Đảng đoàn thể
Thứ 5, Ngày 17/08/2023, 10:00
Nâng cao bản lĩnh của Thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0 trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trước tác động của mạng xã hội
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
17/08/2023 | Nguyễn Thị Vân Anh
Tóm tắt: Ở nước ta hiện nay, sử dụng mạng xã hội là một trong số những loại hình giải trí phổ biến của đông đảo người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng ẩn chứa rất nhiều thông tin xấu, độc; là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch lợi dụng tiêm nhiễm những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật đối với thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0. Với vai trò là lực lượng xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp, giữ vai trò quan trọng trong phát triển bền vững đất nước và bảo vệ Tổ quốc, thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0 phải có những hiểu biết về mạng xã hội; nhận diện rõ các phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch; qua đó thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

1. Dẫn nhập

Vào khoảng những năm 1973 – 1974, thành quả trong việc phát triển dự án nghiên cứu của ARPA (thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ) đã trở thành một trong số những phát minh vĩ đại nhất của loài người, mở ra kỷ nguyên của thế giới phẳng, biên giới mềm, tạo ra một hệ thống mà sau này gọi là mạng internet. Internet đem lại rất nhiều những sản phẩm, tính năng, ứng dụng phục vụ thiết thực cho đời sống của con người, trong đó phải kể đến mạng xã hội. Nhóm người trẻ ở Việt Nam là từ 16 đến dưới 35 tuổi là đối tượng người dùng thường xuyên, phổ biến của mạng xã hội. Mạng xã hội được người trẻ lựa chọn sử dụng chủ yếu để cập nhật thông tin, học tập, giải trí, giao lưu, thậm chí là mua bán hàng hóa… Đối tượng này chịu tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cả tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, mạng xã hội là kênh thông tin vô cùng hữu ích, thiết thực, nhanh chóng và tương đối chính xác, phục vụ trực tiếp cho học tập, làm việc và đời sống hằng ngày. Tuy vậy, về mặt tiêu cực "mạng xã hội cũng là một phương tiện để các thế lực thù địch thông qua đó tác động phá hoại tư tưởng. Một bộ phận những người mà có tư tưởng chống đối chế độ cũng lợi dụng để tập hợp lực lượng, hình thành những tổ chức trên mạng để mà tìm mọi cách chống đối chế độ chúng ta"(1). Bài viết khẳng định vai trò của thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0; làm rõ sự phát triển của mạng xã hội ở Việt Nam thông qua hệ thống dữ liệu được khảo sát bởi các tổ chức quốc tế; nhận diện thủ đoạn của thế lực thù địch chống phá về mặt tư tưởng trên mạng xã hội tác động trực tiếp đến tầng lớp thanh niên Việt Nam; qua đó, đề xuất một số giải pháp đấu tranh, nâng cao bản lĩnh chính trị của thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0 trên mạng xã hội, góp phần chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

2. Đặc điểm của thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0

Trong bài phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp, Steve Jobs (CEO nổi tiếng của hãng công nghệ Apple) thay vì chúc các tân cử nhân một sự nghiệp thành công, ông lại chúc: "Hãy cứ khát khao, hãy luôn dại khờ (Stay hungry, stay foolish)". Câu nói này có nhiều hàm ý, song ông hướng đến đối tượng là những người trẻ, phải thực sự sống hết mình, sống có khát khao và dám làm mọi thứ.

Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, thanh niên Việt Nam luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất của dân tộc, hăng hái đi tiên phong trên mọi lĩnh vực, có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Đảng ta đã nhiều lần xác định, thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước.

Thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0 là một bộ phận của thanh niên thế giới. Trong tác phẩm Tuổi trẻ 4.0, học giả Rocky Scopelliti nêu rõ: "Họ là những người đang nằm trong độ tuổi lao động, là chủ lực kinh tế toàn cầu. Hơn thế nữa, thế hệ Millennials đang làm chủ tương lai của bản thân và thế giới khi góp phần tạo nên cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo và những điều chưa được khám phá. Sự thay đổi đến chóng mặt của xã hội hiện đại mang đến cho những người trẻ cả cơ hội và thách thức, họ phải học thích nghi để bắt được nhịp với những cuộc đua ngày càng khốc liệt"(2). Thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0 hội tụ đủ các đặc điểm chung mà thế hệ Millennials trên thế giới có, đó là: (1) có sự trưởng thành cùng với quá trình phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội; (2) bắt đầu tham gia vào lực lượng lao động có sức mạnh vô biên của công nghệ lần thứ tư, mà ở đó lao động thể chất và lao động dựa trên kỹ thuật số không còn ranh giới rõ ràng; (3) được trang bị về kỹ năng ngoại ngữ, kiến thức tương đối rộng, có văn hóa mang dấu ấn đa chiều "nhiều màu sắc". Tuy vậy, thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0 có những đặc trưng riêng, xuất phát từ vị trí, vai trò và sứ mệnh của lực lượng xã hội này:

Một là, thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0 bên cạnh việc trưởng thành cùng với quá trình phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội, thì còn có nền tảng giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội hết sức sâu sắc, ý nghĩa. Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa lâu đời, có lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng. Do vậy, tuổi trẻ Việt Nam mang trong mình hào khí Đông A, là con rồng, cháu tiên, có tinh thần yêu nước, có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, xung kích, sáng tạo, sẵn sàng có mặt ở mọi nơi khó khăn, gian khổ và sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới. Có thể nói, thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0 là nhóm người "giữ hồn dân tộc"(3), là người nối tiếp các thế hệ cha ông – không bao giờ đứng ngoài cuộc, mà luôn đam mê, dấn thân vào công cuộc bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Hai là, thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0 là lực lượng xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp. Khởi nghiệp, lập nghiệp trên chính quê hương của mình là con đường được nhiều bạn trẻ lựa chọn và bước đầu gặt hái được những thành tựu nhất định. Năm 2016, tại lễ phát động Chương trình "Thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2016 – 2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã khẳng định: "Khởi nghiệp không nhất thiết là bắt đầu ngay với những điều lớn lao, mà nhiều khi là từ những trăn trở, những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề thường nhật. Điều gì khiến chúng ta mong muốn nhất, trăn trở nhất sẽ khuyến khích chúng ta tìm tòi, sáng tạo mãnh liệt nhất. Ý tưởng khởi nghiệp dù nhỏ hay lớn đều đáng quý, cho thấy sự năng động, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên vô bờ của thanh niên Việt Nam"(4).

Ba là, quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0 luôn có sự đồng hành của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đây là tổ chức dẫn dắt, thiết lập các phong trào ý nghĩa cho tuổi trẻ Việt Nam trong thời kỳ mới. Chẳng hạn, phong trào "Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp" thể hiện rõ tính hành động của Đoàn, của tuổi trẻ trong tham gia phát triển kinh tế – xã hội đất nước, phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; tham gia hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2025, 2030, 2045 trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng ngay ở năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết. Khẳng định sự đồng hành của tổ chức Đoàn với thanh niên(5).

Bốn là, thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0 giữ vai trò quan trọng trong phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Trong đại dịch COVID-19, thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0 đã có nhiều hành động thiết thực, thể hiện tinh thần "vì Tổ quốc, vì đồng bào", như: xây dựng "trạm rửa tay dã chiến", "điểm rửa tay" từ vật dụng tái chế; dự án phát triển hệ thống cảnh báo sớm COVID-19 toàn cầu; điểm cấp gạo ATM miễn phí… Những sáng kiến của thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0 được xây dựng dựa trên thành tựu tri thức về công nghệ, tự động hóa, số hóa… đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân cả nước, góp phần làm thay đổi thái độ và nhận thức chính trị của thanh niên. Thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0 hiện có không ít bạn trẻ với trình độ học vấn cao, nhưng luôn sẵn sàng nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Đây là điều rất đáng phấn khởi và là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại", đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới(6). Trách nhiệm của thanh niên Việt Nam đối với Tổ quốc còn được Luật Thanh niên năm 2020 xác định: sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; đảm nhận công việc khó khăn, gian khổ, cấp bách khi Tổ quốc yêu cầu. Đấu tranh với các âm mưu, hoạt động gây phương hại đến lợi ích quốc gia – dân tộc.

