Đấu giá
Thứ 3, Ngày 07/07/2020, 23:00
Một số vấn đề pháp lý đặt ra qua thực tiễn công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
07/07/2020

Ngày 17/11/2016, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua Luật Đấu giá tài sản, Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2017. Luật Đấu giá tài sản được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho sự phát triển hoạt động đấu giá tài sản theo hướng chuyên nghiệp hóa; từng bước củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, tạo lập môi trường giao dịch công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đấu giá của các cá nhân, tổ chức; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Sau 03 năm triển khai thực hiện, Luật Đấu giá tài sản cơ bản đã khắc phục các hạn chế, bất cập của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và Thông tư số 23/2010/TT-BTP trước đây. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản thời gian qua cho thấy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do Luật Đấu giá tài sản chưa quy định hoặc quy định chưa rõ ràng, cụ thể.

1. Về hủy kết quả đấu giá tài sản

Theo quy định tại Điều 72 Luật Đấu giá tài sản, kết quả đấu giá tài sản bị hủy trong các trường hợp sau đây:

"1. Theo thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản và người trúng đấu giá về việc hủy kết quả đấu giá tài sản hoặc giữa người có tài sản đấu giá và người trúng đấu giá về việc hủy giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, trừ trường hợp gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức;

2. Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá bị Tòa án tuyên bố vô hiệu theo quy định của pháp luật về dân sự trong trường hợp người trúng đấu giá có hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5 Điều 9 của Luật này;

3. Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản bị hủy bỏ theo quy định tại khoản 6 Điều 33 của Luật này;

4. Người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên có hành vi thông đồng, móc nối, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá dẫn đến làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá hoặc hồ sơ tham gia đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản;

5. Theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp đấu giá tài sản nhà nước khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 33 của Luật này".

Thực tế hiện nay, qua kiểm tra, rà soát hồ sơ đấu giá cho thấy có một số trường hợp việc tổ chức đấu giá tài sản thi hành án, tài sản bảo đảm của Ngân hàng (không phải là tài sản nhà nước) có sai sót, vi phạm về trình tự, thủ tục, trong đó có những vi phạm nghiêm trọng như tổ chức đấu giá tài sản tổ chức cuộc đấu giá không đúng quy định về hình thức đấu giá, phương thức đấu giá theo Luật Đấu giá tài sản, Quy chế cuộc đấu giá dẫn đến làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản. Tại thời điểm phát hiện vi phạm, các trường hợp này đã quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, vì vậy cơ quan quản lý nhà nước không thể xử phạt vi phạm hành chính. Hơn thế nữa, các trường hợp này cũng không thuộc trường hợp phải hủy kết quả đấu giá tài sản. Đây là một bất cập rất lớn, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.

Đề xuất, kiến nghị: Bổ sung quy định về hủy kết quả đấu giá tài sản trong trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phát hiện việc đấu giá tài sản có vi phạm về trình tự, thủ tục tại Điều 72 Luật Đấu giá tài sản.

2. Về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá ngay tình

Tại Điều 7 Luật Đấu giá tài sản quy định:

"1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá ngay tình.

2. Trường hợp có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản đấu giá thì quyền sở hữu vẫn thuộc về người mua được tài sản đấu giá ngay tình.

Việc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản đấu giá, khiếu nại, khởi kiện về hiệu lực pháp lý của cuộc đấu giá thành, việc hủy kết quả đấu giá tài sản quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 72 của Luật này được thực hiện theo thủ tục rút gọn của pháp luật tố tụng dân sự.

3. Trường hợp có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ các quyết định liên quan đến tài sản đấu giá trước khi tài sản được đưa ra đấu giá nhưng trình tự, thủ tục đấu giá tài sản bảo đảm tuân theo quy định của Luật này thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu của người mua được tài sản đấu giá ngay tình, trừ trường hợp kết quả đấu giá tài sản bị hủy theo quy định tại Điều 72 của Luật này".

So với quy định tại Điều 4 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP thì Điều 7 Luật Đấu giá tài sản lần đầu tiên đề cập đến "người mua được tài sản đấu giá ngay tình". Tuy nhiên, Luật Đấu giá tài sản chưa quy định rõ trường hợp nào được xem là "người mua được tài sản đấu giá ngay tình". Ngoài ra, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng chưa giải thích như thế nào là "ngay tình".

