Giới thiệu
Thứ 3, Ngày 02/12/2014, 04:00
NGÀNH TƯ PHÁP TỈNH BÌNH DƯƠNG 30 NĂM THÀNH LẬP & PHÁT TRIỂN Giai đoạn từ năm 2002 đến nay – Đổi mới và phát triển Đặc điểm tình hình & yêu cầu nhiệm vụ: Trên cơ sở đánh giá những ưu điểm, hạn chế của Bình Dương sau 4 năm tái lập (1997-2000), Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa VII (2001-2005) đã đề ra mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 là: “Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, hội nhập kinh tế vùng và khu vực, biến tiềm năng thành lợi thế so sánh để thu hút đầu tư, chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ hiện đại, tiên tiến, sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh cao… Song song với tăng trưởng kinh tế, chú trọng chăm lo xây dựng và phát triển các lĩnh vực văn hóa – xã hội, thực hiện mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo giữ vững chính trị, quốc phòng – an ninh trong quá trình phát triển”[1]. Ở Trung ương, năm 2001 Quốc hội khóa X đã sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó có sự điều chỉnh mục tiêu từ xây dựng "Nhà nước xã hội chủ nghĩa" sang "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa". Ngày 02/01/2002 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về “một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg ngày 19/3/2002 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW xác định rõ nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành và chính quyền địa phương, trong đó, ngành Tư pháp được giao 14 nhiệm vụ cụ thể như: củng cố, kiện toàn tổ chức, tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ Tư pháp các cấp; xây dựng tổ chức pháp chế ở các Sở, ngành địa phương và doanh nghiệp; củng cố tổ chức giám định, xây dựng đội ngũ giám định viên tư pháp; tăng cường và nâng cao hiệu quả công công tác thi hành án dân sự; triển khai các quy định về bán đấu giá tài sản, lý lịch tư pháp và trợ giúp pháp lý; từng bước xã hội hoá hoạt động công chứng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến tận người dân… Ngày 02/6/2005 Bộ Chính trị ban hành NQ 49-NQ/TW về “chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, xác định cần phải tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, giải pháp mà Nghị quyết 08-NQ/TW đã đề ra, trong đó đối với ngành Tư pháp cần tập trung đẩy mạnh hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp như công chứng, Luật sư, giám định tư pháp… Triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, Nghị quyết 49-NQ/TW về cải cách tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan, chức năng nhiệm vụ của ngành Tư pháp tỉnh trong giai đoạn này có những bước điều chỉnh quan trọng: thực hiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Sở Tư pháp chuyển giao công tác quản lý Tòa án cấp huyện về mặt tổ chức cho Tòa án tỉnh từ năm 2002; đến năm 2009 Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực, Sở Tư pháp không tiếp tục thực hiện việc quản lý một số mặt về công tác tổ chức đối với các cơ quan Thi hành án địa phương; đồng thời theo Thông tư liên tịch 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của liên Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Sở và các Phòng Tư pháp huyện, thị được giao thêm nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật và công tác bồi thường nhà nước. Tình hình tổ chức, nhân sự: Ngày 06/8/2001, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2963/QĐ-UBND, điều động và bổ nhiệm đồng chí Trần Nhất Huấn, Phó chánh án TAND tỉnh làm Giám đốc Sở Tư pháp[2]. Thời điểm này, tổng biên chế của Sở có 27 người, gồm: 16 biên chế ở các Phòng chuyên môn và 09 biên chế ở các đơn vị trực thuộc. Các Phòng Tư pháp huyện, thị có 28 biên chế. Thi hành án dân sự tỉnh có 08 người (01 Trưởng phòng kiêm Chấp hành viên, 01 Chấp hành viên và 06 nhân viên), Thi hành án dân sự các huyện, thị có 30 người (trong đó có 15 Chấp hành