Hành Chính Văn Phòng
Thứ 3, Ngày 23/08/2022, 16:00
NGÀNH TƯ PHÁP TỈNH BÌNH DƯƠNG 30 NĂM THÀNH LẬP & PHÁT TRIỂN (1982-2012)
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
23/08/2022 | Văn phòng Sở

NGÀNH TƯ PHÁP TỈNH BÌNH DƯƠNG 30 NĂM THÀNH LẬP & PHÁT TRIỂN (1982-2012)

1. Từ năm 1982 đến năm 1996:

Đặc điểm tình hình & yêu cầu nhiệm vụ:

Năm 1977, thực hiện Nghị quyết số 76/CP ngày 25/3/1977 của Hội đồng Chính phủ về việc áp dụng và thi hành pháp luật, UBND tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương) đã lập ra Ban pháp chế thuộc Văn phòng UBND, là tiền thân của Sở Tư pháp ngày nay. Ở cấp huyện không có tổ chức pháp chế, một số nơi phân công cán bộ phụ trách tham mưu về lĩnh vực này.

Ngày 22/11/1981 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 143-HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp:

"Điều 3.- Hệ thống tư pháp trong cả nước gồm có:

A. Bộ Tư pháp.

B. Sở Tư pháp ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương.

C. Ban Tư pháp ở cấp quận, huyện, thị xã và các đơn vị hành chính tương đương.

D. Ban Tư pháp ở cấp xã, phường và các đơn vị hành chính tương đương.

(…)"

Thực hiện Nghị định số 143-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 08-TT ngày 06/01/1982 của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Sông Bé ra Quyết định số 02/QĐ-UB ngày 09/02/1982 thành lập Sở Tư pháp, Quyết định số 14/QĐ-UB ngày 17/6/1982 thành lập Ban Tư pháp huyện, thị và quy định tiêu chuẩn cán bộ làm công tác pháp chế các sở, ban, ngành, công ty, xí nghiệp, nông – lâm trường trên địa bàn tỉnh.

Ra đời trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của địa phương đang gặp nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước ta đang tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định mọi mặt đời sống nhân dân, xây dựng chính quyền cách mạng và từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, ngành Tư pháp tỉnh Sông Bé (Bình Dương) xác định mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt trong giai đoạn đầu thành lập là phải vượt qua khó khăn về nhân lực, điều kiện làm việc…, tập trung mọi nỗ lực để xây dựng tổ chức, lực lượng và hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, chính quyền trong công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.

Tình hình tổ chức, nhân sự:

Ngày đầu thành lập, Sở Tư pháp do đồng chí Huỳnh Văn Kim làm Giám đốc, đồng chí Ngô Văn Bậm làm Phó giám đốc. Với 12 cán bộ nhân viên thuộc Ban pháp chế trước đây chuyển sang, Sở được tổ chức thành 03 Phòng: Phòng Nghiên cứu và Tuyên truyền pháp luật do đồng chí Trương Văn Chuông làm Trưởng phòng (năm 1983 đồng chí Trương Văn Chuông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở, kiêm Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu và Tuyên truyền pháp luật, đến năm 1987, Phòng Nghiên cứu và Tuyên truyền pháp luật có 02 bộ phận trực thuộc: Bộ phận Tuyên truyền do đồng chí Hoàng Hồ Linh Chi phụ trách và Bộ phận Văn bản do đồng chí Hoàng Thị Ngọc Thủy phụ trách), Phòng Tổ chức và Đào tạo do đồng chí Mai Văn Tám làm Trưởng phòng, Phòng Hành chính tổng hợp và Thi đua do đồng chí Lê Xuân Ứng làm Trưởng phòng. Ngoài ra có 02 cán bộ được phân công theo dõi công tác quản lý Tòa án nhân dân các huyện, thị (về sau, thành lập Phòng Quản lý Tòa án địa phương). Các công tác quản lý tư pháp khác như: Công chứng, Luật sư (Bào chữa viên), Giám định tư pháp, Hộ tịch v.v… thời gian đầu chưa có cán bộ để phân công. Trình độ năng lực cán bộ còn hạn chế, đa số cán bộ làm công tác tư pháp chưa được bồi dưỡng về pháp lý.

Ở cấp huyện, 8/8 huyện, thị xã đều thành lập Ban Tư pháp (có nơi gọi là Phòng Tư pháp). Ở cấp xã Ban Tư pháp thời gian đầu có một đồng chí Phó Chủ tịch làm nhiệm vụ Trưởng ban Công an kiêm Trưởng ban Tư pháp. Về sau, trên cơ sở đề xuất của Sở Tư pháp và Công an tỉnh, Thường vụ Tỉnh ủy có Chỉ thị số 12/CT-TU ngày 02/7/1983 và Thường trực UBND tỉnh ra Chỉ thị số 17/CT-UB ngày 14/9/1983, chỉ đạo củng cố tổ chức, nhân sự Ban Tư pháp xã, theo đó Trưởng ban Tư pháp do một Phó Chủ tịch hoặc Ủy viên UBND xã phụ trách, Trưởng ban Công an xã không tiếp tục kiêm nhiệm. Đến cuối năm 1983, đã có 60/133 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã bố trí được Trưởng ban Tư pháp theo đúng Chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Năm 1989 đồng chí Huỳnh Văn Tấn được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Tư pháp. Năm 1990, Phòng Hộ tịch được thành lập, gồm 3 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Thị Gái làm Trưởng phòng. Từ tháng 5/1990 UBND tỉnh giao cho đồng chí Giám đốc Sở Tư pháp làm Công chứng viên và 01 chuyên viên giúp việc, đến ngày 29/01/1992 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 04/QĐ-UB thành lập Phòng công chứng do Giám đốc Sở Tư pháp phụ trách (kiêm nhiệm Công chứng viên) và 01 Công chứng viên, chủ yếu thực hiện việc sao y bản chính.

