Xử lý vi phạm hành chính
Thứ 3, Ngày 21/07/2020, 16:00
Bảo đảm tính thống nhất trong các văn bản pháp luật quy định về xử phạt vi phạm hành chính
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
21/07/2020 | Nguyễn Thị Linh

​​1. Quan niệm về tính thống nhất trong các văn bản pháp luật quy định xử phạt vi phạm hành chính

Theo Từ điển Tiếng Việt, "thống nhất là làm cho phù hợp với nhau, không mâu thuẫn nhau"[1]. Do đó, xét ở góc độ pháp lý, khi bàn về "tính thống nhất" trong các văn bản pháp luật, chúng tôi cho rằng, "thống nhất" nghĩa là muốn nói đến sự phù hợp, không có sự mâu thuẫn nhau giữa các văn bản pháp luật. Sự phù hợp, không mâu thuẫn giữa các quy định của pháp luật được hiểu với nhiều mức độ: các quy định của văn bản pháp luật có giá trị pháp lý thấp hơn không được trái với quy định của văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn trong cùng một lĩnh vực điều chỉnh; các quy định cùng điều chỉnh một vấn đề trong nhiều văn bản phải phù hợp với nhau...

Có thể nói, "thống nhất" là một trong những tiêu chí để xây dựng và đánh giá chất lượng hệ thống pháp luật vì Nhà nước quản lý xã hội bằng công cụ pháp luật. Khi những quy định này mâu thuẫn, chồng chéo nhau thì việc áp dụng, thực thi pháp luật sẽ không hiệu quả, có thể dẫn đến sự mất niềm tin và rối loạn trong xã hội. Do đó, sau một thời gian áp dụng pháp luật, việc đánh giá các quy định trong tất cả các văn bản điều chỉnh một lĩnh vực, ngành nào đó là cơ sở để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng đến sự thống nhất.

2. Những yếu tố bảo đảm tính thống nhất trong các văn bản pháp luật quy định xử phạt vi phạm hành chính

2.1. Thống nhất về thuật ngữ

Trong công tác xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC), việc hiểu rõ nội hàm của các thuật ngữ pháp lý rất quan trọng, nó giúp cho các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử phạt thực hiện đúng quyền hạn và trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, một số từ ngữ pháp lý không được Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012 giải thích. Ví dụ, các cụm từ như: "có quy mô lớn; vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp; cố tình trốn tránh, trì hoãn; thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh; không còn giá trị sử dụng; bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép" quy định tại các Điều 10, 66, 74, 126 Luật XLVPHC năm 2012. Điều này đã  gây khó khăn cho các cơ quan, cá nhân thực thi pháp luật cũng như gây ra sự không đồng tình cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt. 

Mặt khác, trong các quy định của pháp luật vẫn còn chưa phân định rõ giữa thuật ngữ "giao quyền" và "ủy quyền". Đây là hai khái niệm được nhắc đến trong trường hợp cấp trưởng chuyển giao quyền của mình cho cấp phó để thực hiện XPVPHC. Theo Luật XLVPHC năm 2012, thuật ngữ "giao quyền" được sử dụng xuyên suốt trong văn bản luật. Tuy nhiên, trong trường hợp người có thẩm quyền XPVPHC là Trưởng công an xã chuyển giao quyền cho cấp phó đã phát sinh một số bất cập.

Theo quy định của khoản 3 Điều 39 Luật XLVPHC năm 2012, Trưởng công an xã có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền nhưng không quá 2.500.000 đồng và các hình thức xử phạt khác,... Bên cạnh đó, Trưởng công an xã cũng có thể giao quyền XPVPHC cho cấp phó[2]. Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC cũng nêu rõ việc giao quyền phải được thực hiện bằng "văn bản"[3]. Như vậy, Phó Trưởng công an xã có thẩm quyền XPVPHC theo cơ chế nhận quyền được giao từ cấp Trưởng. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 54 của Luật XLVPHC năm 2012 cũng quy định: "Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền cho bất kỳ người nào khác". Trong khi đó, Điều 12 Pháp lệnh Công an xã năm 2008 quy định "… khi Trưởng công an xã vắng mặt thì Phó Trưởng công an xã được Trưởng công an xã ủy quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng công an xã" và theo Dự thảo Luật Công an xã năm 2016 (nguồn ?) tại Điều 17 cũng quy định như Pháp lệnh Công an xã năm 2008 là "ủy quyền" chứ không phải là "giao quyền". Như vậy, cùng một vấn đề về phân cấp giữa cấp trên và cấp dưới nhưng các văn bản pháp luật lại thiếu sự thống nhất trong việc sử dụng thuật ngữ pháp lý và cũng chưa có văn bản pháp luật quy định một cách đầy đủ về thuật ngữ pháp lý "giao quyền" và "ủy quyền", ngay cả Luật XLVPHC năm 2012 có đề cập đến cả hai thuật ngữ "giao quyền" (Điều 54) và "ủy quyền" (Điều 51, 54, 87, 123) nhưng Luật cũng chưa giải thích rõ[4].