viên). Cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp năm 2001 có 04 Phòng (Văn phòng, Phòng Văn bản - Tuyên truyền, Phòng Quản lý TAND cấp huyện, Phòng Hộ tịch) và 02 đơn vị trực thuộc (Phòng Công chứng Nhà nước, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước). Năm 2002, Phòng công chứng số 2 được thành lập. Năm 2003 Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập từ năm 1999) được củng cố tổ chức, chính thức đi vào hoạt động. Thực hiện Thông tư liên tịch 04/2005/TTLT-BTP-BNV ngày 05/5/2005 và Thông tư liên tịch 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của liên Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 219/2005/QĐ-UBND ngày 10/10/2005 và sau đó là Quyết định số 63/2009/QĐ-UBND ngày 27/8/2009 quy định cơ cấu tổ chức Sở Tư pháp, theo đó, cơ cấu tổ chức của Sở đã có sự điều chỉnh. Thực hiện theo Quyết định 63/2009/QĐ-UBND, cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp hiện nay gồm có: Văn phòng, Thanh tra Sở, 05 Phòng chuyên môn và 04 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở (xem sơ đồ tổ chức). Các chức danh Trưởng, Phó phòng đã được bổ sung, kiện toàn đầy đủ. Về tình hình nhân lực, biên chế toàn ngành Tư pháp tỉnh đến cuối năm 2011 có 260 người, trong đó riêng số lượng công chức, viên chức của Sở sau 10 năm cải cách, kiện toàn đã tăng từ 27 người (năm 2001) lên 61 người (trong đó có 01 Chuyên viên cao cấp[3], 03 Chuyên viên chính, 41 Chuyên viên, 01 Thanh tra viên và 15 chức danh khác). Cùng với việc kiện toàn tổ chức, nhân sự ở tỉnh, Lãnh đạo Sở còn phối hợp với Cấp ủy, UBND các huyện, thị để tăng biên chế cho các cơ quan Tư pháp cấp huyện, cấp xã. Đến nay, các Phòng Tư pháp huyện, thị đã có 42 biên chế; UBND các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh có 151 biên chế cán bộ Tư pháp – Hộ tịch và 51 nhân viên hợp đồng (có 51 xã, phường, thị trấn có từ 02 cán bộ trở lên). Các huyện thị đều đã bổ nhiệm Trưởng, Phó phòng Tư pháp. Song song với việc bổ sung về số lượng, chất lượng cán bộ Tư pháp cũng ngày càng được nâng cao: đến nay 100% công chức, viên chức chuyên môn của Sở đạt trình độ Cử nhân Luật trở lên (trong đó có 03 Thạc sỹ, 02 đang học Cao học Luật), về lý luận chính trị có 04 cao cấp, 01 cử nhân chính trị. Có 90% cán bộ Tư pháp ở cấp huyện và 50% ở cấp xã đạt trình độ Cử nhân Luật. Trong công tác cán bộ, Lãnh đạo Sở đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, tạo điều kiện để cán bộ phát triển toàn diện, mạnh dạn sử dụng cán bộ trẻ có năng lực và phẩm chất tốt, trên cơ sở đó có kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ kế thừa. Tính đến nay, ở Sở có 09 / 14 Trưởng, Phó phòng và cán bộ quản lý tương đương có độ tuổi dưới 35. Sở Tư pháp đã giới thiệu 03 trường hợp thuộc ngành để UBMTTQVN tỉnh hiệp thương, bầu cử Đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016)[4]. Kết quả, thành tích nổi bật trên các mặt hoạt động: Trong công tác xây dựng văn bản QPPL, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND ban hành quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành, rà soát văn bản QPPL, đưa công tác này thực sự đi vào nề nếp, các văn bản QPPL do sở, ngành tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành đều được Sở Tư pháp thẩm định[5]. Chất lượng góp ý, thẩm định ngày càng nâng cao, không chỉ thẩm định về thể thức văn bản, Sở Tư pháp đã nâng tầm thẩm định về nội dung, các văn bản được ban hành đều đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và khả thi, không có văn bản “xé rào”. Công tác xây dựng văn bản QPPL đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, liên tục nhiều năm liền Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh về môi trường kinh doanh (PCI), tốc độ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh luôn ở mức cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định…. Có thể nói đây là giai đoạn mà vai trò