Hiến pháp năm 1992 được ban hành cùng với sự ra đời của nhiều văn bản QPPL mới, trong đó Nghị định số 38/CP ngày 04/6/1993 thay thế Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/11/1981 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp và Thông tư số 12-TTLB ngày 26/7/1993 của liên Bộ Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) đã dẫn đến những thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của ngành Tư pháp địa phương, theo đó, hệ thống tổ chức tư pháp ở địa phương được quy định như sau:

 "1. Ở tỉnh và cấp tương đương có Sở Tư pháp; ở huyện và cấp tương đương có Phòng Tư pháp; ở xã và cấp tương đương có Ban Tư pháp.

Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban Nhân dân cùng cấp chịu sự chỉ đạo và quản lý về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan tư pháp cấp trên.

(…)" (Điều 4 Nghị định số 38/CP)

Theo quy định của Thông tư liên Bộ số 12-TTLB ngày 26/7/1993, bên cạnh những chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Thông tư số 08-TT, các cơ quan Tư pháp địa phương được giao thêm một số nhiệm vụ mới, ví dụ ở cấp tỉnh, các nhiệm vụ liên quan đến công tác Văn bản pháp quy được quy định mở rộng và cụ thể hơn, bổ sung thêm chức năng quản lý công tác thi hành án dân sự, thống kê tư pháp, thanh tra tư pháp, phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo xây dựng, thực hiện chương trình giáo dục pháp luật trong nhà trường…; tương tự, chức năng nhiệm vụ của cơ quan Tư pháp cấp huyện, cấp xã cũng được bổ sung và cụ thể hóa so với trước đây.

Thông tư liên Bộ số 12-TTLB cũng giao cho UBND cấp tỉnh quy định tổ chức, bộ máy của các cơ quan Tư pháp tỉnh, huyện, xã. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Sông Bé đã quy định cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp gồm có các Phòng: Tuyên truyền - Văn bản, Hộ tịch, Quản lý Tòa án cấp huyện và Hành chính Tổng hợp - Tổ chức. Cơ cấu tổ chức, nhân sự và hoạt động của ngành từ những năm 1992-1993 được duy trì ổn định cho đến khi tái lập tỉnh năm 1997.

Kết quả, thành tích nổi bật trên các mặt hoạt động:

Trước thực trạng đội ngũ cán bộ và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, từ những ngày đầu thành lập lãnh đạo Sở đã chú trọng công tác đào tạo, cử nhiều đợt cán bộ tham gia các lớp chuyên tu, luân huấn đại học, trung cấp pháp lý, đào tạo nghiệp vụ do Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn phối hợp với các ngành mở lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn cho hàng trăm cán bộ Tư pháp huyện, thị, xã, phường, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và cán bộ pháp chế các sở, ban, ngành, công ty, xí nghiệp.

Giai đoạn này, ngành Tư pháp địa phương từ tỉnh đến các huyện, thị, xã phường đã từng bước xây dựng tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn ở địa phương. Tính đến năm 1996, biên chế của Sở đã tăng lên 21 người. 09/09 Phòng Tư pháp cấp huyện đã được củng cố với 36 biên chế, đều đạt trình độ Trung cấp pháp lý trở lên, 133/133 xã có Ban Tư pháp với gần 200 cán bộ, trong đó có 80 cán bộ chuyên trách, toàn tỉnh có hơn 150 Tổ hòa giải với gần 1.400 tổ viên.

Trong công tác xây dựng, rà soát văn bản, Sở Tư pháp (mà trực tiếp là Phòng Nghiên cứu và Tuyên truyền pháp luật) và các Phòng Tư pháp huyện, thị tiến hành thẩm tra (thẩm định) về mặt pháp lý các văn bản pháp quy trước khi trình UBND, HĐND thông qua để ban hành. Bên cạnh đó, cơ quan Tư pháp tỉnh, huyện qua phúc kiểm (kiểm tra) các văn bản pháp quy đã ban hành theo định kỳ 6 tháng, 1 năm đã thống kê số lượng văn bản, hệ thống hóa và phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhiều văn bản chồng chéo, trái luật hoặc không còn phù hợp. Ngoài ra, Sở còn phối hợp với các sở, ban ngành và chỉ đạo cho các Ban Tư pháp huyện tham mưu UBND cùng cấp tổ chức lấy ý kiến các dự thảo Luật, Pháp lệnh theo yêu cầu của Quốc hội. Công tác xây dựng, rà soát văn bản pháp quy và góp ý xây dựng pháp luật đã góp phần quan trọng vào công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật của chính quyền các cấp ở địa phương và yêu cầu thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thành pháp luật.

Trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp cùng với các Ban Tư pháp huyện, thị và các ngành liên quan cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, triển khai các văn bản pháp luật mới của Trung ương như: Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản XHCN, các tội hối lộ, đầu cơ, kinh doanh trái phép; Luật nghĩa vụ quân sự, các Pháp lệnh về Thuế… đến tận các xã, phường, cơ quan, xí nghiệp với hình thức phong phú: tổ chức các hội nghị tập huấn, nói chuyện chuyên đề, phát tài liệu hỏi – đáp, triển khai các đề cương hướng dẫn tuyên truyền… Năm 1991, đã thành lập được Hội đồng Phối hợp tuyên truyền pháp luật ở tỉnh và huyện, thị. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp các cơ quan, tổ chức và nhân dân hiểu rõ, chấp hành đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế được những trường hợp vi phạm, góp phần đảm bảo pháp chế XHCN ở địa phương.