Từ điển Luật học do Nhà xuất bản Tư pháp - Nhà xuất bản Từ điển bách khoa ấn hành năm 2006 đưa ra định nghĩa "ngay tình" là lòng ngay thẳng, thực thà, tình thế rõ ràng. Có quan điểm cho rằng, "người mua được tài sản đấu giá ngay tình" là người tham gia và trúng đấu giá một cách khách quan, không vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản[1]. Bên cạnh đó, cũng có quan điểm khác cho rằng, "người mua được tài sản đấu giá ngay tình" phải thỏa mãn hai điều kiện: i) người đó tham gia và trúng đấu giá một cách khách quan, không vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản; ii) trình tự, thủ tục đấu giá tài sản bảo đảm tuân theo quy định của Luật Đấu giá tài sản.

Do chưa được quy định cụ thể, rõ ràng nên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương rất khó xác định "người mua được tài sản đấu giá ngay tình".

Đề xuất, kiến nghị: Sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản theo hướng quy định rõ trường hợp nào được xem là "người mua được tài sản đấu giá ngay tình" tại Điều 7 Luật Đấu giá tài sản.

3. Về thủ tục chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản trong trường hợp giải thể, hợp nhất, bị sáp nhập

Luật Đấu giá tài sản đã có các quy định về thủ tục đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản và được quy định như là một thủ tục hành chính bắt buộc. Tuy nhiên, đối với trường hợp doanh nghiệp đấu giá tài sản giải thể, hợp nhất, bị sáp nhập (thuộc các trường hợp tự chấm dứt hoạt động) thì thủ tục chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản chưa được Luật Đấu giá tài sản quy định cụ thể về trình tự thực hiện, thành phần hồ sơ. Vì vậy, doanh nghiệp đấu giá tài sản cũng như Sở Tư pháp đều lúng túng trong việc thực hiện quy định này.

Mặt khác, theo Khoản 2 Điều 31 Luật Đấu giá tài sản "Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp đấu giá tài sản chấm dứt hoạt động, Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở; công bố thông tin về việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp".

Quy định này còn chung chung dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau:

- Thứ nhất, thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp đấu giá tài sản chấm dứt hoạt động được tính từ thời điểm doanh nghiệp đấu giá tài sản ban hành quyết định giải thể, hợp nhất, sáp nhập.

- Thứ hai, thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp đấu giá tài sản chấm dứt hoạt động được tính từ thời điểm Sở Tư pháp nhận được quyết định giải thể, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp đấu giá tài sản.

Đề xuất, kiến nghị: Bộ Tư pháp ban hành văn bản quy định cụ thể, chi tiết thủ tục chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản trong trường hợp giải thể, hợp nhất, bị sáp nhập.

4. Về lưu trữ hồ sơ đấu giá

Lưu trữ hồ sơ đấu giá là khâu cuối cùng của quy trình đấu giá tài sản và có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc lưu giữ thông tin để phục vụ cho hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản, công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước. Trong một số trường hợp, hồ sơ đấu giá còn là tài liệu, chứng cứ quan trọng để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Đặc biệt, đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất, tài sản nhà nước, tài sản có giá trị lớn thì hồ sơ đấu giá càng cần phải được bảo quản cẩn thận, lưu trữ lâu dài.

Trước đây, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và Thông tư số 23/2010/TT-BTP chưa có quy định nào về chế độ lưu trữ hồ sơ đấu giá. Đến Luật Đấu giá tài sản, tại Điều 54 có quy định:

"1. Người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, người có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện việc lưu trữ hồ sơ đấu giá trong thời hạn 05 năm kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá.

2. Trình tự, thủ tục lưu trữ thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ".

Thực tế cho thấy thời hạn lưu trữ hồ sơ đấu giá 05 năm là quá ngắn, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Bên cạnh đó, đã có trường hợp tại thời điểm điều tra, truy tố, xét xử thì doanh nghiệp đấu giá tài sản đã chấm dứt hoạt động, trong khi đó pháp luật chưa có quy định về bàn giao, lưu trữ hồ sơ đấu giá tài sản khi tổ chức đấu giá tài sản chấm dứt hoạt động. Vì vậy, việc thẩm định tính pháp lý của hồ sơ đấu giá cũng gặp nhiều khó khăn.

Đề xuất, kiến nghị: Sửa đổi quy định tại Điều 54 Luật Đấu giá tài sản về thời hạn lưu trữ hồ sơ đấu giá là 20 năm và bổ sung quy định về bàn giao, lưu trữ hồ sơ đấu giá tài sản khi tổ chức đấu giá tài sản chấm dứt hoạt động.



[1] Khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản quy định "Nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi sau đây:

a) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá;

b) Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;

c) Cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá;

d) Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;

đ) Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan"./.

 

Lượt người xem:  Views:   8009
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin mới nhất

Tác giả

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Ảnh
Video
Audio