đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ tốt cho hoạt động dịch vụ đấu giá và nâng cao uy tín của tổ chức đấu giá tài sản; thực hiện việc đấu giá tài sản theo đúng quy định của Luật Đấu giá tài sản và các quy định pháp luật khác có liên quan; đấu giá viên của các tổ chức đấu giá tài sản phải thường xuyên cập nhật quy định pháp luật, tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, trong quá trình hành nghề, đấu giá viên phải tuân thủ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên,...

+ Sở Tư pháp cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan (cơ quan tài nguyên và môi trường, cơ quan thi hành án,...) nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đấu giá tài sản.

2. Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện

a) Khó khăn, vướng mắc

Theo Kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án "Phát triển và tăng cường năng lực đội ngũ đấu giá viên giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020" trên địa bàn tỉnh Bình Dương (ban hành kèm theo Quyết định số 656/QĐ-UBND ngày 26/3/2014 của UBND tỉnh) có đề ra nhiệm vụ "phát huy vai trò tự quản của tổ chức Hội đấu giá tài sản" trong giai đoạn năm 2016 - 2020. Tuy nhiên, cho đến nay, tỉnh Bình Dương vẫn chưa thành lập được Hội đấu giá tài sản.

b) Nguyên nhân

- Điều 21 Luật Đấu giá tài sản quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên như sau:

"1. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên là tổ chức tự quản được thành lập để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đấu giá viên; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề cho đấu giá viên; giám sát việc tuân theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên; thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về hội và Điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên.

2. Việc thành lập, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên được thực hiện theo quy định của pháp luật về hội và quy định của Luật này".

Quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên nêu trên còn chung chung nên việc triển khai trên thực tế gặp khó khăn.

- Số lượng đấu giá viên trên địa bàn tỉnh Bình Dương ít, do đó, việc thành lập Hội đấu giá tài sản giai đoạn này là chưa cần thiết.

II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Phương hướng, nhiệm vụ

- Xây dựng, phát triển đội ngũ đấu giá viên đảm bảo số lượng, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề và có đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển nghề đấu giá trong thời gian tới.

- Củng cố, kiện toàn và phát triển các tổ chức đấu giá tài sản có đủ năng lực cung cấp dịch vụ đấu giá đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

2. Giải pháp

- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về về vai trò, vị trí của hoạt động đấu giá cũng như đội ngũ đấu giá viên trong xã hội.

- Rà soát các quy định của Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, phát hiện các vướng mắc, bất cập và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung.

- Tăng cường sự phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để chủ động hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong phạm vi thẩm quyền thi hành Luật Đấu giá tài sản và các quy định có liên quan.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh những sai sót và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động đấu giá.

- Cử người tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về đấu giá cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản; các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ đấu giá viên.

III. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

- Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn về việc thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp của đấu giá viên.

- Kiến nghị Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về đấu giá cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản; các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ đấu giá viên nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ đấu giá viên./.



[1] Nghị quyết số 39/2012/NQ-HĐND8 ngày 10/12/2012 của HĐND tỉnh về mức thu phí đấu giá tài sản, phí tham gia đấu giá tài sản và phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

[2] Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 04/1/2013 của UBND tỉnh về việc quy định mức thu phí đấu giá tài sản, phí tham gia đấu giá tài sản, phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương và tỷ lệ phần trăm để lại trên số tiền phí đấu giá, phí tham gia đấu giá thu được cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tỉnh Bình Dương;

Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND ngày 04/4/2013 của UBND tỉnh về việc quy định mức khoán chi phí bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương;

Quyết định số 26/2013/QĐ-UBND ngày 23/9/2013 của UBND tỉnh ban hành Quy chế bán đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

[3] Chỉ thị số 05/2010/CT-UBND ngày 28/12/2010 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Lượt người xem:  Views:   1991
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin mới nhất

Tác giả

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Ảnh
Video
Audio