Thực hiện quy định của Luật Tổ chức TAND và phân cấp của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp phối hợp với TAND tỉnh quản lý các TAND cấp huyện về tổ chức, biên chế, kinh phí hoạt động, thi đua khen thưởng, giải quyết chế độ chính sách, đào tạo cán bộ, xây dựng định mức công việc, đánh giá kết quả công tác của đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và tiến hành sơ, tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của các Tòa án cấp huyện. Tòa án 9/9 huyện thị đã được củng cố với 92 biên chế, trong đó cán bộ xét xử có trình độ Đại học 17 đồng chí, còn lại là Trung cấp, lượng án xét xử khoảng 1.300 vụ/ năm. Công tác thi hành án dân sự (thời gian này vẫn do Tòa án các cấp thực hiện) ở mỗi Tòa án cấp huyện có 01 cán bộ phụ trách, tổ chức thi hành được khoảng 50% trong tổng số gần 2.500 vụ án đã xét xử mỗi năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức, hoạt động của ngành Tư pháp địa phương giai đoạn này vẫn còn một số mặt tồn tại: hoạt động Luật sư và dịch vụ pháp lý chậm được củng cố theo Pháp lệnh Luật sư năm 1987 (đến năm 1992, Đoàn Luật sư mới được thành lập với 4 Luật sư, toàn tỉnh chỉ có 02 cơ sở dịch vụ pháp lý, hiệu quả hoạt động chưa cao); hoạt động công chứng ở cấp huyện, cấp xã hầu hết do Trưởng Phòng, Trưởng ban Tư pháp kiêm nhiệm, một số nơi thực hiện hành vi công chứng không đúng quy định về trình tự, thẩm quyền; ở cấp xã do UBND địa phương một số nơi nhận thức chưa đầy đủ nên không bố trí cán bộ Tư pháp – Hộ tịch chuyên trách khi thực hiện chủ trương khoán biên chế, ngân sách.

Nhìn chung, trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước và của ngành, từ năm 1982 đến năm 1996 ngành Tư pháp tỉnh đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, xây dựng và củng cố tổ chức, nhân lực cơ quan Tư pháp các cấp ở địa phương, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.

Tuy còn những hạn chế nhất định trên một số lĩnh vực nhưng ngành Tư pháp tỉnh đã góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện mục tiêu mà ngành cấp trên và Đảng bộ, chính quyền địa phương đã đề ra: ổn định mọi mặt đời sống nhân dân, xây dựng chính quyền cách mạng vững chắc và từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.

Ngày 05/11/1996, Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ 10 thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo đó từ ngày 01/01/1997 tỉnh Sông Bé được chia tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản pháp luật liên quan, Sở Tư pháp đã tiến hành thủ tục chia tách, bàn giao nhân sự, trang thiết bị và hồ sơ tài liệu của Sở, các đơn vị trực thuộc và Phòng Thi hành án, hoàn thành trước ngày 01/3/1997 theo kế hoạch của Trung ương.

Từ đây, lịch sử của ngành Tư pháp tỉnh Sông Bé bước sang một giai đoạn mới: giai đoạn củng cố và phát triển ngành Tư pháp tỉnh Bình Dương.

2. Từ năm 1997 đến năm 2001:

Đặc điểm tình hình & yêu cầu nhiệm vụ:

Từ những thành tựu bước đầu trong công cuộc đổi mới về kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội BCH Đảng bộ tỉnh Khóa V (1991-1996), nhất là thành công của chính sách "trải thảm đỏ thu hút đầu tư" và mô hình thí điểm Khu công nghiệp, đồng thời nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh sau khi tái lập để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương khóa VI (1997-2000) đã xác định: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương nỗ lực tập trung thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước hết ưu tiên phát triển các khu công nghiệp tập trung, tạo môi trường thông thoáng thu hút nhanh nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy việc xây dựng và phát triển có chiều sâu, tạo đà kinh tế ổn định và bền vững. Đại hội VI cũng đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đổi mới hoạt động chính quyền.

Đặc điểm lịch sử sau khi tái lập tỉnh cùng với mục tiêu, định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Tỉnh đảng bộ đã đặt ra cho ngành Tư pháp tỉnh Bình Dương những đòi hỏi và thách thức mới: vừa phải chủ động củng cố tổ chức, bổ sung nhân lực cho ngành sau khi chia tách bộ máy; đồng thời phải nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ tốt yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển ngày càng năng động của tỉnh nhà.

Tình hình tổ chức, nhân sự:

Sau khi chia tách tỉnh, đồng chí Huỳnh Văn Tấn tiếp tục giữ chức vụ Giám đốc Sở[1]. Biên chế của Sở Tư pháp chỉ còn 15 cán bộ, công chức, viên chức (giảm 1/3 so với năm 1996), trong đó, 08 đ/c có trình độ đại học luật. Cơ cấu tổ chức của Sở so với trước khi tái lập tỉnh không có sự thay đổi, tuy nhiên do thiếu nhân lực nên hầu hết các đơn vị thuộc Sở chưa bố trí được Trưởng, Phó phòng.

Thời điểm mới tái lập, tỉnh Bình Dương có thị xã Thủ Dầu Một và 03 huyện: Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên. Từ tháng 8 năm 1999, 03 huyện mới được thành lập trên cơ sở chia tách các huyện cũ là: huyện Dĩ An, Dầu Tiếng và Phú Giáo. Cùng với việc xây dựng bộ máy chính quyền ở các huyện mới, Phòng Tư pháp cũng nhanh chóng được thành lập: Phòng Tư pháp huyện Dĩ An (đồng chí  Lưu Sử Trọng Nghiêm làm Trưởng phòng); huyện Dầu Tiếng (đồng chí Hồ Phát làm Trưởng phòng); huyện Phú Giáo (đồng chí Tống Nguyên làm Trưởng phòng).

Kết quả, thành tích nổi bật trên các mặt hoạt động:

Trong công tác xây dựng, rà soát văn bản, từ năm 1997 Sở Tư pháp đã chủ động xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định "quy định tạm thời về trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành và kiểm tra việc triển khai thực hiện các văn bản QPPL của UBND các cấp trên địa bàn tỉnh" làm cơ sở pháp lý cho công tác ban hành văn bản của tỉnh; Sở cũng đã tham mưu HĐND, UBND tỉnh rà soát, hệ thống hóa và ban hành nhiều văn bản QPPL mới phù hợp với tình hình, điều kiện của tỉnh sau khi tái lập (thay thế cho các văn bản của tỉnh Sông Bé trước đây); đặc biệt là triển khai thực hiện Kế hoạch tổng rà soát văn bản QPPL do địa phương ban hành trong 20 năm (từ năm 1976 đến năm 1996) đạt kết quả tốt.