3. Mạng xã hội và những thủ đoạn điển hình của các thế lực thù địch để tiêm nhiễm những luận điệu xuyên tạc tác động trực tiếp đến thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0

Mạng xã hội có nhiều dạng thức và tính năng khác nhau, có thể được trang bị thêm nhiều công cụ mới. Mạng xã hội có thể vận hành trên tất cả các nền tảng, như máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng hay điện thoại thông minh. Như vậy, theo khía cạnh chung nhất, mạng xã hội là giao thức có tính "mở" mang tính chất toàn cầu. Đặc trưng của mạng xã hội là luôn gắn với thông tin và thông tin trên mạng xã hội có sức lan tỏa tính theo "giây". Chia sẻ thông tin nhanh, đơn giản, dễ dàng, linh hoạt trên nhiều thiết bị… nên mạng xã hội phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Không thể phủ nhận, nhờ có mạng xã hội mà chúng ta có thể dễ dàng cập nhật thông tin ở mọi lĩnh vực, mọi quốc gia, vùng lãnh thổ… đa dạng từ văn bản chữ viết, hình ảnh cho đến đoạn video, hội thoại… Hay, mạng xã hội cũng có thể được coi là một người thầy "online" với rất nhiều kiến thức được lan tỏa, lưu trữ (tất nhiên mỗi chúng ta phải là những người học trò biết chọn lọc và đánh giá tính chính xác của thông tin). Trên mạng xã hội có rất nhiều hội, nhóm, fanpage, group là nơi tập hợp những thành viên có trách nhiệm, thường xuyên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về tất cả các ngành, lĩnh vực. Mạng xã hội cũng là kênh giải trí hữu ích đối với rất nhiều người, đa dạng lứa tuổi, từ trẻ nhỏ cho đến người già. Có thể nói, mạng xã hội giờ đây như một người bạn của mỗi con người.

Dựa theo Bảng 1, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nền tảng số, thông tin toàn cầu giúp cho việc tiếp cận với internet của người Việt trở nên dễ dàng. Theo đó, trung bình mỗi người Việt dành 06 giờ 38 phút mỗi ngày sử dụng các dịch vụ trên nền tảng internet. Ngoài việc sử dụng internet, mạng xã hội và xem tivi là 02 lựa chọn giải trí được nhiều người dành thời gian nhất, lần lượt là 02 giờ 28 phút và 02 giờ 47 phút mỗi ngày. Các ứng dụng mạng xã hội mà người Việt thường sử dụng có thể kể đến facebook, youtube, tiktok, zalo… Đây là những công cụ học tập, làm việc, giải trí hết sức quen thuộc đối với người Việt hiện nay.

Với chiến lược phát triển riêng của từng ứng dụng, các mạng xã hội sẽ tiến hành phân loại đối tượng thường xuyên sử dụng và "chạy quảng cáo" với nhóm đối tượng đó, lan tỏa các thông tin và sản phẩm. Đó là lý do vì sao "bán hàng trên nền tảng mạng xã hội" lại đang trở thành xu thế phát triển. Và ngẫu nhiên, các sản phẩm, thông tin, nội dung xuất hiện trên nền tảng cá nhân sử dụng một cách "trùng hợp và rất đúng nhu cầu". Căn cứ số liệu nêu trên, đối tượng từ 18 – 34 tuổi (cũng chính là nhóm thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0 mà bài viết của tác giả đang hướng đến) là nhóm tuổi cơ bản dành thời gian sử dụng mạng xã hội nhiều nhất, đồng thời là đối tượng tập trung của các quảng cáo, thông tin tương tác, lan tỏa.

