Công tác thanh tra
Thứ 4, Ngày 20/10/2021, 09:00
THANH TRA HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG HỢP ĐỒNG, GIAO DỊCH - NHỮNG VI PHẠM, SAI SÓT VÀ CHẾ TÀI XỬ LÝ
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
20/10/2021 | Phan Thị Phượng

​           Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, ngày 20/6/2014, Quốc hội thông qua Luật Công chứng số 53/2014/QH13. Qua một số cuộc thanh, kiểm tra thực hiện thời gian qua của Sở Tư pháp cho thấy, một số tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên còn có những tồn tại, thiếu sót, lúng túng khi thực hiện công việc này.

           I. MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG CHỨNG HỢP ĐỒNG, GIAO DỊCH.

          1. Hồ sơ yêu cầu công chứng.

          Theo quy định tại Điều 40, Điều 41 Luật Công chứng năm 2014, hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ, gồm các giấy tờ sau:

          - Phiếu yêu cầu công chứng;

          - Dự thảo hợp đồng, giao dịch (nếu có);

          - Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;

        - Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;

          - Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.

          * Lưu ý: Bản sao là bản chụp, bản in hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải chứng thực.

            2. Lời chứng của công chứng viên.

          Lời chứng của công chứng viên đối với hợp đồng, giao dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ, tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; chứng nhận người tham gia hợp đồng, giao dịch hoàn toàn tự nguyện, có năng lực hành vi dân sự, mục đích, nội dung của hợp đồng, giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ trong hợp đồng, giao dịch đúng là chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người tham gia hợp đồng, giao dịch; trách nhiệm của công chứng viên đối với lời chứng; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng (Khoản 1 Điều 46 Luật Công chứng 2014).

          Khoản 21 Điều 30 Thông tư số 01/2021/TT-BTP quy định mẫu lời chứng của công chứng viên áp dụng chung đối với hợp đồng giao dịch (Mẫu TP-CC-21):

LỜI CHỨNG CỦA CÔNG CHỨNG VIÊN

Hôm nay, ngày ......... tháng .......... năm ............

Tại ............................ , địa chỉ:...........................

Tôi ....................................... , công chứng viên, trong phạm vi trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật,

CHỨNG NHẬN:

………………………………  được giao kết giữa:

Bên.............................................................................................

Bên.............................................................................................

- Các bên đã tự nguyện giao kết ......  này;

- Tại thời điểm ký vào ......  này, các bên giao kết có năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;

- Các bên giao kết cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đã cung cấp liên quan đến việc giao kết ......  này;

- Mục đích, nội dung của ......  không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội;

- Các bên giao kết đã tự đọc lại , đồng ý toàn bộ nội dung và ký  vào từng trang của ...... này trước mặt tôi; chữ ký trong ...... đúng là chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên nêu trên;

(*)

- Văn bản công chứng này được lập thành ...... bản chính, mỗi bản chính gồm .... tờ, ...... trang , có giá trị pháp lý như nhau; người yêu cầu công chứng giữ ...... bản chính; 01 (một) bản chính lưu tại ......, tỉnh (thành phố) ...... .

Số công chứng ...... quyển số ....../...... TP/CC-SCC/HĐGD

          3. Về người làm chứng và việc ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng.

          - Luật Công chứng quy định trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng. Người làm chứng do người yêu cầu công chứng mời, nếu người yêu cầu công chứng không mời được thì công chứng viên chỉ định (khoản 2 Điều 47).

          - Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên. Trong trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì người đó có thể ký trước vào hợp đồng; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng (khoản 1 Điều 48).

          Công chứng viên, người yêu cầu công chứng ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch. 

          4. Sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng.

          Điều 50 Luật Công chứng 2014 quy định lỗi kỹ thuật là lỗi do sai sót trong khi ghi chép, đánh máy, in ấn trong văn bản công chứng mà việc sửa lỗi đó không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia hợp đồng, giao dịch.

Công chứng viên thực hiện sửa lỗi kỹ thuật có trách nhiệm đối chiếu từng lỗi cần sửa với các giấy tờ trong hồ sơ công chứng, gạch chân chỗ cần sửa, sau đó ghi chữ, dấu hoặc con số đã được sửa vào lề kèm theo chữ ký của mình và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng, thông báo việc sửa lỗi kỹ thuật cho người tham gia hợp đồng, giao dịch.

           5. Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, văn bản từ chối nhận di sản.

          - Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thoản thuận phân chia di sản (Điều 57).

          - Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản (Điều 58).

         - Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản (Điều 59).

Trường hợp thừa kế theo pháp luật thì khi yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, văn bản từ chối nhận di sản, người yêu cầu công chứng phải xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng.

             6. Thù lao công chứng.

           - Người yêu cầu công chứng phải trả thù lao khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản và các việc khác liên quan đến việc công chứng. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành mức trần thù lao công chứng áp dụng đối với các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương. Tổ chức hành nghề công chứng xác định mức thù lao đối với từng loại việc không vượt quá mức trần thù lao công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và niêm yết công khai các mức thù lao tại trụ sở của mình (Điều 67 Luật Công chứng 2014).