Công tác tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý được duy trì thường xuyên, đặc biệt là mô hình Câu lạc bộ phòng chống tội phạm được Sở xây dựng từ năm 2000 đã góp phần tích cực vào công tác bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương. Các mặt công tác khác như hộ tịch, hòa giải cơ sở, quản lý các Tòa án cấp huyện về mặt tổ chức… từng bước được củng cố.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động của ngành trong giai đoạn này cũng còn một số mặt tồn tại: tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ của các đơn vị sau khi tái lập tỉnh chậm được kiện toàn; công tác quản lý tổ chức đối với các cơ quan Thi hành án, quản lý hoạt động Luật sư chưa phát huy hiệu quả; tổ chức bán đấu giá tài sản đã được UBND tỉnh quyết định thành lập từ năm 1999 nhưng chưa thành lập được bộ máy, chưa triển khai hoạt động; hoạt động Công chứng, chứng thực còn trong tình trạng quá tải, nhân dân còn phiên hà.

3. Từ năm 2002 đến nay (đổi mới và phát triển)

Đặc điểm tình hình & yêu cầu nhiệm vụ:

Trên cơ sở đánh giá những ưu điểm, hạn chế của Bình Dương sau 4 năm tái lập (1997-2000), Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa VII (2001-2005) đã đề ra mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 là: "Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, hội nhập kinh tế vùng và khu vực, biến tiềm năng thành lợi thế so sánh để thu hút đầu tư, chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ hiện đại, tiên tiến, sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh cao… Song song với tăng trưởng kinh tế, chú trọng chăm lo xây dựng và phát triển các lĩnh vực văn hóa – xã hội, thực hiện mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo giữ vững chính trị, quốc phòng – an ninh trong quá trình phát triển"[2].

Ở Trung ương, năm 2001 Quốc hội khóa X đã sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó có sự điều chỉnh mục tiêu từ xây dựng "Nhà nước xã hội chủ nghĩa" sang "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa". Ngày 02/01/2002 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về "một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới". Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg ngày 19/3/2002 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW xác định rõ nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành và chính quyền địa phương, trong đó, ngành Tư pháp được giao 14 nhiệm vụ cụ thể như: củng cố, kiện toàn tổ chức, tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ Tư pháp các cấp; xây dựng tổ chức pháp chế ở các Sở, ngành địa phương và doanh nghiệp; củng cố tổ chức giám định, xây dựng đội ngũ giám định viên tư pháp; tăng cường và nâng cao hiệu quả công công tác thi hành án dân sự; triển khai các quy định về bán đấu giá tài sản, lý lịch tư pháp và trợ giúp pháp lý; từng bước xã hội hoá hoạt động công chứng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến tận người dân… Ngày 02/6/2005 Bộ Chính trị ban hành NQ 49-NQ/TW về "chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020", xác định cần phải tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, giải pháp mà Nghị quyết 08-NQ/TW đã đề ra, trong đó đối với ngành Tư pháp cần tập trung đẩy mạnh hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp như công chứng, Luật sư, giám định tư pháp…

Triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, Nghị quyết 49-NQ/TW về cải cách tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan, chức năng nhiệm vụ của ngành Tư pháp tỉnh trong giai đoạn này có những bước điều chỉnh quan trọng: thực hiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Sở Tư pháp chuyển giao công tác quản lý Tòa án cấp huyện về mặt tổ chức cho Tòa án tỉnh từ năm 2002; đến năm 2009 Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực, Sở Tư pháp không tiếp tục thực hiện việc quản lý một số mặt về công tác tổ chức đối với các cơ quan Thi hành án địa phương; đồng thời theo Thông tư liên tịch 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của liên Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Sở và các Phòng Tư pháp huyện, thị được giao thêm nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật và công tác bồi thường nhà nước.

Tình hình tổ chức, nhân sự:

Cuối năm 2001, đồng chí Trần Nhất Huấn, Phó chánh án TAND tỉnh được điều động về làm Giám đốc Sở Tư pháp thay cho đồng chí Huỳnh Văn Tấn (trúng cử Đại biểu và được bầu làm Phó Chủ tịch HĐND tỉnh)[3].

Thời điểm này, tổng biên chế của Sở có 27 người, gồm: 16 biên chế ở các Phòng chuyên môn và 09 biên chế ở các đơn vị trực thuộc. Các Phòng Tư pháp huyện, thị có 28 biên chế. Thi hành án tỉnh có 08 người (01 Trưởng phòng kiêm Chấp hành viên, 01 Chấp hành viên và 06 nhân viên), Thi hành án các huyện, thị có 30 người (trong đó có 15 Chấp hành viên).

Cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp năm 2001 có 04 Phòng (Văn phòng, Phòng Văn bản - Tuyên truyền, Phòng Quản lý về tổ chức TAND cấp huyện, Phòng Hộ tịch) và 02 đơn vị trực thuộc (Phòng Công chứng Nhà nước, Trung tâm trợ giúp pháp lý). Năm  2002, Phòng công chứng số 2 được thành lập. Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập từ năm 1999 nhưng do thiếu nhân sự nên đến tháng 3/2003 mới chính thức đi vào hoạt động.

Thực hiện Thông tư liên tịch 04/2005/TTLT-BTP-BNV ngày 05/5/2005, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 219/2005/QĐ-UBND ngày 10/10/2005 quy định cơ cấu tổ chức Sở Tư pháp, theo đó:  Phòng Hộ tịch được sáp nhập vào Văn phòng, Phòng Văn bản – Tuyên truyền được tách ra thành Phòng Văn bản pháp quy và Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, bộ phận quản lý tổ chức Thi hành án và các hoạt động tư pháp khác thuộc Văn phòng được tách ra thành Phòng Bổ trợ tư pháp. Các đơn vị còn lại gồm: Trung tâm trợ giúp pháp lý, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản, các Phòng Công chứng được giữ nguyên như trước đây. Đến năm 2006, Thanh tra Sở được thành lập theo Quyết định số 3180/QĐ-UBND ngày 10/7/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Căn cứ Thông tư liên tịch 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của liên Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 63/2009/QĐ-UBND ngày 27/8/2009 quy định về cơ cấu tổ chức Sở Tư pháp, theo đó Phòng Văn bản được tách ra thành Phòng Xây dựng và Thi hành VB QPPL và Phòng Kiểm tra văn bản QPPL; Bộ phận Hộ tịch của Văn phòng được tách ra thành Phòng Hành chính tư pháp. Như vậy, thực hiện theo Quyết định 63/2009/QĐ-UBND, cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp hiện nay gồm có: Văn phòng, Thanh tra Sở, 05 Phòng chuyên môn (Phòng Phòng Xây dựng và Thi hành VB QPPL, Phòng Kiểm tra văn bản QPPL, Phòng Hành chính tư pháp, Phòng Bổ trợ tư pháp, Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật) và 04 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản, Phòng Công chứng số 1, Phòng Công chứng số 2). Các chức danh Trưởng, Phó phòng đã được bổ sung, kiện toàn đầy đủ.