Sự phát triển của nền tảng mạng xã hội ở Việt Nam là không thể phủ nhận. Thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0 là những người thường xuyên, liên tục sử dụng mạng xã hội với nhiều mục đích khác nhau, học tập, làm việc, giao lưu, giải trí… Nắm bắt được xu thế phát triển này, đồng thời khai thác những đặc trưng mang tính lợi thế của mạng xã hội, các thế lực thù địch đã lợi dụng, coi đó là môi trường, không gian, "mũi tấn công mang tính đột phá" để đưa ra những luận điệu xuyên tạc, nhằm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, bôi nhọ, hạ thấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, xuyên tạc, thậm chí có mưu đồ "viết lại, xét lại lịch sử dân tộc". Có thể nhận diện một số thủ đoạn mang tính điển hình của các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để tiêm nhiễm những luận điệu xuyên tạc, tác động trực tiếp đến thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0 như sau:

Thứ nhất, về tính thời điểm, các hoạt động chống phá của thế lực thù địch thường được thực hiện trước các sự kiện chính trị lớn của đất nước, như thời điểm ban hành Hiến pháp năm 2013, kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, ngày Quốc khánh 02/9, nhất là từ khi Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến nay. Trên các trang mạng nước ngoài và một số tài khoản blog, facebook cá nhân… đã chủ ý đăng tải nhiều thông tin xuyên tạc, thất thiệt và cố tình suy diễn về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng khóa XIII, tự "dựng lên" danh sách lãnh đạo cấp cao,… như thể là người trong cuộc(7). Ngoài ra, các sự biến mang tầm quốc gia, như thiên tai hay dịch bệnh COVID-19, cũng là thời điểm được các thế lực thù địch hướng đến. Hàng loạt những tin tức tiêu cực xuất hiện trên nền tảng mạng xã hội.

Thứ hai, về thủ đoạn chống phá, các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để hình thành nên những diễn đàn, kênh cung cấp thông tin, hay thậm chí là những kẻ/nhóm phản động trở thành người của công chúng khuếch trương thanh thế, cổ súy các tư tưởng lệch lạc. Chúng phát tán rộng rãi các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung xấu, độc, phản động, từ đó kích động hình thành các hoạt động, như tuần hành, biểu tình, rải truyền đơn, tụ tập kêu gọi chống đối cán bộ địa phương, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá chính quyền, chia rẽ khối đoàn kết giữa Đảng và nhân dân. Chúng còn tiến hành lập những tài khoản giả mạo trên mạng xã hội các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, những người có uy tín, nhân vật nổi tiếng trong xã hội… qua đó tung tin bịa đặt, gieo rắc sự hoài nghi trong xã hội, nhất là trước những vấn đề nhạy cảm.
Bên cạnh loại hình đăng tải bài viết có nội dung xấu, độc hại như cách vẫn thường làm, gần đây, các thế lực phản động còn thực hiện thủ đoạn chống phá thông qua hình thức livestream (là một phương thức để phát video trực tiếp, cho phép người dùng xem nội dung công khai trên mạng xã hội) trên nền tảng facebook, youtube… Thủ đoạn này được chúng xây dựng "kịch bản" khá công phu, nội dung chúng quay video phát trực tiếp thường là các vụ việc liên quan đến các cuộc biểu tình, khiếu kiện của tổ chức, cá nhân tại các cơ quan công quyền. Với thủ đoạn này, chúng hướng đến tạo "diễn đàn" kêu gọi cộng đồng mạng, trong đó có Thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0 tham gia bình luận về một vấn đề "nóng" được dư luận xã hội quan tâm(8).