của cơ quan Tư pháp trong công tác xây dựng văn bản QPPL đã thực sự phát huy, được các sở, ngành tin tưởng và cấp ủy, lãnh đạo địa phương đánh giá cao. Cùng với công tác xây dựng văn bản, Sở cũng chú trọng công tác kiểm ra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL nhằm phát hiện, tham mưu HĐND, UBND tỉnh và các huyện, thị kịp thời xử lý những văn bản sai sót về thể thức, nội dung hoặc không còn phù hợp. Sở Tư pháp cũng đã phối hợp tốt với Văn phòng UBND tỉnh thực hiện rà soát, hệ thống hóa 4.317 văn bản QPPL của Trung ương và địa phương thuộc các lĩnh vực: Tư pháp, Đất đai, Xây dựng, Xử lý vi phạm hành chính, Khiếu nại tố cáo, Hội nhập kinh tế quốc tế... Trên cơ sở rà soát văn bản QPPL định kỳ, Sở Tư pháp được UBND tỉnh giao tổ chức in và phát hành hàng quý tập hệ thống hóa văn bản của địa phương cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã và xã phường, thị trấn… cho đến khi Trung tâm công báo (thuộc Văn phòng UBND tỉnh) được thành lập, đi vào hoạt động năm 2006. Ngoài ra, Sở còn thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn bản của các sở, ngành, huyện, thị, góp phần từng bước nâng cao chất lượng công tác văn bản tại địa phương. Bên cạnh việc tham mưu xây dựng, rà soát văn bản QPPL, Sở Tư pháp còn tích cực tham mưu cho UBND nghiên cứu, vận dụng các quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành nhằm giải quyết có hiệu quả, đúng pháp luật các vấn đề xã hội nảy sinh và phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua việc tham gia xây dựng, góp ý các Kế hoạch, Đề án, Chiến lược phát triển trên các lĩnh vực và tham gia công tác giải quyết khiếu nại tố cáo với UBND tỉnh, nhất là các trường hợp khiếu kiện phức tạp, đông người, bức xúc kéo dài. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý tiếp tục được duy trì, đổi mới, có sự kết hợp chặt chẽ, phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với phương châm “hướng về cơ sở”. Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, trợ giúp pháp lý, Sở đã tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh và các huyện, thị vào năm 2009, đồng thời củng cố đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, Cộng tác viên trợ giúp pháp lý[6]. Hình thức, nội dung tuyên truyền, trợ giúp ngày càng đa dạng, phong phú với nhiều mô hình hiệu quả như: trang bị giỏ pháp luật ở các khu dân cư, nhà trọ công nhân; tuyên truyền, trợ giúp pháp lý vào buổi tối, ngày nghỉ cho nhân dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, công nhân ở các các khu công nghiệp; giải đáp pháp luật trực tiếp trên Đài Phát thanh; tuyên truyền pháp luật trên website của tỉnh, Báo Bình Dương, Đài Truyền hình; tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật với quy mô cấp tỉnh[7]; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai “Ngày pháp luật” hàng tháng ở tất cả các sở, ban, ngành, huyện, thị… Công tác tuyên truyền, trợ giúp pháp lý luôn bám sát chủ trương, chính sách, quy định pháp luật mới của Nhà nước, những vấn đề pháp luật mà người dân và xã hội quan tâm đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và đảm bảo quyền lợi cho nhân dân. Công tác hòa giải cơ sở được quan tâm, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên cơ sở[8]; tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi cấp tỉnh định kỳ 05 năm 02 lần, từ đó đã chọn ra Hòa giải viên tham dự Hội thi toàn quốc (năm 2005 đạt giải ba); Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách đột phá về hỗ trợ các vụ việc hòa giải thành từ năm 2002, thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải cơ sở, góp phần giải quyết các mâu thuẫn trong nhân dân, ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Công tác hành chính tư pháp đi vào nề nếp. Sở đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và thực hiện quy trình công tác hộ tịch theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000. Các