Giới thiệu
Thứ 3, Ngày 02/12/2014, 03:58
Ngành Tư pháp tỉnh Bình Dương 30 năm thành lập và phát triển (Giai đoạn 1982-1996)
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
02/12/2014
Tải về NGÀNH TƯ PHÁP TỈNH BÌNH DƯƠNG 30 NĂM THÀNH LẬP & PHÁT TRIỂN
 
Giai đoạn từ năm 1982 đến năm 1996 – Những năm đầu thành lập
Đặc điểm tình hình & yêu cầu nhiệm vụ:
Thực hiện Nghị quyết số 76/CP ngày 25/3/1977 của Hội đồng Chính phủ về việc áp dụng và thi hành pháp luật, UBND tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương) đã lập ra Ban pháp chế thuộc UBND, là tiền thân của Sở Tư pháp ngày nay. Ban Pháp chế do đồng chí Huỳnh Văn Kim (Ủy viên UBND) làm Trưởng ban, đồng chí Ngô Văn Bậm là Phó ban (thời gian đầu có 04 thành viên, đến năm 1981 tăng lên 06 thành viên). Ban Pháp chế thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là tham mưu cho UBND trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện văn bản pháp luật của Trung ương và kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do địa phương ban hành. Thời gian này ở cấp huyện, cấp xã không có tổ chức pháp chế, một số nơi UBND huyện phân công cán bộ tham mưu về lĩnh vực này.
Ngày 22/11/1981 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 143-HĐBT, quy định:
“Điều 3.- Hệ thống tư pháp trong cả nước gồm có:
A. Bộ Tư pháp.
B. Sở Tư pháp ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương.
C. Ban Tư pháp ở cấp quận, huyện, thị xã và các đơn vị hành chính tương đương.
D. Ban Tư pháp ở cấp xã, phường và các đơn vị hành chính tương đương”.
Thực hiện Nghị định số 143-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 08-TT ngày 06/01/1982 của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Sông Bé ra Quyết định số 02/QĐ-UB ngày 09/02/1982 thành lập Sở Tư pháp, Quyết định số 14/QĐ-UB ngày 17/6/1982 thành lập Ban Tư pháp huyện, thị và quy định tiêu chuẩn cán bộ làm công tác pháp chế các sở, ban, ngành, công ty, xí nghiệp, nông – lâm trường trên địa bàn tỉnh.
Ra đời trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của địa phương gặp nhiều khó khăn trong những năm sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta đang tập trung ổn định mọi mặt đời sống nhân dân, xây dựng chính quyền cách mạng và từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, ngành Tư pháp tỉnh Sông Bé (Bình Dương) xác định mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm là phải vượt qua khó khăn về nhân lực, điều kiện làm việc…, tập trung mọi nỗ lực để xây dựng tổ chức, lực lượng và hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, chính quyền trong công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.
Tình hình tổ chức, nhân sự:
Ngày đầu thành lập, Sở Tư pháp do đồng chí Huỳnh Văn Kim làm Giám đốc, đồng chí Ngô Văn Bậm làm Phó giám đốc
[1]Với 12 cán bộ nhân viên, Sở được tổ chức thành 03 Phòng: Phòng Nghiên cứu và Tuyên truyền pháp luật do đồng chí Trương Văn Chuông làm Trưởng phòng[2], Phòng Tổ chức và Đào tạo do đồng chí Mai Văn Tám làm Trưởng phòng, Phòng Hành chính tổng hợp - Thi đua khen thưởng do đồng chí Lê Xuân Ứng làm Trưởng phòng. Các công tác quản lý tư pháp khác như: Công chứng, Giám định tư pháp, Hộ tịch v.v… chưa có cán bộ để phân công. Những năm đầu hoạt động, trang thiết bị, phương tiện làm việc của Sở rất thiếu thốn[3]; trình độ năng lực cán bộ còn hạn chế, đa số cán bộ làm công tác tư pháp chưa được bồi dưỡng về pháp lý.