Thứ ba, làm mới thông tin cũ, bịa đặt thông tin mới để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cũng là một trong số những thủ đoạn được các thế lực thù địch sử dụng trên nền tảng mạng xã hội. Với một số các fanpage hay trang cá nhân thường xuyên "phản động", chúng cố tình "lật lại lịch sử", phản biện trên tinh thần hạ bệ, xuyên tạc, đưa ra ý kiến trái chiều về những sự kiện, nhân vật để tạo ra nhiều luồng dư luận "gây nhiễu", gây hoang mang, suy giảm niềm tin của người xem, trong đó có nhóm đối tượng thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0. Các luồng thông tin đó thường tập trung vào một số vấn đề sau như xuyên tạc lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là lịch sử hai cuộc kháng chiến. Qua đó, hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; bôi nhọ, nhào nặn, đưa ra tình tiết xuyên tạc về tiểu sử, thân thế, tư tưởng và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Thứ tư, các thế lực phản động còn sử dụng chiến lược "khoảng trống thông tin" để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng. Lợi dụng "khoảng trống thông tin" này, các facebooker, youtuber hay fanpage, group… phát tán ồ ạt, trực tiếp những tin, bài xuyên tạc, bóp méo sự thật, thông qua những tiêu đề "giật gân", "câu khách" về vấn đề dư luận đang quan tâm, nhất là vấn đề liên quan đến nội bộ Đảng, Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực dưới các dạng như: thông tin sự việc, đặt câu hỏi, bỏ ngỏ vấn đề để bạn đọc suy ngẫm,… Những thông tin được chúng lựa chọn thường có sự biến tấu, dẫn đến "nửa thật nửa giải", nhằm kích thích sự hiếu kỳ của cộng đồng mạng, trước hết là để "câu like, follow, view", sau đó là phát tán thông tin một cách nhanh chóng, tức thì bởi những người sử dụng mạng xã hội thiếu hiểu biết.

Ngoài những thủ đoạn được phân tích ở trên, hiện nay, các thế lực thù địch, phản động đã và đang có rất nhiều phương thức để lợi dụng mạng xã hội làm công cụ chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, thực hiện "diễn biến hòa bình". Thực tế cho thấy, một bộ phận nhỏ cá nhân, tổ chức, gồm cả những người trẻ Việt Nam "sập bẫy", "hùa theo", tiếp tay để lan truyền những thông tin xấu, độc hại trên nền tảng mạng xã hội. Một nút like, một lượt share, tưởng chừng đơn giản nhưng lại ẩn chứa rất nhiều hệ lụy. Thời gian qua, có đối tượng thuộc thế hệ 8x, 9x vướng vào vòng lao lý với tội danh "Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân" (theo khoản 1 Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)) khi đăng tải bài viết, chia sẻ các bình luận bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Chính phủ sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận.

Có thể điểm ra một số nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hiểu biết khi sử dụng mạng xã hội của người trẻ dẫn đến vô tình tiếp tay cho thế lực thù địch, phản động phát tán thông tin xấu, độc, như: hiếu kỳ, có nhu cầu tiếp cận thông tin "nhanh, mới, độc, lạ" nhưng chưa có kiến thức, trình độ, kinh nghiệm để phân tích, đánh giá thông tin chính thống hay xuyên tạc; bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, như tiền bạc hay thậm chí là sự nổi tiếng "ảo" vì thường xuyên là "người của công chúng", "người dẫn dắt, đưa tin"; việc kiểm duyệt các nội dung xấu trên nền tảng mạng xã hội còn lỏng lẻo, dễ dàng tiếp cận đến người dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ…

4. Giải pháp nâng cao bản lĩnh của thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0 trước tác động của mạng xã hội, góp phần đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch

Một là, thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0 cần sử dụng mạng xã hội một cách thông minh. Mỗi người sử dụng mạng xã hội phải tự quản lý thời gian sử dụng, ứng xử đúng mực, có văn hóa khi giao tiếp trên mạng xã hội, sáng suốt kiểm chứng tính xác thực của những thông tin mà mình quan tâm. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của bản thân trong việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là những tin nhạy cảm về chính trị, lịch sử dân tộc, dịch bệnh… Cảnh giác với các trang fanpage, kênh youtube, group đăng tải những nội dung có tính giật gân, đưa ra những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch.