yêu cầu về đăng ký, quản lý hộ tịch có yếu tố nước ngoài, cấp lý lịch tư pháp được giải quyết kịp thời, đúng quy định. Sở cũng đã tham mưu tốt cho UBND tỉnh trong công tác quản lý quốc tịch, năm 2011, đã giải quyết cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 938 trường hợp người không quốc tịch cư trú trên địa bàn tỉnh trước kỳ bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Trong công tác quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh từng bước củng cố các tổ chức Giám định tư pháp, phát triển đội ngũ Giám định viên; phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn các sở ngành thực hiện việc kiện toàn, củng cố tổ chức và đẩy mạnh các hoạt động pháp chế theo quy định và tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật cho cán bộ làm công tác pháp chế sở ngành, doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND tỉnh quản lý… Tính đến tháng 3/2012, ở tỉnh đã thành lập được 02 tổ chức giám định tư pháp với 66 giám định viên; có 22 sở, ngành và doanh nghiệp Nhà nước đã bố trí cán bộ pháp chế. Để khắc phục tình trạng nguyên tắc quản lý Nhà nước kết hợp với vai trò tự quản của Đoàn Luật sư chưa được nhận thức đúng, dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong thời gian dài, nhiều năm liền không phát triển được đội ngũ Luật sư, Sở Tư pháp đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương bồi dưỡng những nhân tố mới, tích cực và tập trung chỉ đạo tiến hành Đại hội vào các năm 2006, 2010, kiện toàn Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư, đưa hoạt động của Đoàn phát triển về số lượng và chất lượng, số lượng Luật sư từ 36 người (trong đó có 13 Luật sư tập sự) năm 2001 đến nay đã tăng lên 94 người (trong đó có 34 tập sự), toàn tỉnh hiện có 24 tổ chức hành nghề Luật sư và 27 chi nhánh, văn phòng giao dịch. Công tác quản lý về tổ chức của các TAND cấp huyện tiếp tục được chú trọng, tổ chức, biên chế của các TAND cấp huyện được củng cố, tăng cường. Đến thời điểm chuyển giao công tác quản lý TAND cấp huyện cho Tòa án tỉnh năm 2002, các Tòa án cấp huyện có 69 biên chế, trong đó có 30 Thẩm phán, 100% Thẩm phán cấp huyện đều đạt trình độ Cử nhân luật. Tất cả các Tòa án huyện, thị đều được kiện toàn, bổ sung đủ chức danh Chánh án, Phó chánh án. Thực hiện ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc quản lý các cơ quan thi hành án dân sự địa phương về mặt tổ chức, Lãnh đạo Sở đã mạnh dạn tham mưu Cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, được Bộ Tư pháp chấp thuận kiện toàn nhân sự lãnh đạo Thi hành án dân sự tỉnh và một số huyện, đồng thời củng cố tổ chức, bổ sung đội ngũ Chấp hành viên cho các đơn vị nhằm khắc phục những tồn tại kéo dài về tổ chức, hoạt động. Đến thời điểm Sở Tư pháp chuyển giao công tác quản lý cơ quan Thi hành án dân sự địa phương về mặt tổ chức theo Luật Thi hành án dân sự (tháng 6/2009), biên chế cơ quan Thi hành án dân sự các cấp ở Bình Dương đã tăng 160 % so với năm 2001. Song song đó, Lãnh đạo Sở với vai trò là Thường trực Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh còn thường xuyên tham mưu Ban chỉ đạo và Trưởng ban (Lãnh đạo UBND tỉnh) kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan Thi hành án dân sự tăng cường hoạt động, tích cực phối hợp giải quyết các vụ, việc thi hành án có nhiều khó khăn, vướng mắc. Từ đó đã tạo ra chuyển biến tích cực trong công tác thi hành án dân sự của địa phương, số lượng và tỉ lệ thi hành án hàng năm đều tăng và đạt chỉ tiêu thi đua của Bộ Tư pháp. Kết quả kiện toàn, củng cố về tổ chức, chỉ đạo về chuyên môn trong giai đoạn này đã tạo tiền đề, cơ sở vững chắc để ngành Thi hành án dân sự tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, hoạt động hiệu quả sau khi Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực. Để giải quyết tình trạng quá tải trong hoạt động công chứng, chứng thực, Sở Tư pháp Bình Dương