Về tình hình nhân lực, biên chế toàn ngành Tư pháp tỉnh đến cuối năm 2011 là 260 người, trong đó riêng số lượng công chức, viên chức, nhân viên của Sở sau 10 năm cải cách, kiện toàn đã tăng từ 27 người (năm 2001) lên 61 người (trong đó có 01 Chuyên viên cao cấp[4], 03 Chuyên viên chính, 41 Chuyên viên, 01 Thanh tra viên và 15 chức danh khác). Cùng với việc kiện toàn tổ chức, nhân sự ở tỉnh, Lãnh đạo Sở còn phối hợp với Cấp ủy, UBND các huyện, thị để tăng biên chế cho các Phòng Tư pháp huyện, nâng tổng biên chế cán bộ Tư pháp cấp huyện từ 28 người (năm 2001) lên 199 người. Các huyện thị đều đã bổ nhiệm Trưởng, Phó phòng Tư pháp. Chất lượng cán bộ ngày càng được nâng cao: đến nay 100% công chức, viên chức chuyên môn của Sở đạt trình độ Cử nhân Luật trở lên (trong đó có 03 Thạc sỹ, 02 đang học Cao học Luật), về lý luận chính trị có 04 cao cấp, 01 cử nhân chính trị. Ở cấp huyện có 90% cán bộ Tư pháp và cấp xã có 40% cán bộ Tư pháp đạt trình độ Cử nhân Luật. Sở Tư pháp đã giới thiệu 03 trường hợp để UBMTTQVN tỉnh hiệp thương, kết quả bầu cử có 02 trường hợp trúng cử Đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016)[5].

Kết quả, thành tích nổi bật trên các mặt hoạt động:

Trong công tác xây dựng văn bản QPPL, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND ban hành quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành, rà soát văn bản QPPL, đưa công tác này thực sự đi vào nề nếp, các văn bản QPPL do sở, ngành tham mưu soạn thảo chỉ được HĐND, UBND tỉnh ký ban hành sau khi đã được Sở Tư pháp thẩm định[6]. Chất lượng góp ý, thẩm định ngày càng nâng cao, không chỉ thẩm định về mặt thể thức văn bản, Sở Tư pháp đã nâng tầm thẩm định về nội dung, các văn bản được ban hành đều đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và khả thi, không có văn bản "xé rào". Công tác thẩm định đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng, hòan thiện thể chế pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở của phương. Có thể nói đây là giai đoạn mà vai trò của cơ quan Tư pháp trong công tác xây dựng văn bản QPPL đã thực sự phát huy, được các sở, ngành tin tưởng và cấp ủy, lãnh đạo địa phương đánh giá cao.

Cùng với công tác xây dựng văn bản, Sở cũng chú trọng công tác kiểm ra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL. Qua kiểm tra văn bản QPPL, đã phát hiện, tham mưu HĐND, UBND tỉnh và các huyện, thị kịp thời xử lý những văn bản sai sót về thể thức, nội dung hoặc không còn phù hợp[7]. Sở Tư pháp cũng đã phối hợp tốt với Văn phòng UBND tỉnh thực hiện rà soát, hệ thống hóa 4.317 văn bản QPPL của Trung ương và địa phương thuộc các lĩnh vực: Tư pháp, Đất đai, Xây dựng, Xử lý vi phạm hành chính, Giáo dục, Y tế, Phí, lệ phí, Cán bộ công chức, Khiếu nại tố cáo, Lao động, Bảo vệ bí mật nhà nước, Hội nhập kinh tế quốc tế, Cam kết của Việt Nam trong WTO, Kinh tế hợp tác và Hợp tác xã, Hộ khẩu, Cư trú, Quốc phòng, Phòng, chống tham nhũng, Phòng, chống ma túy, Ngoại giao... Trên cơ sở rà soát định kỳ hàng tháng, Sở Tư pháp được UBND tỉnh giao tổ chức in và phát hành tập hệ thống hóa văn bản của địa phương cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã và xã phường, thị trấn… với số lượng 450 quyển/quý cho đến khi Trung tâm công báo (thuộc Văn phòng UBND tỉnh) được thành lập năm 2006. Ngoài ra, Sở còn thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn bản của các sở, ngành, huyện, thị, góp phần từng bước nâng cao chất lượng công tác văn bản tại địa phương.