Hai là, xây dựng thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0 là những chiến sĩ trên không gian mạng, thực hiện văn hóa ứng xử trên mạng xã hội; có kỹ năng công nghệ – thông tin nhất định để chặn các tài khoản ảo, lọc, xóa, báo xấu… các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội để không cho các thông tin đó lan truyền dễ dàng. Cần cẩn trọng khi comment (bình luận), like (thích), share (chia sẻ), dẫn link một vấn đề nào đó, để tránh việc vô tình trở thành cầu nối giúp lan tỏa thông tin xấu, độc. Việc nắm rõ các quy định của Luật An ninh mạng năm 2018 là vấn đề bắt buộc giúp người sử dụng tránh những hành vi vi phạm có khi chỉ là vô tình nhưng gây ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân và xã hội.

Ba là, cần mở rộng và lan tỏa việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nội hàm trong Nghị quyết số 35-NQ/TW xác định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mở rộng đến toàn dân, nhất là thế hệ trẻ. Do vậy, trước hết, thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0 là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, làm việc trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc hệ thống chính trị phải tiên phong, gương mẫu là chủ thể nòng cốt đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; là người sử dụng mạng xã hội thông minh, lan tỏa tinh thần, văn hóa ứng xử văn minh, có sự chọn lọc thông tin đối với bạn bè và người thân trong quá trình sử dụng mạng xã hội.

Bốn là, các cơ quan chức năng, trong đó trọng tâm là Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường theo dõi, phát hiện, cảnh báo sớm thông tin xấu, độc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên mạng, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội; xử lý, ngăn chặn, gỡ và yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ các thông tin nêu trên. Trong trường hợp không xác định được nhân thân của tổ chức, cá nhân vi phạm, cơ quan chức năng cần yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, như google, youtube, facebook…, thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ. Đây là giải pháp để ngăn thông tin xấu, độc "từ xa", chặn dữ liệu "từ gốc" trước khi xâm nhập, mở rộng và lan tỏa ra xã hội đối với người dùng, trong đó có thanh niên Việt Nam thế hệ 4.0./.

—————————————–

(1) GS, TS. Bùi Quảng Bạ, Các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để chống phá, https://www.antv.gov.vn/tin-tuc/xa-hoi/cac-the-luc-thu-dich-loi-dung-mang-xa-hoi-de-chong-pha-163491.html

(2) Rocky Scopelliti, Tuổi trẻ 4.0, Nxb Công Thương, Hà Nội, 2019

(3) Thiện Văn, Tuổi trẻ góp phần giữ hồn dân tộc, https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tuoi-tre-gop-phan-giu-hon-dan-toc-568195

(4) Bài phát biểu của Thủ tướng tại lễ phát động Chương trình "Thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2016 – 2021 (chinhphu.vn)

(5)https://baochinhphu.vn/khoi-nghiep-lap-nghiep-su-menh-quan-trong-nhat-cua-thanh-nien-thoi-dai-moi-102220323142304901.htm

(6) Nguyễn Văn Thật, Phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/04/21/phat-huy-vai-tro-cua-thanh-nien-trong-su-nghiep-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc/

(7) Nhận diện âm mưu, thủ đoạn lợi dụng mạng internet tiến hành các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, https://congan.hatinh.gov.vn/bai-viet/nhan-dien-am-muu-thu-doan-loi-dung-mang-internet-tien-hanh-cac-hoat-dong-chong-pha-cua-cac-the-luc-thu-dich_1610595145.caht

(8) Nguyễn Như Trúc, Nhận diện một số thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên in-tơ-nét, mạng xã hội và giải pháp phòng, chống, http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/nhan-dien-mot-so-thu-doan-chong-pha-cua-cac-the-luc-thu-dich-tren-intonet-mang-xa-hoi-va-g/11743.html

ThS. NGUYỄN CÔNG TÂY

​(Theo nguồn: https://hcma2.hcma.vn/​)

Lượt người xem:  Views:   372
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

Email

FriendlyName

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tác giả

Tin mới nhất

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Ảnh
Video
Audio