          - Ngày 26/01/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 04/2015/QĐ-UBND về việc ban hành mức trần thù lao công chứng và thù lao dịch thuật trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

           II. CÁC TỒN TẠI, VI PHẠM THƯỜNG GẶP QUA CÔNG TÁC THANH TRA TRONG CÔNG CHỨNG HỢP ĐỒNG, GIAO DỊCH.

          - Một số trường hợp TCHNCC lưu chung nhiều hợp đồng và các giấy tờ có liên quan như Phiếu yêu cầu công chứng, Chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu, các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất, vi phạm quy định tại Điều 40, Điều 41 Luật Công chứng.

          - Nội dung lời chứng của công chứng viên sử dụng cụm từ "không vi phạm điều cấm của pháp luật" hoặc chưa chứng nhận mục đích của hợp đồng, giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, vi phạm quy định tại Điều 46 Luật Công chứng và Thông tư số 01/2021/TT-BTP.

         - Một số hợp đồng, giao dịch do TCHNCC chứng nhận thiếu chữ ký của một trong các bên tham gia giao dịch, chữ ký của công chứng viên vào từng trang của hợp đồng, giao dịch. Vi phạm quy định tại khoản 8 Điều 40 và khoản 3 Điều 41 Luật Công chứng năm 2014.

          - Trong văn bản công chứng hợp đồng, giao dịch, một số TCHNCC xác định do người yêu cầu công chứng không biết đọc, không biết viết nên có người làm chứng. Việc TCHNCC sử dụng cụm từ "không biết đọc, không biết viết" là chưa phù hợp theo quy định của khoản 2 Điều 47 Luật Công chứng năm 2014 .

         - Công chứng viên sửa lỗi kỹ thuật của hợp đồng, giao dịch bằng cách "gạch ngang chỗ cần sửa" là chưa phù hợp theo quy định tại Điều 50 Luật Công chứng năm 2014. Theo quy định là "gạch chân chỗ cần sửa".

          - Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bà A, tuy nhiên, công chứng viên chưa là rõ hoa lợi, lợi tức từ quyền sử dụng đất chuyển nhượng có phải là nguồn sống duy nhất của gia đình.

         - Một số trường hợp công chứng hợp đồng, giao dịch, hồ sơ lưu thể hiện Trưởng Văn phòng công chứng cử chuyên viên (không phải là công chứng viên) của Văn phòng đến ký hồ sơ công chứng ngoài địa chỉ trụ sở làm việc của Văn phòng. Vi phạm quy định khoản 1 Điều 48 Luật Công chứng năm 2014.

         - Một số trường hợp công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia di sản, công chứng Văn bản khai nhận di sản, Văn bản từ chối nhận di sản, hồ sơ  không có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng là chưa phù hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 57, khoản 2 Điều 58 và Điều 59 Luật Công chứng năm 2014..

         - Một số tổ chức hành nghề công chứng thu thù lao công chứng hợp đồng, giao dịch cao hơn mức trần thù lao công chứng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành tại Quyết định số 04/2015/QĐ-UBND ngày 26/02/2015 về việc ban hành mức trần thù lao công chứng và thù lao dịch thuận trên địa bàn tỉnh Bình Dương và mức thù lao đã niêm yết tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 67 Luật Công chứng.

             III. XỬ LÝ ĐỐI VỚI VI PHẠM TRONG CÔNG CHỨNG HỢP ĐỒNG, GIAO DỊCH.

          Theo quy định của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu giá tài sản nêu trên bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

          - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, kèm theo hình thức xử phạt bổ sung "Tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 01 đến 03 tháng" đối với các hành vi:

           + Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà không có giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sãn đã chết hoặc người thừa kế đã chết (nếu có); không có di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc; không có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản trong trường hợp thừa kế theo pháp luật (điểm d khoản 3 Điều 13).

Đối với hành vi này, ngoài hình thức phạt tiền, hình thức xử phạt bổ sung thì còn kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về hành vi vi phạm".

          + Công chứng văn bản từ chối nhận di sản mà không có giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết hoặc không có di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc không có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng trong trường hợp thừa kế theo pháp luật (điểm h khoản 3 Điều 13).

               - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sửa lỗi kỹ thuật văn bản công chứng không đúng quy định (điểm c khoản 2 Điều 15).

           - Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi:

          + Công chứng khi thiếu chữ ký của công chứng viên; chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người yêu cầu công chứng vào từng trang của hợp đồng, giao dịch (điểm b khoản 3 Điều 15).

           + Không chứng kiến việc người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch ký hoặc điểm chỉ vào hợp đồng, giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (điểm đ khoản 3 Điều 15). Ngoài hình phạt tiền, kèm theo hình thức xử phạt bổ sung "Tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm này.

           + Ghi lời chứng trong văn bản công chứng không đầy đủ nội dung theo quy định (điểm e khoản 3 Điều 15).

          - Phạt tiền từ 3000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với tổ chức hành nghề công chứng khi có hành vi vi phạm: Lưu trữ hồ sơ công chứng không đúng quy định (điểm đ khoản 1 Điều 16).

          - Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức hành nghề công chứng khi có hành vi vi phạm: Thu thù lao công chứng cao hơn mức trần do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành hoặc cao hơn mức thù lao đã niêm yết; thu chi phí khác cao hơn mức chi phí đã thỏa thuận (điềm đ khoản 2 Điều 16).              Kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm".

Lượt người xem:  Views:   1736
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin mới nhất

Tác giả

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Ảnh
Video
Audio