Công chứng
Thứ 6, Ngày 06/12/2019, 14:00
Nhìn lại 05 năm triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
06/12/2019

Luật Công chứng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 20/6/2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015. Xuất phát từ nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của hoạt động công chứng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong 05 năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Công chứng và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thi hành Luật Công chứng

Để triển khai thi hành Luật Công chứng được đồng bộ, thống nhất và có hiệu quả, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 4477/KH-UBND ngày 19/12/2014 về việc triển khai thi hành Luật Công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân các cấp địa phương tích cực chỉ đạo triển khai thi hành Luật thông qua việc tuyên truyền, phổ biến Luật Công chứng, cũng như tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị có liên quan và công chức tư pháp hộ tịch xã, phường, thị trấn tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ về lĩnh vực công chứng, chứng thực do Sở Tư pháp, Hội Công chứng viên tỉnh tổ chức. Sở Tư pháp đã chỉ đạo các Phòng Tư pháp giao ban tư pháp mời tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn cấp huyện tham dự theo định kỳ tháng, quý để nắm bắt tình hình hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, đồng thời tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn thi hành Luật Công chứng.

Công tác tổ chức triển khai thi hành Luật Công chứng

Việc tuyên truyền, phổ biến Luật Công chứng được các cấp, các ngành, các địa phương và tổ chức hành nghề công chứng chú trọng và thực hiện thường xuyên. Đối với cấp tỉnh, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai Luật cho khoảng hơn 500 đại biểu là lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp cùng đại diện các cơ quan, sở, ban, ngành, đoàn thể và công chứng viên của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh; chủ động phối hợp với Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Dương thực hiện các chương trình giới thiệu, phỏng vấn, phóng sự, tọa đàm…về đề tài công chứng, trung bình mỗi năm phát hành 20.000 tờ gấp pháp luật về công chứng; phổ biến quy định pháp luật về công chứng qua việc trợ giúp pháp lý,... Các sở, ban, ngành, đoàn thể đã lồng ghép việc tuyên truyền Luật Công chứng trong sinh hoạt "Ngày pháp luật" hàng tháng đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị mình; tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết và thực hiện pháp luật về công chứng khi giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động công chứng (Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Ban Quản lý các khu nghiệp công nghiệp tỉnh,...).

Đối với cấp huyện, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Thủ Dầu Một đã chỉ đạo Phòng Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật, phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức phổ biến rộng rãi quy định pháp luật về công chứng qua hệ thống loa, đài truyền thanh.

Tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc tuyên truyền, phổ biến Luật Công chứng đến người dân được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: niêm yết bộ thủ tục hành chính về công chứng, mức trần thù lao công chứng, thù lao dịch thuật tại trụ sở, nội quy, quy trình công chứng; trong quá trình hành nghề, các công chứng viên tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên, giải thích cho người dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng. Ngoài ra, một số tổ chức hành nghề công chứng còn tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật công chứng trong Ngày hội pháp luật do Sở Tư pháp tổ chức, tham gia chương trình tư vấn pháp luật trực tiếp trên sóng phát thanh 92,5 MHz nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật và giải đáp các khó khăn, vướng mắc của người dân liên quan đến công chứng (Phòng công chứng số 1, Phòng công chứng số 2, Văn phòng công chứng Tân Uyên,…).

Thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật công chứng đa đạng nêu trên, nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động công chứng được nâng lên rõ rệt, tạo tiền đề cho việc triển khai có hiệu quả Luật Công chứng trên địa bàn tỉnh.

 Sau khi Luật Công chứng có hiệu lực thi hành, Sở Tư pháp thường xuyên rà soát các văn bản do địa phương ban hành liên quan đến tổ chức và hoạt động công chứng để kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế tại địa phương. Năm 2015, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 41/2015/QĐ-UBND ngày 30/9/2015 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND ngày 20/6/2013 về chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch sang tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đã được bổ sung bởi Quyết định số 36/2013/QĐ-UBND ngày 11/11/2013; Quyết định số 2544/QĐ-UBND ngày 05/10/2015 về việc ban hành Quy định tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

         Hàng năm, công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề và đạo đức nghề nghiệp công chứng luôn được Sở Tư pháp, Hội Công chứng viên tỉnh phối hợp tổ chức thực hiện đúng theo quy định của Thông tư số 06/2015/TT-BTP ngày 15/6/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào những vấn đề thiết thực, sát sườn với thực tiễn hành nghề công chứng tại địa phương như: quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013, những điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015, kỹ năng tiếp xúc khách hàng, kỹ năng nhận diện giấy tờ giả,...