Bên cạnh công tác xây dựng, rà soát văn bản QPPL, Sở Tư pháp còn tích cực tham mưu cho UBND nghiên cứu, vận dụng các quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành nhằm giải quyết có hiệu quả, đúng pháp luật các vấn đề xã hội nảy sinh và phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua việc tham gia xây dựng, góp ý các Kế hoạch, Đề án, Chiến lược phát triển trên các lĩnh vực và tham gia công tác giải quyết khiếu nại tố cáo với UBND tỉnh, nhất là các trường hợp khiếu kiện đông người, bức xúc, kéo dài.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý tiếp tục được duy trì, đổi mới, có sự kết hợp chặt chẽ, phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với phương châm "hướng về cơ sở". Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, trợ giúp pháp lý, Sở đã tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh và các huyện, thị vào năm 2009, đồng thời củng cố đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, Cộng tác viên trợ giúp pháp lý[8]. Hình thức, nội dung tuyên truyền, trợ giúp ngày càng đa dạng, phong phú như: mô hình giỏ pháp luật với số lượng ban đầu 100 giỏ triển khai thí điểm ở địa bàn dân cư, nhà trọ công nhân vào năm 2006 đến nay đã phát triển lên 1.342 giỏ trên toàn tỉnh; tổ chức các buổi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý vào buổi tối, ngày nghỉ cho nhân dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, công nhân ở các nông trường cao su, các khu công nghiệp; giải đáp pháp luật trực tiếp hàng tuần trên Đài Phát thanh; tuyên truyền pháp luật trên website của tỉnh, trên chuyên trang "Thông tin pháp luật" của Báo Bình Dương, chuyên mục "Pháp luật & Cuộc sống" trên Đài Truyền hình; tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật với quy mô cấp tỉnh; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai "Ngày pháp luật" hàng tháng ở tất cả các sở, ban, ngành, huyện, thị… Công tác tuyên truyền, trợ giúp pháp lý liên tục được đổi mới, phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng và bám sát chủ trương, chính sách, quy định pháp luật mới của Nhà nước, những vấn đề pháp luật mà người dân và xã hội quan tâm đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và đảm bảo quyền lợi cho nhân dân. Trong công tác hòa giải cơ sở, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh chi hỗ trợ các vụ việc hòa giải thành ở cơ sở từ năm 2002, đồng thời củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên cơ sở[9], tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi cấp tỉnh và chọn Hòa giải viên tham dự Hội thi toàn quốc năm 2005 (kết quả đạt giải ba), tạo bước đột phá nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải cơ sở, tỉ lệ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước đã góp phần giải quyết các mâu thuẫn trong nhân dân, ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Công tác hành chính tư pháp đi vào nề nếp. Sở đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và thực hiện quy trình công tác hộ tịch theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000. Các yêu cầu về đăng ký, quản lý hộ tịch có yếu tố nước ngoài, cấp lý lịch tư pháp được giải quyết kịp thời, đúng quy định. Sở cũng đã tham mưu tốt cho UBND tỉnh trong công tác quản lý quốc tịch, năm 2011, đã giải quyết cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 938 trường hợp người không quốc tịch cư trú trên địa bàn tỉnh trước kỳ bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Trong công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng, từng bước củng cố các tổ chức Giám định tư pháp, phát triển đội ngũ Giám định viên; phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn các sở ngành thực hiện việc kiện toàn, củng cố tổ chức và đẩy mạnh các hoạt động pháp chế theo quy định và tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật cho cán bộ làm công tác pháp chế sở ngành, doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND tỉnh quản lý… Tính đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 02 tổ chức giám định tư pháp với 66 giám định viên; có 22 sở, ngành và doanh nghiệp Nhà nước đã bố trí cán bộ pháp chế.

Trước tình trạng nguyên tắc quản lý Nhà nước kết hợp với vai trò tự quản của Đoàn Luật sư chưa được nhận thức đúng, dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong thời gian dài, nhiều năm liền không phát triển được đội ngũ Luật sư, Sở Tư pháp đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương bồi dưỡng những nhân tố mới, tích cực và tập trung chỉ đạo tiến hành Đại hội vào các năm 2006, 2010, kiện toàn Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư, đưa hoạt động của Đoàn phát triển về số lượng và chất lượng, số lượng Luật sư từ 36 người (trong đó có 13 Luật sư tập sự) năm 2001 đến nay đã tăng lên 94 người (trong đó có 34 Luật sư tập sự), toàn tỉnh hiện có 24 tổ chức hành nghề Luật sư và 27 chi nhánh, văn phòng giao dịch.

Công tác quản lý về tổ chức của các TAND cấp huyện tiếp tục được chú trọng, tổ chức, biên chế của các TAND cấp huyện được củng cố, tăng cường. Đến thời điểm chuyển giao công tác quản lý TAND cấp huyện cho Tòa án tỉnh năm 2002, các Tòa án cấp huyện có 69 biên chế, trong đó có 30 Thẩm phán, 100% Thẩm phán cấp huyện đều đạt trình độ Cử nhân luật. Tất cả các Tòa án huyện, thị đều được kiện toàn, bổ sung đủ chức danh Chánh án, Phó chánh án.

Thực hiện ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc quản lý các cơ quan thi hành án địa phương về mặt tổ chức, Lãnh đạo Sở đã mạnh dạn tham mưu Cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, được Bộ Tư pháp chấp thuận kiện toàn nhân sự lãnh đạo Thi hành án tỉnh và một số huyện, đồng thời củng cố tổ chức, bổ sung đội ngũ Chấp hành viên cho các đơn vị nhằm khắc phục những tồn tại kéo dài về tổ chức, hoạt động. Đến thời điểm Sở Tư pháp chuyển giao công tác quản lý cơ quan Thi hành án địa phương về mặt tổ chức theo Luật Thi hành án dân sự (tháng 6/2009), Thi hành án tỉnh đã có 20 biên chế (trong đó có 09 Chấp hành viên), Thi hành án các huyện, thị có 79 biên chế (37 Chấp hành viên), tăng 160 % so với năm 2001. Bên cạnh việc kiện toàn tổ chức, phát triển đội ngũ cán bộ các cơ quan Thi hành án, Lãnh đạo Sở với vai trò là Thường trực Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh còn thường xuyên tham mưu Ban chỉ đạo và Trưởng ban (là Lãnh đạo UBND tỉnh) kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan Thi hành án tăng cường hoạt động, tích cực phối hợp giải quyết các vụ, việc thi hành án có nhiều khó khăn, vướng mắc. Từ đó đã tạo ra chuyển biến tích cực trong công tác Thi hành án dân sự của địa phương, số lượng và tỉ lệ thi hành án hàng năm đều tăng: trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2005 đã giải quyết được 11.861 việc/ 16.314 việc, đạt tỉ lệ bình quân 55,63%/ năm (tăng 12,33% so với năm 2002); từ năm 2006 đến năm 2008, đã giải quyết được 24.128 việc/26.281 việc, đạt tỉ lệ bình quân 78,99%/ năm (tăng 23,36%). Kết quả kiện toàn, củng cố về tổ chức, chỉ đạo về chuyên môn trong giai đoạn này đã tạo tiền đề, cơ sở vững chắc để ngành Thi hành án tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, hoạt động hiệu quả sau khi Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực.