2.2. Thống nhất về thứ bậc pháp lý

Tính thống nhất của hệ thống pháp luật về XPVPHC phải được xem xét trên cả hai mặt: hình thức và nội dung.

Thứ nhất, về mặt hình thức, tính thống nhất của pháp luật về XPVPHC phải thể hiện đúng hình thức của nó. Hình thức của nó không chỉ thể hiện dưới dạng một tên gọi nhất định mà nó còn phải được phân loại theo thứ, bậc, cách sắp xếp cấu trúc của văn bản như: chương, mục, điều, khoản,... Sự thống nhất về mặt hình thức còn phải căn cứ vào hiệu lực của văn bản, văn bản sau phải thống nhất với văn bản trước. Cùng là các văn bản điều chỉnh về một loại hành vi, một loại quan hệ pháp luật trong lĩnh vực XPVPHC, nhưng các quy định của Luật XLVPHC phải có giá trị pháp lý cao hơn những quy định được chứa đựng trong các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Như vậy, về hình thức, tính thống nhất của văn bản hướng dẫn, ngoài việc phải đáp ứng các yêu cầu trên thì hình thức của văn bản hướng dẫn phải thống nhất với hình thức cấu trúc của chính văn bản đang cần được hướng dẫn và bảo đảm văn bản hướng dẫn phải theo trình tự thống nhất với toàn bộ văn bản khác cùng cấp trong hệ thống pháp luật. Một thực tế là giữa các nghị định của Chính phủ về XPVPHC chưa thống nhất, đồng bộ với Luật XLVPHC về cách xác định đối tượng bị xử phạt. Có nghị định quy định mức xử phạt áp dụng đối với cá nhân, có nghị định quy định mức xử phạt áp dụng đối với tổ chức, có nghị định lại không quy định, có nghị định quy định xử phạt cá nhân và tổ chức trong cùng một điều, gây khó khăn cho người có thẩm quyền áp dụng. Chẳng hạn, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định mức phạt tiền là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại một số điều là mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Trong khi đó, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II và Chương III là mức phạt đối với cá nhân, trừ quy định tại điểm d khoản 2 Điều 34 Nghị định, mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân…

 Thứ hai, về mặt nội dung, tiêu chí thống nhất giá trị pháp lý của văn bản hướng dẫn XPVPHC phải bao quát các quan hệ xã hội nhằm điều chỉnh thống nhất một hành vi. Nói cách khác, những nội dung của văn bản hướng dẫn sau phải bảo đảm sự nhất quán, không có sự xung đột giữa nội dung các văn bản hướng dẫn trước đó, và các văn bản này phải thống nhất với nhau. Sự nhất quán, thống nhất này là rất cần thiết nhằm tránh tình trạng cùng một lĩnh vực, một hành vi, văn bản luật thì cho phép nhưng văn bản hướng dẫn thi hành luật thì lại không cho phép, hoặc văn bản hướng dẫn quy định một mức xử phạt khác với luật. Mặt khác, ngay cả hình thức thể hiện trên văn bản, biểu mẫu trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính cũng cần được quy định thống nhất. Ví dụ: trước đây, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và Thông tư số 01/2011/TT-BNV đã có hướng dẫn khác nhau về cách ghi chủ thể ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Điều này vô tình gây khó cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