Công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp huyện và các tổ chức, đơn vị có liên quan trong quản lý nhà nước về công chứng được thực hiện nhịp nhàng, chặt chẽ và có hiệu quả. Sở Tư pháp đã tích cực, chủ động xây dựng, ký kết Quy chế phối hợp với các cơ quan có liên quan, cụ thể:

- Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Dương ký ngày 04/5/2016 giữa Sở Tư pháp và Hội Công chứng viên tỉnh. Sau hơn 03 năm triển khai thực hiện Quy chế, công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp và Hội Công chứng viên tỉnh đạt được hiệu quả cao, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước gắn với việc phát huy vai trò tự quản của Hội Công chứng viên trong tổ chức và hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh.

- Quy chế phối hợp công tác ký kết ngày 10/10/2016 giữa Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương. Theo đó, hai cơ quan có sự phối hợp trong công tác chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cung cấp, trao đổi thông tin quyết định kê biên xử lý tài sản; quyết định tạm dừng/chấm dứt tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản và xác minh các thông tin có liên quan nhằm tạm dừng công chứng các hợp đồng, giao dịch theo quy định để kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán tài sản thi hành án, đồng thời đảm bảo giá trị pháp lý của các văn bản công chứng.

- Quy chế phối hợp số 427/QCPH/STP-CAT về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh Bình Dương ký ngày 06/4/2018, Sở Tư pháp và Công an tỉnh Bình Dương. Việc ký kết Quy chế phối hợp tạo ra sự thống nhất, kịp thời trong quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến công chứng, chứng thực. Qua hơn 01 năm triển khai thực hiện, Quy chế đã góp phần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của hai cơ quan trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về công chứng, chứng thực, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

- Ngày 21/4/2017, Sở Tư pháp tổ chức Tọa đàm về hoạt động công chứng, chứng thực với sự tham gia của đại diện Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh, Phòng Nội chính Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện và các tổ chức hành nghề công chứng nhằm trao đổi, thảo luận và giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động công chứng, chứng thực như: việc cung cấp thông tin đất đai, sửa lỗi kỹ thuật trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công chứng hợp đồng thế chấp, xác nhận, chứng thực các giấy tờ về hộ tịch,...Thông qua buổi Tọa đàm đã góp phần tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc, thống nhất cách giải quyết đảm bảo trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, Hội công chứng viên, tạo thuận lợi giải quyêt nhanh hơn cho người dân. Các tổ chức hành nghề công chứng nghiêm túc rà soát, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh một số hạn chế trong quá trình hành nghề; Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, chấn chỉnh và tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Sở Tư pháp, tổ chức hành nghề công chứng nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng.

Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra tại Kế hoạch số 4477/KH-UBND ngày 19/12/2014. Bình Dương là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành mức trần thù lao công chứng (Quyết định số 04/2015/QĐ-UBND ngày 26/02/2015 về việc ban hành mức trần thù lao công chứng và thù lao dịch thuật trên địa bàn tỉnh Bình Dương). Quyết định số 04/2015/QĐ-UBND đã được các tổ chức hành nghề công chứng, Phòng Tư pháp và các tổ chức, cá nhân có liên thực hiện nghiêm túc. Việc áp dụng mức trần thù lao công chứng và thù lao dịch thuật góp phần giảm thiểu tình trạng thu thù lao tùy tiện và cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng.

Ngày 21/12/2015, Hội Công chứng viên tỉnh Bình Dương được thành lập theo Quyết định số 3341/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đây là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các công chứng viên đang hành nghề tại tỉnh Bình Dương, được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự quản, công khai, minh bạch, không vì mục đích lợi nhuận, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động, chịu sự quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam. Sự ra đời của Hội Công chứng viên có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự lớn mạnh trong hoạt động công chứng của tỉnh. Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 301/QĐ-UBND ngày 15/02/2016 về việc phê duyệt Điều lệ Hội Công chứng viên tỉnh Bình Dương, làm cơ sở quan trọng cho hoạt động của Hội.

Xây dựng dữ liệu công chứng và ban hành quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng. Thời gian qua, Sở Tư pháp đã chủ động, tích cực phối hợp với Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty TNHH MTV HTTT Giải Pháp Việt (nhà thầu) và chỉ đạo Phòng công chứng số 1 (chủ đầu tư) cùng với các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh tiến hành xây dựng và triển khai Phần mềm quản lý công chứng (Cơ sở dữ liệu công chứng). Phần mềm có chức năng soạn thảo hợp đồng, giao dịch, tra cứu, ngăn chặn và chia sẻ dữ liệu công chứng giữa các tổ chức hành nghề công chứng giúp tổ chức hành nghề công chứng ngăn chặn các đối tượng lừa đảo và hạn chế tối đa những rủi ro trong hoạt động công chứng, bảo đảm lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức cũng như lợi ích các tổ chức hành nghề công chứng. Ngày 03/12/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 29/2019/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế khai thác, sử dụng và quản lý Cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhằm tạo khung pháp lý rõ ràng, thống nhất cho việc khai thác, sử dụng và quản lý Cơ sở dữ liệu công chứng tại địa phương.

Khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Luật Công chứng

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thi hành Luật Công chứng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.

Về thể chế, hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng hiện nay vẫn còn một số quy định chồng chéo, mâu thuẫn nhau như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Hôn nhân và Gia đình. Một số quy định còn chưa rõ ràng, cụ thể, được hiểu chưa thống nhất, việc hướng dẫn, giải thích pháp luật liên quan đến đất đai còn chậm khiến cho việc vận dụng, áp dụng pháp luật trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ công chứng có khó khăn, ví dụ như: công chứng giao dịch về tài sản hình thành trong tương lai, quyền tài sản,...

Quy định về việc thay đổi tên gọi của Văn phòng công chứng trong trường hợp thay đổi tên gọi, trụ sở hoặc Trưởng Văn phòng công chứng theo Khoản 3 Điều 22 Luật Công chứng là không hợp lý, bởi tên gọi là tài sản, là thương hiệu của Văn phòng công chứng được nhiều người biết đến. Việc thay đổi tên sẽ phần nào ảnh hưởng thương hiệu đã xây dựng của Văn phòng công chứng, người dân cũng khó khăn trong việc xác định Văn phòng công chứng mà mình đã từng công chứng. Mặt khác, hầu hết trụ sở Văn phòng công chứng đều được thuê khi bên cho thuê chấm dứt hợp đồng cho thuê thì Văn phòng đó sẽ phải thay đổi tên gọi (vấn đề thay đổi tên văn phòng phải thực hiện thủ tục hành chính thay đổi nội dung đăng ký hoạt động theo quy định pháp luật, khi đó, kéo theo thay đổi bảng hiệu, con dấu, in ấn lại hóa đơn,... làm tốn kém kinh phí và thời gian).

Luật Công chứng không có quy định giới hạn độ tuổi của công chứng viên nên thực tế có một số trường hợp công chứng viên tuổi đã cao (trên 65 tuổi) vẫn hành nghề công chứng. Đây là một bất cập bởi vì hoạt động công chứng dòi hỏi nghiệp vụ, kỹ năng và còn đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, cập nhật pháp luật thường xuyên, sự nhanh nhạy cập nhập các thông tin về pháp luật cũng như các vấn đề phát sinh trong xã hội liên quan đến công chứng.

Hiện nay, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động công chứng đang diễn biến phức tạp. Trình độ tinh vi công nghệ làm giả ngày càng hiện đại, nhiều giấy tờ, tài liệu giả bằng mắt thường thì khó có thể phân biệt. Trong khi đó chế tài xử phạt đối với các hành vi này chưa cao, chưa đủ sức răn đe. Theo quy định của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP) thì mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi "làm giả giấy tờ, văn bản hoặc giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng để được công chứng hợp đồng, giao dịch; làm giả giấy tờ, văn bản để được công chứng bản dịch" chỉ là 10.000.000 đồng.

Về thực tiễn hoạt động công chứng, cơ sở vật chất về công nghệ thông tin có liên quan chưa được đáp ứng kịp thời trong hoạt động hành nghề công chứng. Hiện nay, Cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Duơng đã đi vào hoạt động, tuy nhiên Cơ sở dữ liệu công chứng chưa được liên thông với Cơ sở dữ liệu về hộ tịch, đất đai, đăng ký biện pháp bảo đảm,… Do vậy, để có căn cứ chứng nhận hợp đồng, giao dịch thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin hoặc phải xác minh thông tin dẫn đến mất thời gian, kéo dài thời gian chứng nhận hợp đồng, giao dịch của người dân, làm ảnh hưởng đến hoạt động công chứng.

Kiến nghị, đề xuất

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Sở Tư pháp kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất, kiến nghị Trung ương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định bất cập trong Luật Công chứng, đồng thời, rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng còn chồng chéo, mâu thuẫn giữa Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Hôn nhân và Gia đình,...;

Kiến nghị có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nữa đối với các trường hợp người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng; thông báo, thông tin rộng rãi kết quả xử lý, thủ đoạn làm giả,... đề người dân biết, phòng ngừa.

Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu về bất động sản và liên thông với cơ sở dữ liệu công chứng của Sở Tư pháp nhằm đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước về công chứng được hiệu quả, tạo thuận lợi cho việc tra cứu và khai thác thông tin về bất động sản.

Lượt người xem:  Views:   7740
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin mới nhất

Tác giả

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Ảnh
Video
Audio