Cuối năm 1989 đồng chí Huỳnh Văn Tấn được điều về làm Phó giám đốc Sở Tư pháp và đầu năm 1990 đồng chí được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở.
Năm 1990, Phòng Hộ tịch được thành lập. Từ tháng 5/1990 UBND tỉnh giao cho đồng chí Giám đốc Sở Tư pháp làm Công chứng viên và 01 chuyên viên giúp việc, đến năm 1992 UBND tỉnh quyết định thành lập Phòng công chứng[4] do Giám đốc Sở Tư pháp phụ trách (kiêm nhiệm Công chứng viên) và 01 Công chứng viên, chủ yếu thực hiện việc sao y bản chính.
Ở cấp huyện, 8/8 huyện, thị xã đều thành lập Ban Tư pháp với biên chế từ 02 đến 03 người [5]. Ở cấp xã, Ban Tư pháp thời gian đầu có một đồng chí Phó Chủ tịch làm nhiệm vụ Trưởng ban Công an kiêm Trưởng ban Tư pháp. Về sau, trên cơ sở đề xuất của Sở Tư pháp và Công an tỉnh, Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh ban hành Chỉ thị, chỉ đạo củng cố tổ chức, nhân sự Ban Tư pháp xã, theo đó Trưởng ban Tư pháp do một Phó Chủ tịch hoặc Ủy viên UBND xã phụ trách, Trưởng ban Công an xã không tiếp tục kiêm nhiệm.
Hiến pháp năm 1992 được ban hành cùng với sự ra đời của nhiều văn bản QPPL mới, trong đó Nghị định số 38/CP ngày 04/6/1993 thay thế Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/11/1981 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp và Thông tư số 12-TTLB ngày 26/7/1993 của liên Bộ Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) đã dẫn đến những thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của ngành Tư pháp địa phương, theo đó, hệ thống tổ chức tư pháp ở địa phương được quy định như sau:
 “1. Ở tỉnh và cấp tương đương có Sở Tư pháp; ở huyện và cấp tương đương có Phòng Tư pháp; ở xã và cấp tương đương có Ban Tư pháp.
Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban Nhân dân cùng cấp chịu sự chỉ đạo và quản lý về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan tư pháp cấp trên.
(…)” (Điều 4 Nghị định số 38/CP)
Bên cạnh những chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Thông tư số 08-TT, các cơ quan Tư pháp địa phương được giao thêm một số nhiệm vụ mới, ví dụ ở cấp tỉnh, các nhiệm vụ liên quan đến công tác Văn bản pháp quy được quy định mở rộng và cụ thể hơn, bổ sung thêm chức năng quản lý công tác thi hành án dân sự địa phương, thống kê tư pháp, thanh tra tư pháp, phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo xây dựng, thực hiện chương trình giáo dục pháp luật trong nhà trường…; tương tự, chức năng nhiệm vụ của cơ quan Tư pháp cấp huyện, cấp xã cũng được bổ sung và cụ thể hóa so với trước đây. Thông tư liên Bộ số 12-TTLB cũng giao cho UBND cấp tỉnh quy định tổ chức, bộ máy của các cơ quan Tư pháp tỉnh, huyện, xã. Cơ cấu tổ chức, nhân sự và hoạt động của ngành từ những năm 1992-1993 được duy trì ổn định cho đến khi tái lập tỉnh năm 1997 (xem sơ đồ tổ chức).
Kết quả, thành tích nổi bật trên các mặt hoạt động: 
Trước thực trạng đội ngũ cán bộ và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, từ những ngày đầu thành lập lãnh đạo Sở đã chú trọng công tác đào tạo, cử nhiều đợt cán bộ tham gia các lớp chuyên tu, luân huấn đại học, trung cấp pháp lý, đào tạo nghiệp vụ do Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Cán bộ Tư pháp (thuộc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn phối hợp với các ngành mở lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn cho hàng trăm cán bộ Tư pháp cấp huyện, cấp xã, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và cán bộ pháp chế các sở, ban, ngành, công ty, xí nghiệp.