Để giải quyết tình trạng quá tải trong hoạt động công chứng, chứng thực, Sở Tư pháp Bình Dương là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng với việc tham mưu UNBD tỉnh Bình Dương ban hành quyết định số 2503/QĐ-UBND ngày 15/8/2008 phê duyệt đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại tỉnh Bình Dương, là cơ sở cho sự ra đời của các Văn phòng công chứng. Bên cạnh đó, Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch cho tổ chức hành nghề công chứng, tăng thẩm quyền chứng thực bản sao, chữ ký của Phòng Tư pháp và xóa thẩm quyền địa hạt công chứng trên địa bàn tỉnh, đồng thời giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính các Phòng Công chứng từ năm 2008. Đến nay, ở Bình Dương có 15 tổ chức hành nghề công chứng phân bố trên toàn tỉnh, qua đó đã giảm bớt áp lực lên bộ máy nhà nước, đáp ứng nhu cầu công chứng của tổ chức, cá nhân và góp phần phục vụ hiệu quả cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Trung tâm Dịch vụ BĐG tài sản sau khi được quan tâm củng cố, kiện toàn đã hoạt động ổn định theo cơ chế đơn vị sự nghiệp tự chủ về tổ chức, biên chế và kinh phí, từng bước nâng cao hiệu quả, đóng góp thường xuyên vào nguồn thu ngân sách của địa phương. Bên cạnh Trung tâm Dịch vụ BĐG của tỉnh, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 07 tổ chức hoặc văn phòng đại diện của tổ chức dịch vụ BĐG tài sản đang hoạt động, đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Công tác quản lý hoạt động bán đấu giá tài sản đã từng bước đi vào nề nếp.

Song song với việc thực hiện cải cách tư pháp, củng cố, kiện toàn tổ chức, nhân sự các đơn vị, Lãnh đạo Sở thường xuyên chú trọng thực hiện các yêu cầu về cải cách hành chính. Thực hiện Đề án 30 của Chính phủ, tất cả các Phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở đều nghiêm túc thực hiện việc rà soát, cải tiến các quy trình, thủ tục hành chính. Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, sở Tư pháp cũng đã kiến nghị Bộ Tư pháp đề nghị Quốc Hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật quan trọng liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của ngành. Những lĩnh vực chuyên môn có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết yêu cầu của tổ chức, nhân dân như: hộ tịch, lý lịch tư pháp, bổ trợ tư pháp… đều xây dựng và thực hiện quy trình, thủ tục hành chính theo Đề án 30. Các thủ tục, giấy tờ, quy định về phí, lệ phí đều được niêm yết công khai, đồng thời công bố trên trang thông tin điện tử của tỉnh. Công chức, viên chức thường xuyên được quán triệt đã đề cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân khi liên hệ, giải quyết công việc. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở còn chỉ đạo cho bộ phận Thanh tra xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và tổ chức kiểm tra khi có thông tin phản ánh của các cơ quan, tổ chức và cá nhân đối với các lĩnh vực như: công chứng, hộ tịch, bán đấu giá, Luật sư… qua đó đã kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những thiếu sót về chuyên môn cũng như tác phong, lề lối làm việc của công chức, viên chức các đơn vị.

Công tác lãnh đạo, điều hành là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả, chất lượng và sự phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực của ngành trong giai đoạn này. Sở Tư pháp hoạt động theo chế độ thủ trưởng kết hợp với nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội quy cơ quan, Quy chế làm việc, Quy chế văn hóa công sở, Quy chế dân chủ cơ sở, Quy chế chi tiêu nội bộ và các quy định nội bộ khác được Lãnh đạo xây dựng, tập thể thông qua là cơ sở để đưa tổ chức, hoạt động của Sở đi vào nề nếp. Lãnh đạo Sở và cán bộ quản lý các cấp luôn đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cấp dưới, các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ được giao đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng công việc. Song song đó, Lãnh đạo Sở cũng thường xuyên lắng nghe và tôn trọng ý kiến của tập thể, những quyết sách quan trọng, liên quan đến định hướng phát triển của ngành, đến quyền lợi của tập thể đều được đưa ra bàn bạc, thảo luận dân chủ, từ đó tạo được sự đồng thuận, phát huy được được sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong tập thể và tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động của ngành.

Từ nhiều năm qua, Sở duy trì tốt chế độ sinh hoạt cơ quan, họp Lãnh đạo và thủ trưởng các Phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc để nắm tình hình và triển khai công tác hàng tuần; định kỳ giao ban với các huyện, thị, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, định kỳ tổ chức tập huấn và tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Tư pháp ở tỉnh và cấp huyện, cấp xã, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành.

Trong công tác cán bộ, Lãnh đạo Sở đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ "vừa hồng vừa chuyên", tạo điều kiện để cán bộ phát triển toàn diện, mạnh dạn sử dụng cán bộ trẻ có năng lực và phẩm chất tốt, trên cơ sở đó có kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ  kế thừa. Tính đến nay, có 09 / 14 Trưởng, Phó phòng và cán bộ quản lý tương đương ở Sở có độ tuổi dưới 35.

