Ngày 25/5/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý; Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (sau đây viết là Thông tư). Thông tư này có các điểm mới nổi bật sau đây:
1. Rút ngắn thời gian đánh giá hồ sơ của tổ chức, cá nhân ký hợp đồng thực hiện TGPL từ 15 ngày xuống còn 10 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ.
2. Bỏ quy định về phụ lục hợp đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư, tổ chức trong quá trình ký hợp đồng thực hiện TGPL.
3. Hồ sơ đề nghị tham gia lựa chọn ký hợp đồng thực hiện TGPL có thể nộp qua thư điện tử nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và giảm thiểu thủ tục hành chính trong công tác TGPL.
4. Bổ sung quy định mới về việc thay đổi người hướng dẫn tập sự TGPL. Theo đó, người tập sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người đứng đầu Trung tâm về việc thay đổi người hướng dẫn tập sự trong một số trường hợp nhất định như: người hướng dẫn tập sự vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 7 của Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý, chuyển công tác, nghỉ việc, thôi việc, buộc thôi việc, chết hoặc vì lý do sức khoẻ hoặc các lý do khác mà không thể tiếp tục hướng dẫn tập sự trợ giúp pháp lý.
5. Bổ sung quy định về giấy tờ chứng minh người thuộc diện trợ giúp pháp lý. Cụ thể, để phù hợp với quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020, Thông tư 03/2021 đã bổ sung điểm e vào khoản 1 Điểu 33 Thông tư 08/2017/TT-BTP như sau: "Kỷ niệm chương tổ quốc ghi công đối với người có công giúp đỡ cách mạng, Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945, Giấy người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng".
6. Bổ sung quy định về trường hợp Trợ giúp viên pháp lý không phải tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc trong năm. Theo đó, trường hợp Trợ giúp viên pháp lý nghỉ thai sản, Trợ giúp viên pháp lý là nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, các trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 6 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội. Đây là một quy định tiến bộ nhằm dảm bảo vấn đề bình đẳng giới cho đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, tăng cường bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ.
7. Tăng cường việc quản lý, cập nhật, lưu trữ, khai thác hồ sơ điện tử về trợ giúp pháp lý. Thông tư đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật trợ giúp pháp lý năm 2017, quy định rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về Trợ giúp pháp lý, tổ chức tham gia thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL trong việc quản lý, cập nhật, khai thác hồ sơ điện tử về vụ việc TGPL, dữ liệu về tổ chức, nhân sự TGPL trên Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động TGPL.
8. Bổ sung quy định về trách nhiệm thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý của Phòng Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp xã. Theo đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công dân, Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến Trung tâm TGPL. Trường hợp người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong các vụ việc tham gia tố tụng cư trú trên địa bàn thì Ủy ban nhân dân cấp xã giới thiệu theo mẫu số 13 ban hành kèm theo Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2021.
Hoàng Yến - TGPL