2.3. Thống nhất về thẩm quyền

Luật XLVPHC năm 2012 quy định nhiều chức danh có thẩm quyền XPVPHC nhằm đảm bảo tính toàn diện, kịp thời trong công tác quản lý nhà nước theo đặc thù của vi phạm hành chính. Bởi lẽ, vi phạm hành chính xảy ra ở hầu hết tất cả các lĩnh vực, ngành, nghề và là một trong những hành vi mang tính phổ biến trong đời sống xã hội. Mặc dù mang ý nghĩa tích cực nhưng các quy định về thẩm quyền XPVPHC cũng gặp một số bất cập sau:

Thứ nhất, về cơ chế xác định trách nhiệm, cơ chế giải quyết bồi thường thiệt hại trong trường hợp Phó Trưởng công an xã được giao quyền XPVPHC gây ra thiệt hại. Theo điểm a khoản 3 Điều 61 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Trưởng công an xã là công chức, Phó Trưởng công an xã không phải là cán bộ hay công chức (cũng không phải là viên chức). Vậy, việc một công chức giao quyền XPVPHC cho một người không phải là cán bộ hay công chức thì có phải là ngoại lệ không? Đặc biệt, nếu trường hợp Phó Trưởng công an xã sai sót trong việc XPVPHC thì giải quyết ra sao? Thủ tục như thế nào?

Có thể thấy, quy định "giao quyền" hay "ủy quyền" XPVPHC cho Phó Trưởng công an xã là rất cần thiết, đáp ứng được nhu cầu của địa phương. Tuy nhiên, do chức danh Phó trưởng Công an xã không phải là "công chức", nên việc giải quyết bồi thường khi Phó trưởng công an xã ra quyết định xử phạt sai sẽ vướng nhiều quy định khác có liên quan. Vì vậy, một mặt, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của Pháp lệnh Công an xã, Luật XLVPHC, bảo đảm sự thống nhất; mặt khác, cần cân nhắc việc chính quy hóa chức danh Phó Trưởng công an xã là công chức để đảm bảo cơ chế xử lý trách nhiệm bồi thường, giải quyết các vướng mắc đã nêu.

Thứ hai, thiếu hướng dẫn cụ thể để xác định thẩm quyền. Ví dụ, quy định của Luật XLVPHC năm 2012 về thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong việc XPVPHC và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả chưa được hướng dẫn cụ thể về khung phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.

Thứ ba, sự thay đổi tên gọi của một số chức danh có thẩm quyền XPVPHC theo văn bản luật chuyên ngành dẫn đến sự không tương thích về quy định giữa Luật XLVPHC năm 2012 và các văn bản này. Theo đó, những người có chức danh thay đổi về tên gọi mặc nhiên sẽ không còn thẩm quyền XPVPHC mặc dù người đó vẫn giữ vị trí và thực hiện nhiệm vụ tương ứng với chức danh cũ. Ví dụ, theo quy định tại Điều 48 Luật XLVPHC năm 2012, Chánh tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền XPVPHC. Tuy nhiên, theo Điều 3 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, chức danh này không còn tồn tại mà thay vào đó là chức danh Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao.

Do đó, cần rà soát, tổng hợp lại những chức danh có thẩm quyền XPVPHC đã có sự thay đổi trong tất cả các văn bản luật chuyên ngành để sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

2.4. Thống nhất về việc xử phạt hành vi vi phạm

Luật XLVPHC năm 2012 ra đời là cơ sở để các cơ quan nhà nước xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính. Các văn bản hướng dẫn cụ thể hóa hành vi vi phạm cùng các chế tài trong mọi mặt đời sống xã hội, góp phần tích cực trong công cuộc phòng, chống vi phạm hành chính. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản hướng dẫn về XPVPHC vẫn còn một số bất cập sau:

Thứ nhất, một số quy định về XPVPHC chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi dẫn đến mức xử phạt thấp, không đủ sức răn đe.