Công tác Đảng, đoàn thể luôn được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng bên cạnh hoạt động chuyên môn của ngành. Ban chấp hành Đảng bộ Sở Tư pháp và các Chi ủy trực thuộc luôn nêu cao tính tiên phong, gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên, duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, chú trọng lãnh đạo, tạo điều kiện đối với hoạt động đoàn thể và bồi dưỡng phát triển đảng viên mới. Qua đó đã lãnh đạo, định hướng công tác của ngành, thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, động viên cán bộ, đảng viên, quần chúng nêu cao vai trò trách nhiệm, ý chí phấn đấu, thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức theo tấm gương, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kết quả trong các năm qua không có trường hợp đảng viên sa sút ý chí phấn đấu, vi phạm đạo đức và những điều cấm đảng viên không được làm, các năm qua Đảng bộ Sở đều được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nhiều đảng viên được công nhận đảng viên xuất sắc, được Đảng ủy khối cơ quan và Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ tặng bằng khen. Ban chấp hành Công đoàn, Chi đoàn được Đảng ủy, Lãnh đạo cơ quan thường xuyên quan tâm, củng cố kiện toàn và tạo điều kiện hoạt động. Nhờ đó, hoạt động các đoàn thể đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả. Kết quả nhiều năm liền các tổ chức đoàn thể đều được công nhận trong sạch, vững mạnh.

Nhìn chung, qua 10 năm thực hiện cải cách, tổ chức bộ máy của ngành Tư pháp tỉnh đã được kiện toàn, đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng, vị trí, vai trò của cơ quan Tư pháp được nâng lên và phát huy, mang lại hiệu quả tích cực trên tất cả các mặt công tác, những lĩnh vực còn hạn chế, yếu kém trong một thời gian dài đã được tháo gỡ, tạo bước phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động của ngành Tư pháp tỉnh Bình Dương trong giai đoạn này cũng còn một số mặt cần quan tâm: nhân lực của ngành tuy được bổ sung nhưng vẫn còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ, chất lượng cán bộ chưa đồng đều, nhất là Tư pháp cơ sở; Đoàn Luật sư bước đầu đã được củng cố, tăng đáng kể về số lượng nhưng vẫn chưa ngang tầm với tình hình phát triển năng động của tỉnh Bình Dương; hoạt động công chứng sau khi thực hiện chủ trương xã hội hóa tuy đã phát huy hiệu quả, góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng giao dịch của tổ chức, cá nhân, đáp ứng yêu cầu của xã hội và đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhưng cũng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý, vai trò Thẩm phán phòng ngừa chưa được phát huy; các tổ chức giám định tư pháp, đội ngũ pháp chế của các sở ngành thời gian qua chậm được củng cố, chất lượng chưa đồng đều do thiếu cơ sở pháp lý và do nhận thức của từng ngành, từng đơn vị. Cùng với việc phát huy những kết quả đạt được và triển khai thực hiện có hiệu quả các yêu cầu nhiệm vụ mới được giao như: theo dõi thi hành pháp luật, bồi thường Nhà nước, xây dựng dữ liệu lý lịch tư pháp… trong thời gian tới, ngành Tư pháp địa phương sẽ tiếp tục tập trung đề ra các giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới.

​THAY LỜI KẾT

Qua 30 năm xây dựng và phát triển ngành Tư pháp Bình Dương không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, cả về tổ chức, nhân lực và kết quả hoạt động chuyên môn, nhất là giai đoạn triển khai thực hiện cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị từ năm 2002 đến nay đã có bước phát triển vượt bậc: tổ chức, bộ máy của cơ quan Tư pháp các cấp đã được củng cố, kiện toàn; hiệu quả các mặt hoạt động không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành và sự phát triển năng động của địa phương. Ngành Tư pháp tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà lãnh đạo ngành cấp trên và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương giao phó, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của ngành Tư pháp và của tỉnh Bình Dương.

Với sự nỗ lực và thành tích mà tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức đã đạt được, Sở Tư pháp Bình Dương đã 03 lần vinh dự được Bộ Tư pháp tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc vào các năm 2003, 2006, 2011, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc 10 năm đổi mới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen tập thể điển hình tiên tiến 5 năm liền (2006-2011). Ngoài ra, nhiều tập thể và cá nhân của Sở đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quí khác như: Huân chương lao động hạng ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh, danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành, Chiến sĩ thi đua tỉnh, Điển hình tiên tiến...

Tự hào với truyền thống và những những thành tích của ngành qua 30 năm xây dựng, phát triển, tập thể công chức, viên chức, lãnh đạo ngành Tư pháp tỉnh Bình Dương sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, học tập nâng cao trình độ chuyên môn và phát huy tinh thần đoàn kết, tiếp tục xây dựng ngành ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực sự "Gần dân, Hiểu dân, Giúp dân, Học dân" và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của ngành, địa phương.

Nguồn: Kỷ yếu 30 năm thành lập Ngành Tư pháp Bình Dương.


[1] Năm 1997 đồng chí Đoàn Xuân Hội được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở

[2] Văn kiện Đại hội Đại biểu tỉnh Đảng bộ Khóa VII.

[3] Các PGĐ Sở trong thời kỳ này gồm cá đồng chí: Đoàn Xuân Hội (1997-2009); Ngô Hoàng Luân (2003-2007 ); Nguyễn Minh Trung (2009-2011); Nguyễn Anh Hoa (2009 đến nay).

[4] Ngoài ra, có 01 cán bộ ngạch Chuyên viên cao cấp đã nghỉ hưu năm 2009

[5] 01 Đại biểu là cán bộ của Sở, 01 Đại biểu là Chủ nhiệm Đoàn Luật sư

[6] Từ năm 2001-2011, Sở đã thẩm định 1.464 dự thảo văn bản QPPL, góp ý 1.865 dự thảo văn bản QPPL do các sở, ngành soạn thảo tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành.

[7] Thực hiện Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ, Sở đã giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 1.317 văn bản . Qua kiểm tra, đã phát hiện 391 văn bản có sai sót về thể thức hoặc nội dung, Sở đã báo cáo, đề nghị rút kinh nghiệm hoặc kiến nghị xử lý.

[8] Toàn tỉnh hiện có 57 Báo cáo viên pháp luật, 184 Cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

[9] Toàn tỉnh hiện có 579 Tổ hòa giải với 4.369 Hòa giải viên cơ sở.

Lượt người xem:  Views:   282
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Email

FriendlyName

Tin mới nhất

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Ảnh
Video
Audio