là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng với việc tham mưu UNBD tỉnh Bình Dương phê duyệt đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại tỉnh Bình Dương, là cơ sở cho sự ra đời của các Văn phòng công chứng. Bên cạnh đó, Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp xã sang các tổ chức hành nghề công chứng, đổng thời giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính cho các Phòng Công chứng từ năm 2008. Đến nay, ở Bình Dương có 15 tổ chức hành nghề công chứng phân bố trên toàn tỉnh, qua đó đã giảm bớt áp lực lên bộ máy nhà nước, đáp ứng nhu cầu công chứng và đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của các tổ chức, cá nhân. Trung tâm Dịch vụ BĐG tài sản sau khi được quan tâm củng cố, kiện toàn đã hoạt động ổn định theo cơ chế đơn vị sự nghiệp tự chủ về tổ chức, biên chế và kinh phí, từng bước nâng cao hiệu quả, đóng góp thường xuyên vào nguồn thu ngân sách của địa phương. Bên cạnh Trung tâm Dịch vụ BĐG của tỉnh, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 07 tổ chức, văn phòng đại diện của tổ chức dịch vụ BĐG tài sản đang hoạt động, đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Công tác quản lý hoạt động bán đấu giá tài sản đã từng bước đi vào nề nếp. Song song với việc thực hiện cải cách tư pháp, củng cố, kiện toàn tổ chức, nhân sự các đơn vị, Lãnh đạo Sở thường xuyên chú trọng thực hiện các yêu cầu về cải cách hành chính. Tất cả các Phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở đều nghiêm túc thực hiện việc rà soát, cải tiến các quy trình, thủ tục hành chính. Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp cũng đã kiến nghị Bộ Tư pháp đề nghị Quốc Hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật quan trọng liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của ngành. Những lĩnh vực chuyên môn có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết yêu cầu của tổ chức, nhân dân như: hộ tịch, lý lịch tư pháp, bổ trợ tư pháp v.v… đều xây dựng và thực hiện quy trình, thủ tục hành chính theo Đề án 30. Các thủ tục, giấy tờ, phí, lệ phí đều được niêm yết công khai, đồng thời công bố trên trang thông tin điện tử của tỉnh. Công chức, viên chức thường xuyên được quán triệt đã đề cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi khi các cơ quan, tổ chức và người dân liên hệ, giải quyết công việc. Thanh tra Sở lập kế hoạch thanh, kiểm tra hàng năm và tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có thông tin phản ánh của các cơ quan, tổ chức và cá nhân đối với các lĩnh vực: công chứng, hộ tịch, bán đấu giá, Luật sư… qua đó đã kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những thiếu sót về chuyên môn cũng như tác phong, lề lối làm việc của công chức, viên chức các đơn vị. Công tác lãnh đạo, điều hành là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả, chất lượng và sự phát triển vượt bậc của ngành trong giai đoạn này. Sở Tư pháp hoạt động theo chế độ thủ trưởng kết hợp với nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội quy, Quy chế và các quy định nội bộ khác được Lãnh đạo xây dựng, tập thể thông qua là cơ sở để đưa tổ chức, hoạt động của Sở đi vào nề nếp. Lãnh đạo Sở và cán bộ quản lý các cấp luôn đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cấp dưới, các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ được giao đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng công việc. Song song đó, Lãnh đạo Sở cũng thường xuyên lắng nghe và tôn trọng ý kiến của tập thể, những quyết sách quan trọng, liên quan đến định hướng phát triển của ngành, đến quyền lợi của tập thể đều được đưa ra bàn bạc, thảo luận dân chủ, từ đó tạo được sự đồng thuận, phát huy được sức mạnh đoàn kết, thống nhất và tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động của ngành. Từ nhiều năm qua, Sở duy trì tốt chế độ sinh hoạt cơ quan, họp Lãnh đạo và thủ trưởng các Phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc để nắm tình hình và triển khai công tác hàng tuần; định kỳ giao ban với các huyện, thị, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, định kỳ tổ chức tập huấn và tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Tư pháp ở tỉnh và cấp huyện, cấp xã, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành. Nhìn chung, qua 10 năm thực hiện cải cách, tổ chức bộ máy của ngành Tư pháp tỉnh đã được kiện toàn, đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng, vị trí, vai trò của cơ quan Tư pháp được nâng lên và phát huy, mang lại hiệu quả rõ rệt trên tất cả các mặt công tác, những lĩnh vực còn hạn chế, yếu kém trong một thời gian dài nay đã được tháo gỡ, tạo bước phát triển mạnh mẽ. THAY LỜI KẾT Qua 30 năm xây dựng và phát triển (1982 – 2012), ngành Tư pháp tỉnh Sông Bé - Bình Dương không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, cả về tổ chức, nhân lực và kết quả hoạt động chuyên môn, nhất là giai đoạn triển khai thực hiện cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị từ năm 2002 đến nay đã có bước phát triển vượt bậc, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà lãnh đạo ngành cấp trên và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương giao phó, góp phần vào thành tích chung của ngành Tư pháp và sự phát triển năng động của địa phương. Với sự nỗ lực và thành tích mà tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức đã đạt được, Sở Tư pháp Bình Dương đã 03 lần vinh dự được Bộ Tư pháp tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc vào các năm 2003, 2006, 2011, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc 10 năm đổi mới (1990 – 2000), Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen tập thể điển hình tiên tiến 5 năm liền (2006-2011). Ngoài ra, nhiều tập thể và cá nhân của Sở đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quí khác như: Huân chương lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh, danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh... Tự hào với truyền thống và những thành tích của ngành qua 30 năm xây dựng, phát triển, tập thể công chức, viên chức, lãnh đạo ngành Tư pháp tỉnh Bình Dương sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, phát huy tinh thần trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo trong công việc, xây dựng nội bộ đoàn kết, yêu ngành yêu nghề, tiếp tục xây dựng ngành ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực sự “Công bằng, liêm khiết, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương
[1] Văn kiện Đại hội Đại biểu tỉnh Đảng bộ Khóa VII. [2] Đ/c Huỳnh Văn Tấn được bầu làm Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Các PGĐ Sở trong thời kỳ này gồm các đồng chí: Đoàn Xuân Hội (1997-2009); Ngô Hoàng Luân (2003-2007 ); Nguyễn Minh Trung (2008-2011); Nguyễn Anh Hoa (2009 đến nay); Bùi Duy Hiền (từ tháng 3/2012). [3] Ngoài ra, có 01 cán bộ ngạch Chuyên viên cao cấp đã nghỉ hưu năm 2009. [4] Kết quả bầu cử có 02 trường hợp trúng cử Đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương: 01 Đại biểu là cán bộ của Sở, 01 Đại biểu là Chủ nhiệm Đoàn Luật sư. [5] Từ năm 2001-2011, Sở đã thẩm định 1.464 dự thảo văn bản QPPL, góp ý 1.865 dự thảo văn bản QPPL do các sở, ngành soạn thảo tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành. [6] Toàn tỉnh có 57 Báo cáo viên pháp luật, 184 Cộng tác viên trợ giúp pháp lý (tính đến 6/2012). [7] Tìm hiểu Luật Đất đai (có 44.004 bài dự thi), Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (có 24.594 bài dự thi), Tìm hiểu pháp luật về hộ tịch (có 24.540 bài dự thi)… [8] Toàn tỉnh có 579 Tổ hòa giải với 4.369 Hòa giải viên cơ sở (tính đến 6/2012).
Tải về Ngành Tư pháp tỉnh Bình Dương 30 năm thành lập và phát triển.
Lượt người xem: Views:
1378
Bài viết:
Ngành Tư pháp tỉnh Bình Dương 30 năm thành lập và phát triển (Giai đoạn 2002-2012)
Truyền thống ngành
|