Theo quy định của điểm c khoản 2 Điều 2 Luật XLVPHC năm 2012, hình thức và mức xử phạt phải đảm bảo mức độ được giáo dục, răn đe và tính hợp lý, tính khả thi của việc áp dụng hình thức, mức phạt. Trên thực tế, nhiều vụ việc vi phạm mang tính chất nguy hiểm, không chỉ gây thiệt hại trực tiếp đến người bị vi phạm mà còn gây hoang mang và bức xúc trong dư luận xã hội, điển hình như các vụ việc XPVPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội với mức phạt tiền 200.000 đồng theo khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định XPVPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng chống cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình: Vụ đối tượng "cưỡng hôn" phụ nữ trong thang máy chung cư ở quận Thanh Xuân (Hà Nội)[5]; Vụ cán bộ công an gây rối tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất với tính chất nghiêm trọng[6]. Các hành vi nêu trên dù chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự như: có tính chất quấy rối, tấn công, lạm dụng tình dục, gây hậu quả nặng nề và tổn thương về danh dự, tinh thần lâu dài cho nạn nhân. Do đó, mức xử phạt 200.000 đồng là quá nhẹ, không đủ sức răn đe với người vi phạm, thậm chí tạo nên tiền lệ không tốt trong xã hội.

Do đó, Chính phủ cần rà soát, đánh giá lại về tính chất, mức độ của hành vi vi phạm trong nhóm vi phạm gây rối an ninh, trật tự, an toàn xã hội để xác định hình thức và mức phạt tương xứng, đánh vào đúng bản chất của hành vi vi phạm, đảm bảo mang tính giáo dục và răn đe cao. Ví dụ: Đối tượng vi phạm phải lao động công ích hoặc công khai xin lỗi trên phương tiện thông tin đại chúng (nhưng tên và địa chỉ nạn nhân thì không được nêu ra)… Đặc biệt, cần luật hóa hành vi quấy rối tình dục và có chế tài thỏa đáng để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Thứ hai, việc hướng dẫn áp dụng các quy định về XPVPHC trong các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu hoặc có sự mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật với nhau. Cùng điều chỉnh một nhóm hành vi nhưng mức phạt lại khác nhau trong các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

i) Hành vi đổ rác, xả nước nơi công cộng hiện cũng được điều chỉnh trong ba văn bản vẫn còn có hiệu lực thi hành với các mức phạt khác nhau: Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định về XPVPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thì phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng đối với cá nhân[7]. Trong khi đó, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì có mức phạt tiền từ 5-7 triệu đồng[8]. Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định XPVPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình thì mức phạt tiền là 1 - 2 triệu đồng[9]. Có thể thấy, mặc dù các văn bản sử dụng từ ngữ khác nhau về hành vi nhưng quy tụ lại chỉ để điều chỉnh hành vi đổ rác, vứt rác thải, không giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng nhưng các văn bản trên không thống nhất về mức xử phạt.

ii) Hành vi đi vệ sinh không đúng nơi quy định: Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền là 100.000 - 300.000 đồng[10]; trong khi đó Nghị định số 155/2016/NĐ-CP lại quy định mức phạt tiền là 1 - 3 triệu đồng[11].

Chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, việc rà soát, sửa đổi các quy định cần được gom gọn lại theo nhóm hành vi, theo đó cùng điều chỉnh trong một Nghị định xử phạt nhưng có thể phân tách theo nhóm hành vi chung và lĩnh vực cụ thể để có mức xử phạt tương ứng, chẳng hạn như nhóm hành vi gây rối trật tự, an toàn xã hội nói chung và trong lĩnh vực hàng không, hàng hải,… nói riêng. Như vậy, các cơ quan thực thi pháp luật cũng dễ dàng áp dụng trong từng vụ việc cụ thể mà không phải lúng túng không biết nên áp dụng văn bản nào. Giải pháp này sẽ giảm bớt số lượng văn bản hướng dẫn XPVPHC hiện nay, giảm bớt sự chồng chéo trong quy định và đặc biệt là cũng phù hợp với kỹ thuật xây dựng Luật XLVPHC năm 2012. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sửa đổi Luật XLVPHC năm 2012 theo hướng quy định "mức phạt tiền tối đa chung, cụ thể được áp dụng trong mọi trường hợp mà mức phạt tối đa đối với mỗi người được áp dụng tùy thuộc vi phạm hành chính xảy ra trong lĩnh vực nào, vi phạm xảy ra ở địa bàn nào và vi phạm được thực hiện bởi cá nhân hay tổ chức"[12]. 

Nguồn: http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/210545/Bao-dam-tinh-thong-nhat-trong-cac-van-ban-phap-luat-quy-dinh-ve-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh.html

 

 

Lượt người xem:  Views:   3414
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin mới nhất

Tác giả

Từ khóa

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Ảnh
Video
Audio