Giai đoạn này, cơ quan Tư pháp các cấp ở địa phương đã từng bước xây dựng tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn ở địa phương. Tính đến năm 1996, biên chế của Sở đã tăng lên 22 người. 09/09 Phòng Tư pháp cấp huyện đã được củng cố với 36 biên chế, đều đạt trình độ Trung cấp pháp lý trở lên, 133/133 xã có Ban Tư pháp với gần 200 cán bộ, trong đó có 80 cán bộ chuyên trách, toàn tỉnh có hơn 150 Tổ hòa giải với gần 1.400 tổ viên.
Trong công tác xây dựng, rà soát văn bản, Sở Tư pháp (mà trực tiếp là Phòng Nghiên cứu và Tuyên truyền pháp luật) và các Phòng Tư pháp huyện, thị tiến hành thẩm tra (thẩm định) về mặt pháp lý các văn bản pháp quy trước khi trình UBND, HĐND thông qua để ban hành. Bên cạnh đó, cơ quan Tư pháp tỉnh, huyện qua phúc kiểm (kiểm tra) các văn bản pháp quy đã ban hành theo định kỳ 6 tháng, 1 năm đã thống kê số lượng văn bản, hệ thống hóa và phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhiều văn bản chồng chéo, trái luật hoặc không còn phù hợp. Ngoài ra, Sở còn phối hợp với các sở, ban ngành và chỉ đạo cho các Ban Tư pháp huyện tham mưu UBND cùng cấp tổ chức lấy ý kiến các dự thảo Luật, Pháp lệnh theo yêu cầu của Quốc hội. Công tác xây dựng, rà soát văn bản pháp quy và góp ý xây dựng pháp luật đã góp phần quan trọng vào công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật của chính quyền các cấp ở địa phương và yêu cầu thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thành pháp luật.
Trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp cùng với các Ban Tư pháp huyện, thị và các ngành liên quan cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, triển khai các văn bản pháp luật mới của Trung ương như: Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản XHCN, các tội hối lộ, đầu cơ, kinh doanh trái phép; Luật nghĩa vụ quân sự, các Pháp lệnh về Thuế… đến tận các xã, phường, cơ quan, xí nghiệp, các nông trường cao su với hình thức phong phú: tổ chức các hội nghị tập huấn, nói chuyện chuyên đề, phát tài liệu hỏi – đáp, triển khai các đề cương hướng dẫn tuyên truyền… có những đợt tuyên truyền thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Năm 1991, đã thành lập được Hội đồng Phối hợp tuyên truyền pháp luật ở tỉnh và huyện, thị. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp các cơ quan, tổ chức và nhân dân hiểu rõ, chấp hành đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế được những trường hợp vi phạm, góp phần đảm bảo pháp chế XHCN ở địa phương.
Đoàn Bào chữa viên nhân dân được thành lập năm 1985 do đồng chí Trương Văn Chuông, Phó Giám đốc Sở phụ trách, gồm có 09 thành viên là cán bộ các ban ngành kiêm nhiệm, tham gia bào chữa khoảng 100 vụ án/ năm.
Thực hiện quy định của Luật Tổ chức TAND và phân cấp của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp phối hợp với TAND tỉnh quản lý các TAND cấp huyện về tổ chức, biên chế, thi đua khen thưởng, đào tạo cán bộ. Tòa án 9/9 huyện thị đã được củng cố với 92 biên chế, trong đó cán bộ xét xử có trình độ Đại học 17 đồng chí, còn lại là Trung cấp, lượng án xét xử khoảng 1.300 vụ/ năm. Công tác thi hành án dân sự (trước năm 1993 do Tòa án các cấp thực hiện) ở mỗi Tòa án cấp huyện có 01 cán bộ phụ trách, tổ chức thi hành được khoảng 50% số vụ án đã xét xử mỗi năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức, hoạt động của ngành Tư pháp địa phương giai đoạn này vẫn còn một số mặt tồn tại: hoạt động Luật sư và dịch vụ pháp lý chậm được củng cố theo Pháp lệnh Luật sư năm 1987 (đến năm 1992 Đoàn Luật sư được thành lập với 4 Luật sư, toàn tỉnh có 02 cơ sở dịch vụ pháp lý); hoạt động công chứng, chứng thực ở cấp huyện, cấp xã hầu hết do Trưởng Phòng, Trưởng ban Tư pháp kiêm nhiệm; ở cấp xã do UBND địa phương một số nơi nhận thức chưa đầy đủ nên không bố trí cán bộ Tư pháp – Hộ tịch chuyên trách.
Những hạn chế về tổ chức, hoạt động trong thời kỳ này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: quy định pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Tư pháp chưa rõ ràng dẫn đến nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí của ngành Tư pháp chưa thống nhất (do quan niệm Tư pháp là cơ quan tham mưu, không phải là cơ quan chuyên môn nên trong năm 1987-1988, cơ quan Tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện ở nhiều nơi bị giải thể, sáp nhập vào Văn phòng UBND. Riêng ở tỉnh Sông Bé thì tình trạng trên không xảy ra). Bên cạnh đó, tình trạng đội ngũ cán bộ thiếu và hạn chế về trình độ chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn cũng đã gây không ít khó khăn cho hoạt động của ngành Tư pháp.
Nhìn chung, trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước và của ngành, từ năm 1982 đến năm 1996 ngành Tư pháp tỉnh đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, xây dựng và củng cố tổ chức, nhân lực cơ quan Tư pháp các cấp ở địa phương, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Tuy còn những hạn chế nhất định trên một số lĩnh vực nhưng ngành Tư pháp tỉnh đã góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện mục tiêu mà ngành cấp trên và Đảng bộ, chính quyền địa phương đã đề ra: ổn định mọi mặt đời sống nhân dân, xây dựng chính quyền cách mạng vững chắc và từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.
Ngày 05/11/1996, Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ 10 thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo đó từ ngày 01/01/1997 tỉnh Sông Bé được chia tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản pháp luật liên quan, Sở Tư pháp đã tiến hành thủ tục chia tách, bàn giao nhân sự, trang thiết bị và hồ sơ tài liệu của Sở, các đơn vị trực thuộc và Phòng Thi hành án, hoàn thành trước ngày 01/3/1997 theo kế hoạch của Trung ương.
Từ đây, lịch sử của ngành Tư pháp tỉnh Sông Bé bước sang một giai đoạn mới: giai đoạn củng cố và phát triển ngành Tư pháp tỉnh Bình Dương.
          Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương


[1] Các PGĐ Sở trong thời kỳ này gồm các đồng chí: Ngô Văn Bậm (1982-1996), Trương Văn Chuông (1983- 1991), Trương Văn Nghĩa (được bổ nhiệm PGĐ năm 1994, đến khi chia tách tỉnh năm 1997 đồng chí được bổ nhiệm làm Giám đốc STP tỉnh Bình Phước).
[2] Năm 1983 đồng chí Trương Văn Chuông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở, kiêm Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu và Tuyên truyền pháp luật.
[3] Sở được bố trí một phòng làm việc trong khuôn viên UBND tỉnh, đến năm 1992 mới được bố trí trụ sở làm việc ở đường Văn Công Khai.
[4] Quyết định số 04/QĐ-UB ngày 29/01/1992
[5] Huyện Bù Đăng được thành lập năm 1990.

(Tập thể CBCC Sở Tư pháp tỉnh Sông Bé những ngày đầu thành lập)

Tải về NGÀNH TƯ PHÁP TỈNH BÌNH DƯƠNG 30 NĂM THÀNH LẬP & PHÁT TRIỂN
 
Lượt người xem:  Views:   1431
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Ảnh
Video
Audio